Đề án metro sẽ được gửi Bộ Giao thông vận tải trước 15-5
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, tại cuộc họp về rà soát tiến độ xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo kết luận 49 của Bộ Chính trị (gọi tắt là đề án metro).
Chủ tịch UBND TP thống nhất nội dung báo cáo và các đề xuất, kiến nghị của Sở Giao thông vận tải TP.HCM. Các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung được phân công đảm bảo chất lượng và thời hạn hoàn thành.
Trong đó, đối với nhóm cơ chế về công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý hợp đồng, Sở Giao thông vận tải TP.HCM chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP đề xuất cách làm mới để tăng tính chủ động, đẩy nhanh tiến độ triển khai công việc.
Đối với nhóm cơ chế huy động nguồn vốn, Sở Tài chính TP chủ trì, phối hợp với sở ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu cơ chế huy động, đảm bảo nguồn bố trí theo kế hoạch đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị trong đề án, với các thủ tục thuận lợi và tăng tính chủ động của TP (lưu ý về thủ tục và thẩm quyền).
Trên cơ sở các khu đất dự kiến phát triển TOD xung quanh một số nhà ga (do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP đề xuất), giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP tính toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phương án đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách.
Các sở ngành và các đơn vị có liên quan tập trung nhân sự, nỗ lực thực hiện theo các nhiệm vụ được phân công; nghiên cứu đề án của TP Hà Nội và nghiên cứu các hướng dẫn, định hướng của Bộ Giao thông vận tải để xây dựng đề án có tính thống nhất chung.
Các đơn vị hoàn thiện nội dung cơ chế, chính sách đột phá kèm đánh giá tác động của cơ chế đối với nhiệm vụ được phân công, gửi Sở Giao thông vận tải TP trước ngày 10-5...
Chọn phương án làm 180km metro với đầu tư 20,98 tỉ USD
Kết luận 49 của Bộ Chính trị đề ra đến năm 2045 sẽ hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng thủ đô) và TP.HCM hoàn thành vào năm 2035. Như vậy, để đạt được mục tiêu này, hai thành phố phải xây dựng đề án triển khai xây dựng metro. Đây là đề án lớn với cách làm đột phá, chưa có tiền lệ trên cả nước.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đề án metro sẽ là tập hợp các cơ chế chính sách vượt trội, có tính toàn diện, bao quát hết các lĩnh vực, ngành có tính khả thi cao nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thủ tục đầu tư dự án như các chính sách về quy hoạch, huy động nguồn lực, trình tự, thủ tục đầu tư...
Ngày 12-4, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đã chủ trì làm việc với UBND TP.HCM và TP Hà Nội về tình hình triển khai xây dựng đề án metro. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện đề án tổng thể lấy ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi trình Thường trực Chính phủ trước 30-5. Đề án sẽ trình Bộ Chính trị trước 15-6.
Cuộc họp cũng thống nhất kịch bản đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị tại TP.HCM theo kết luận 49. Theo đó, đến năm 2035, TP.HCM sẽ đầu tư hoàn thiện 8 tuyến metro theo quy hoạch. Tổng chiều dài dự kiến 180km.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 503.100 tỉ đồng (20,98 tỉ USD), chưa bao gồm chi phí bồi thường, thu hồi đất khu vực TOD.
Về hình thức đầu tư, qua nghiên cứu kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới (từ kết quả học tập, nghiên cứu đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải về đường sắt), cho thấy đầu tư phát triển đường sắt đô thị theo hình thức đối tác công tư (PPP) không hiệu quả bằng đầu tư công.
Bộ Giao thông vận tải và hai thành phố thống nhất việc đầu tư công vẫn là hình thức chủ đạo để phát triển hệ thống đường sắt nhanh, hiệu quả.
Về cơ chế, chính sách đặc thù, cuộc họp thống nhất quan điểm kết quả nghiên cứu của đề án nhằm trình Quốc hội ban hành nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội phát triển đường sắt đô thị chung cho cả TP.HCM và Hà Nội.
Trong đó có những nhóm cơ chế chung cho hai TP và các cơ chế riêng cho từng TP, phù hợp với điều kiện thực tiễn và quy định hiện hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận