Các bạn đoàn viên trong một lần đến thăm ông Bé - Ảnh: Ngọc Tài |
“Nghĩ mà thương tụi nhỏ có phải máu mủ ruột rà gì đâu. Già sống bơ vơ lại còn mù lòa khổ lắm nhưng được mấy cháu đoàn viên tới lui thăm hỏi động viên, lòng tui vui lắm” - ông Dương Văn Bé, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nói.
Chiều tháng 7 trời lất phất mưa, một nhóm đoàn viên xã Tân Nghĩa tranh thủ giờ tan ca đến thăm ông Bé sẵn kiểm tra lại căn chòi xem có chống chịu nổi qua mùa mưa năm nay hay không. Để tạo sự bất ngờ nho nhỏ cho ông Bé, các bạn đoàn viên đi mà không báo trước.
Nghe tiếng xe dừng bên hông nhà ông Bé ngồi dậy thật nhanh, lắng tai nghe rồi như tìm được sự thân thuộc trong tiếng bước chân, ông cất tiếng hỏi dồn: “Thanh phải không? Bay đến giờ này thì hay quá. Trời mưa nằm ở nhà buồn muốn thúi ruột”.
Nghe tiếng ông Bé, Dương Văn Thanh - bí thư chi đoàn ấp 1, xã Tân Nghĩa - bước vội vào căn chòi nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo của ông Bé thân tình. Thanh chính là người bạn sớm hôm của ông Bé. Mặc dù cách biệt tuổi tác nhưng do “thằng nhỏ hay ghé thăm tao, tao thương tao mến cái tình chứ đâu phải mừng mấy trăm ngàn hằng tháng bay đem tới”, ông Bé giải thích trong khi sờ soạng tìm ấm trà để Thanh bắc lên bếp. Nhận ấm trà, Thanh lụi hụi chẻ củi nhóm bếp. Các bạn đoàn viên khác nhanh nhảu xách đầy một lu nước, quét dọn xung quanh nhà, thu xếp chăn màn gọn gàng cho ông cụ.
Ông Bé lang bạt từ nơi khác đến, lủi thủi sống một mình không bóng người thân. Đôi mắt ông mù lòa từ khi nào cũng không ai rõ. Nhấp một ngụm trà quạu, ông Bé kể chuyện đời mình, về thời trai trẻ bên mái ấm gia đình mà ông từng có. Câu chuyện ấy các bạn đoàn viên đã nghe đến hàng chục lần. “Tâm lý các cụ lớn tuổi là vậy, thích hoài cổ, thích con cháu lắng nghe”, Thanh chia sẻ trên đường về.
Với cụ ông cụ bà, các bạn đoàn viên như những người con người cháu, còn với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, các bạn như những người cha, người mẹ đỡ đầu. Thoáng thấy anh Đinh Hoàng Hải và chị Nguyễn Kim Tiến trờ xe trước cổng, Trần Lê Quốc Đạt, học sinh Trường THCS Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, chạy một mạch về nhà.
Vừa chạm mặt anh chị, Đạt liền phân trần: “Em đi trông ghe cho mẹ chứ không phải đi chơi đâu nghen. Hổm rày em trông anh chị ghé thăm để em khoe…”. Hoàn cảnh gia đình túng thiếu, vì mưu sinh hằng đêm nên cha mẹ Đạt thường đi làm để em lủi thủi ở nhà một mình. Thiếu vắng sự quan tâm của gia đình, lắm lúc Đạt ít nói rồi đâm ra cáu bẳn với mọi người nhưng từ khi được các anh chị đỡ đầu, bảo ban việc học hành, Đạt dần thay đổi tính tình, học lực cũng tiến bộ đáng kể.
Giọng Đạt có chút bẽn lẽn khi nhắc đến phần thưởng học sinh giỏi cuối năm của mình. Ngắm nghía từng quyển tập, Hải và Tiến cười tít cả hai mắt. Hai bạn không chỉ phấn khởi vì kết quả học tập của “đứa con” đỡ đầu mà còn cảm thấy thêm vững lòng trong hành trình sát cánh cùng các em. “Ở độ tuổi thiếu niên nên các em thích chứng tỏ, dễ bị bạn xấu dụ dỗ, khi đó các cha, các mẹ đỡ đầu phải ra tay “trị” các em”, Tiến hóm hỉnh.
242 cụ già neo đơn, 53 em nhỏ được phụng dưỡng, đỡ đầu Anh Lý Văn Giàu, bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp, cho biết hiện tại có 242 cụ già neo đơn, 53 em nhỏ được phụng dưỡng, đỡ đầu. Hằng tháng các em được hỗ trợ 100.000 đồng, còn mỗi cụ là 200.000 đồng. Tháng nào có mạnh thường quân ủng hộ thì ngoài tiền hỗ trợ còn có các phần quà là những món đồ cần thiết trong cuộc sống. Bình quân mỗi năm kinh phí hỗ trợ trên 600 triệu đồng do đoàn viên và mạnh thường quân đóng góp. “Hai mô hình này có ý nghĩa xã hội rất lớn, phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách". Quan trọng nhất là giúp đỡ, động viên tinh thần, là chỗ dựa cho các cụ, các em" - anh Giàu chia sẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận