* ThS Lê Văn Thành (trưởng phòng nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Thói quen xấu
Phun nước miếng khi đi đường là một thói quen xấu, ở góc độ nào cũng khó chấp nhận được. Những người này không tôn trọng nơi công cộng, coi thường người khác, thiếu lịch sự. Nhiều người biện minh rằng đó là quyền tự do của tôi, không ai cấm nhưng khi sự tự do quá trớn này ảnh hưởng đến người khác thì cần phải xem lại.
Trong môi trường đô thị, đất chật người đông, hành vi phun nước miếng nơi công cộng, nhất là khi tham gia giao thông, làm mất vệ sinh nơi công cộng, làm mất vệ sinh người khác nếu bị nước miếng phun trúng. Điều này khó có thể được cộng đồng chấp nhận, nhất là ở một đô thị mà mọi người đang cố gắng xây dựng nếp sống văn minh như TP.HCM. Hành vi này đã bị lên án rất nhiều và từ lâu nhưng chưa thật sự trở thành một tiếng nói chính thức của dư luận.
Tôi nghĩ đã đến lúc những luồng dư luận chính thức cần lên tiếng, các báo, đài phải vào cuộc tuyên truyền, phân tích những tác hại của việc này ở các khía cạnh vệ sinh, sức khỏe và văn hóa. Việc hình thành các luồng dư luận sẽ khơi gợi tính tự giác của những người có thói quen phun nước miếng ở nơi công cộng để họ tự điều chỉnh hành vi. Sau đó, Nhà nước phải tính đến việc ra quy định xử phạt nếu hành vi này vẫn còn tiếp diễn.
* Ông Hồ Tấn Hoàng (phó Phòng quản lý đô thị, đội trưởng đội quản lý trật tự đô thị quận Thủ Đức):
Cần phải xử phạt
Đội quản lý trật tự đô thị không được giao xử phạt hành vi phun nước miếng nơi công cộng, tôi chưa nghe nói có lực lượng nào được giao xử lý hành vi này. Phun nước miếng khi đi đường tuy chỉ là hành vi nhỏ nhưng hậu quả lớn, phức tạp, gây lúng túng, đôi khi xảy ra tai nạn cho những người đi sau. Theo tôi, hành vi phun nước miếng khi chạy xe, khạc nhổ nơi công cộng phải bị xử phạt như hành vi tiểu tiện, đại tiện nơi công cộng vậy. Nếu chưa có quy định xử phạt thì cần phải quy định cụ thể: ai xử phạt, lập biên bản ra sao, xử phạt bao nhiêu...
* Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM):
Giao cho cảnh sát giao thông xử phạt
Năm 2003, UBND TP.HCM ban hành quyết định 105 quy định về mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường đã quy định xử phạt hành vi khạc nhổ nơi công cộng từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng. Nhưng chỉ vài năm sau, quyết định này bị bãi bỏ. Hiện tại, những nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự không quy định xử phạt hành vi khạc nhổ nơi công cộng.
Theo tôi, cần phải đưa vào quy định để xử phạt hành chính hành vi này. Và nên đưa chung vào nhóm hành vi vi phạm về an toàn giao thông, giao cho cảnh sát giao thông xử phạt là hợp lý nhất. Nếu như người đi bộ khạc nhổ nơi công cộng thì không nghiêm trọng đến mức phải xử phạt, nhưng người đang tham gia giao thông, nhất là người đi xe máy, khạc nhổ xuống đường thường gây phiền toái, nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác.
Mặt khác, chỉ có cảnh sát giao thông mới thường xuyên đi tuần tra ngoài đường và bắt gặp những hành vi trên, những lực lượng khác như công an phường hoặc đội trật tự đô thị hay cán bộ phường đều không có điều kiện để xử lý hành vi này. Ở một TP văn minh càng phải xử lý nghiêm hành vi này với mức phạt cao để răn đe nhằm xây dựng lại hình ảnh văn minh đô thị và giảm phiền toái cho người khác.
* Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM): Có bệnh cũng không nên phun ra đường Phun nước miếng, khạc, nhổ đàm khi đang chạy xe trên đường phố là nguy cơ lây lan nhiều loại vi trùng, virút, là nguồn lây nhiễm nhiều loại bệnh cho cộng đồng như nhiễm vi trùng HP, vi trùng lao, các loại virút, vi trùng lây theo đường hô hấp như cúm, viêm họng, viêm phổi... Có một số bệnh lý kích thích cơ thể tiết ra nhiều nước miếng hơn bình thường như bệnh viêm gan mãn tính, trào ngược dạ dày thực quản, viêm amidan mãn tính, viêm họng cấp tính, loét miệng... hoặc những người đang uống một số thuốc thần kinh, thuốc an thần. Dù có xu hướng tăng tiết nước miếng nhưng khi đang chạy xe trên đường, những người này có thể “tự nuốt nước miếng” vì nước miếng hoàn toàn không gây hại về mặt sức khỏe. Nếu không muốn nuốt nước miếng, những người này có thể nhổ vào khăn giấy, sau đó vứt bỏ đúng nơi quy định. Một số bệnh lý gây vướng đàm ở cổ họng làm cho người bệnh có xu hướng khạc, nhổ như bệnh viêm xoang mãn tính, lao phổi, viêm phế quản mãn tính, viêm phổi, viêm phế quản cấp tính... Những người mắc bệnh này khi ra đường nên đeo khẩu trang để tránh phát tán vi trùng, virút ra ngoài. Lúc vướng đàm có thể ngậm miệng lại, đợi đến chỗ nào đó thuận tiện sẽ dừng lại để khạc nhổ hoặc có thể chuẩn bị sẵn khăn giấy để khạc nhổ, sau đó bỏ khăn giấy vào đúng nơi quy định. Những trường hợp vướng đàm không nên tự nuốt đàm vào vì nếu trong đàm có vi trùng lao khi vào hệ tiêu hóa có những trường hợp sẽ gây bệnh lao ruột. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận