Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Theo nội dung bản án sơ thẩm, từ năm 2012 đến 2015, bị cáo Nguyễn Huy Hùng (giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn) đã chỉ đạo Nguyễn Quang Lộc (phó trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp) trực tiếp xử lý tài sản thế chấp của Công ty An Tây và Công ty đồ gỗ Mỹ Hiệp để thu hồi nợ cho ngân hàng.
Tuy nhiên, Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Quang Lộc và Nguyễn Hồng Khanh (cựu bí thư thị xã Bến Cát) đã cấu kết với bà Hồ Thị Hiệp (chủ 2 doanh nghiệp trên) xử lý tài sản thế chấp để Nguyễn Hồng Khanh mua lại toàn bộ tài sản thế chấp 18ha đất và một số tài sản bảo đảm khác, gây thất thoát cho ngân hàng 35 tỉ đồng.
Bị cáo Khanh có ép bà Hiệp bán đất giá rẻ?
Tại phiên tòa, HĐXX cho rằng cần phải làm rõ đối tượng bị xâm phạm trong quan hệ pháp luật này, và tài sản này có phải là tài sản của Nhà nước hay không.
HĐXX tập trung xét hỏi người làm đơn tố cáo là ông Nguyễn Hiệp Hòa (con trai bà Hồ Thị Hiệp) về việc ông này có bị thiệt hại không, ông làm đơn tố cáo khẳng định mẹ ông bị o ép bán tài sản giá rẻ có bằng chứng gì không?
HĐXX hỏi nhân chứng là người môi giới bất động sản đã giới thiệu lô đất cho bị cáo Khanh về việc có thấy ông Khanh o ép chủ đất để mua đất giá rẻ không. Nhân chứng này nói rằng ông là người môi giới để hưởng tiền hoa hồng và thấy rằng việc thỏa thuận của các bên là bình thường.
Tài sản thế chấp chưa phải là tài sản của ngân hàng
HĐXX và các luật sư cũng hỏi đại diện Ngân hàng BIDV về tài sản thế chấp này là tài sản của ngân hàng chưa, đại diện BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn trả lời tài sản này chưa phải là tài sản của ngân hàng bởi nó đang là tài sản thế chấp của khách hàng để đảm bảo khoản vay.
Đối với 2 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng, HĐXX hỏi trước khi xảy ra việc mua bán thì khoản nợ này đã có bản án tuyên có hiệu lực pháp luật và đang được thi hành án, vậy tại sao ngân hàng không để thi hành án phát mãi tài sản mà lại cho bà Hiệp thỏa thuận mua bán với ông Khanh? Các bị cáo cho rằng phương án nào thuận lợi thi làm.
Đại diện Ngân hàng BIDV tại tòa cũng cho rằng luật không cấm khách hàng thỏa thuận với đương sự về việc ưu tiên mua lại tài sản phát mãi cùng thỏa thuận với bên thứ ba để mua lại tài sản.
Tuy nhiên, đại diện bên bị hại cũng cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm hại trong việc thỏa thuận mua bán, cụ thể là thiệt hại về vật chất mà bản án sơ thẩm đã xác định.
Viện kiểm sát đề nghị hủy toàn bộ bản án
Đại diện Viện KSND cấp cao giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại bởi cho rằng cần làm rõ tài sản thế chấp tại ngân hàng có phải là tài sản của Nhà nước hay không.
Án sơ thẩm án cho rằng ông Khanh cấu kết với bà Hiệp để xử lý tài sản thế chấp mà chưa làm rõ động cơ mục đích của hành vi này.
Án sơ thẩm cho rằng Khanh đồng phạm với các bị cáo khác, viện kiểm sát cho rằng kết luận này chưa đầy đủ, bởi trước đó bà Hiệp có đơn xin bán tài sản trong ngân hàng. Đơn xin bán tài sản này là phù hợp với việc mua bán. Khi bà Hiệp bán tài sản có tham khảo giá thị trường, do đó cấp sơ thẩm cho rằng Khanh đồng phạm với Hùng là không có cơ sở.
Viện KSND cấp cao cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng trong việc tách nhập vụ án làm ảnh hưởng đến việc chứng minh toàn diện vụ án, chưa làm rõ động cơ mục đích của các bị cáo, cần phải xem xét để xử lý cho phù hợp và đề nghị hủy toàn bộ vụ án để điều tra lại.
HĐXX sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Huy Hùng, 52 tuổi, cựu giám đốc BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn, 12 năm tù; ông Nguyễn Quang Lộc, 50 tuổi, nguyên phó phòng BIDV Tây Sài Gòn 11 năm tù, Nguyễn Hồng Khanh, cựu bí thư thị xã Bến Cát, 10 năm tù cùng về tội "vi phạm quy định về quản lý tài sản công gây thất thoát lãng phí".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận