Phóng to |
Xử phúc thẩm 5 công an dùng nhục hình tại Phú Yên - nguồn: TVO |
Án tuyên của tòa phúc thẩm đồng nhất với quan điểm của Viện KSND tỉnh Phú Yên nêu trước đó tại tòa.
Thiếu sót trong điều tra
Theo bản án, từ 8g-14g ngày 13-5-2012, tại phòng làm việc của đội điều tra tổng hợp Công an TP Tuy Hòa, các bị cáo là năm sĩ quan công an gồm Nguyễn Thân Thảo Thành, Nguyễn Tấn Quang, Phạm Ngọc Mẫn, Đỗ Như Huy (đều thuộc Công an Tuy Hòa) và Nguyễn Minh Quyền (Công an Phú Yên) được phân công tiến hành điều tra, canh giữ nghi phạm trộm cắp Ngô Thanh Kiều (sinh năm 1982, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Cả năm bị cáo đều có hành vi dùng dùi cui cao su đánh vào người ông Kiều, dẫn đến ông này chết vào chiều cùng ngày. Hội đồng xét xử nhận thấy mặc dù các bị cáo không có mặt cùng một lúc, nhưng từng bị cáo cho biết các bị cáo khác có hành vi đánh Ngô Thanh Kiều mà không cản ngăn. Điều này thể hiện ý thức tiếp thu ý chí của nhau, cùng thực hiện một tội phạm. “Cũng như Thành, các bị cáo Quang, Mẫn, Quyền, Huy có dấu hiệu tội dùng nhục hình theo khoản 3, điều 298 Bộ luật hình sự, nhưng cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ để xử lý, sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự” - hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định.
Tòa phúc thẩm còn nhận thấy khi thực hiện các hoạt động điều tra đối với ông Kiều, lãnh đạo ban chuyên án phá nhóm trộm cắp (do ông Lê Đức Hoàn - phó trưởng Công an TP Tuy Hòa - làm trưởng ban) thiếu trách nhiệm kiểm tra, để xảy ra hành vi trái pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nên cần được điều tra và xử lý.
Tóm lại, tòa phúc thẩm nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm còn nhiều thiếu sót, cấp phúc thẩm không thể bổ sung được, phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Sau phiên tòa, cả bà Ngô Thị Tuyết, chị nạn nhân Ngô Thanh Kiều, lẫn ông Nguyễn Văn Thân, cha bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, đều bày tỏ rằng phán quyết của tòa phúc thẩm là điều mong muốn của họ, hi vọng tất cả những điều chưa rõ ràng của vụ án sẽ được làm sáng tỏ. Tương tự, ông Vũ Xuân Hải - nguyên chánh tòa hình sự TAND tỉnh Phú Yên - nhận định: “Khi tòa sơ thẩm đang xử, tôi từng nói vụ án này nếu không trả hồ sơ để điều tra làm rõ nhiều vấn đề thì rất nguy hiểm, thế nhưng họ vẫn tuyên. Việc tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm là rất đúng”.
Tuy nhiên, với góc nhìn chuyên môn, nhiều người vẫn còn băn khoăn về vụ án. Luật sư Nguyễn Văn Thắng, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, cho biết: “Vấn đề là bản án trả lại thì trả lại cho đâu và cơ chế giám sát như thế nào? Nơi để xảy ra sai sót, vi phạm nhiều ở vụ án này là Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, sắp tới chính cơ quan này lại điều tra lại, liệu có ổn không?”. Luật sư Nguyễn Khả Thành - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên - cho rằng rất cần lưu ý ý kiến của luật sư Võ An Đôn tại tòa đề xuất việc xem xét khởi tố ông Lê Minh Chánh - viện trưởng Viện KSND TP Tuy Hòa. “Trong vụ việc này Viện KSND TP Tuy Hòa có trách nhiệm trong việc để lọt tội phạm thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” - ông Thành nói.
Còn luật sư Nguyễn Hồng Hà - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa - đặt vấn đề: “Có hay không tội “bắt người trái pháp luật” trong vụ án này? Kết quả xét hỏi ở tòa phúc thẩm có mâu thuẫn trong lời khai của ông Lê Đức Hoàn và quan điểm của đại diện Viện KSND tỉnh Phú Yên? Ông Hoàn nói chỉ yêu cầu thuộc cấp kiểm tra và mời về làm việc, trong khi công tố viên khẳng định bắt ông Kiều là đúng đối tượng, nhưng không có lệnh bắt và quyết định phê chuẩn lệnh bắt. Do vậy, khi điều tra lại cần kết luận việc bắt giữ ông Kiều do những ai thực hiện, “mời” hay “bắt” theo lệnh của ai... Từ đó mới có căn cứ vững chắc để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.
* Ông NGUYỄN THÁI HỌC (trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Phú Yên): Đúng sai phải được phân định rạch ròi Việc hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ án năm sĩ quan công an “dùng nhục hình” để điều tra lại cho thấy hoạt động tố tụng ở cấp sơ thẩm thiếu khách quan, dẫn đến áp dụng pháp luật không đúng và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Những sai sót này cần phải được phân tích, đánh giá một cách nghiêm túc. Phán quyết của tòa phúc thẩm là cơ sở để vụ án được xem xét điều tra, truy tố, xét xử lại một cách toàn diện. Tôi tin rằng vụ án chắc chắn được giải quyết theo tinh thần thượng tôn pháp luật, công lý phải được bảo vệ, đúng - sai phải được phân định rạch ròi. |
__________
Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận