Khi dịch bệnh diễn ra, xã hội bị giãn cách, rào cản kỹ thuật để phòng chống dịch bệnh được dựng lên khắp nơi đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lập tức hoạt động kinh tế gián đoạn, từ đầu vào nguyên vật liệu cho đến đầu ra thành phẩm và tiếp cận thị trường.
Vượt qua khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả ấn tượng trong năm 2021, GDP tăng trưởng dương 2,58%. Trong bối cảnh dịch bệnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì được mức tăng trưởng 2,9%.
Xuất khẩu nông sản năm 2021 đạt 48,6 tỉ USD, tăng 14,9% so với năm 2020, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó với 10 nhóm hàng chủ lực của ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong số này có 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đạt kỷ lục mới. Tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 668,5 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,25 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2020, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam.
Những con số này nói với chúng ta điều gì, nếu không phải là thành quả đã đến từ nội lực được khai thác tốt. Trong khi các ngành dịch vụ gặp phải nhiều khó khăn do dịch bệnh thì nông nghiệp tiếp tục phát huy tốt vai trò "bệ đỡ" của nền kinh tế.
Dịch bệnh không thể kéo dài mãi, tuy nhiên cũng không kết thúc trong một sớm một chiều. Hơn nữa, cũng không có gì đảm bảo rằng sau COVID-19 sẽ không còn dịch bệnh nào nữa. 2022 là năm mà các quốc gia đều xem là năm hồi phục kinh tế.
Hẳn nhiên, mỗi nền kinh tế sẽ có các tính toán riêng, nhưng chắc chắn rằng để kinh tế hồi phục thì mọi toan tính đều phải hướng đến mục tiêu làm sao cho hoạt động kinh tế có khả năng kháng cự tốt trước các rủi ro có tính toàn cầu, bớt nhạy cảm trước các đứt gãy của hoạt động cung ứng xuyên quốc gia.
Việc kiểm soát các vấn đề và rủi ro nằm ngoài biên giới quốc gia chưa bao giờ dễ dàng; những gì xảy trong thời gian vừa qua đã khẳng định lại điều này một cách rõ ràng. Thực tế cho thấy ngay cả bên trong một quốc gia thì các hoạt động xuyên vùng miền cũng mang trong nó các rủi ro tiềm tàng.
Hoạt động kinh tế hiện đại không thể là tự cấp tự túc hay bế quan tỏa cảng chỉ vì lo lắng trước các rủi ro. Tuy nhiên, nếu xem một nền kinh tế là sự kết hợp của các vùng kinh tế nhỏ hơn, có thể lấy các địa phương (tỉnh thành) làm đơn vị, thì chắc chắn nền kinh tế quốc gia sẽ mạnh khỏe khi mà kinh tế của các địa phương mạnh khỏe.
Cách đặt vấn đề đó cho chúng ta một gợi ý quan trọng: cần khai thác tốt nhất thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, bởi các yếu tố bên trong một địa phương sẽ dễ kiểm soát hơn.
Có một ví dụ gần là thời gian vừa qua các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp, sử dụng lao động nhập cư từ các tỉnh thành khác, đã phải chật vật giải quyết bài toán nhân lực khi người lao động trở về quê tránh dịch và không thể trở lại làm việc. Việc tương tự cũng xảy ra với nguyên vật liệu và các tư liệu sản xuất khác: Giãn cách xã hội do dịch bệnh ít nhất cũng làm chi phí đầu vào tăng lên, không chỉ tăng chi phí mua trực tiếp mà còn tăng các chi phí gián tiếp khác như kéo dài thời gian vận chuyển hay sự bất ổn của nguồn cung cấp.
Tư tưởng cho rằng kinh tế địa phương hay vùng miền, phát triển lành mạnh sẽ làm nên nền kinh tế quốc gia lành mạnh là phù hợp với quan điểm quản trị vẫn thường được áp dụng trong các tình huống rủi ro cao hoặc có khủng hoảng ở quy mô lớn: Chia tách tổng thể thành các phần tử nhỏ để mỗi phần tử đó tự phát triển khỏe mạnh dựa trên nội lực của nó. Việc chia tách như vậy cũng giúp giảm độ phức tạp của bài toán quản lý, nhờ thế hiệu quả quản lý cũng được cải thiện.
Đấy không phải là câu chuyện xa vời hay chưa từng xảy ra. Mô hình phát triển đó đã được học tập, chuyển giao và triển khai áp dụng trong nhiều năm qua ở Việt Nam, trực tiếp trong ngành nông nghiệp, đó là chương trình OCOP (One Commune One Product) hay là Mỗi xã một sản phẩm: Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Thời gian qua OCOP đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ và đang tiếp tục được nhân rộng.
Ngoài sản phẩm thuộc các nhóm thực phẩm, thảo dược, thủ công mỹ nghệ..., OCOP cũng khuyến khích phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Chính việc khai thác các giá trị của địa phương đã giúp tạo công ăn việc làm tại chỗ, giữ chân lực lượng lao động; động lực kinh tế của địa phương từ đó mà hình thành và được củng cố.
Từ góc nhìn vĩ mô về kinh tế - xã hội, khuyến khích khai thác nội lực của địa phương cũng là phương cách tốt nhất để tạo ra môi trường kinh tế bình đẳng, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền và tầng lớp trong xã hội. Nội lực của địa phương sẽ thu hút đầu tư tại chỗ và gia tăng đầu tư chéo giữa các vùng miền, giúp giảm bớt mức độ tập trung của cải của xã hội vào các tâm hút lớn, thường là các đô thị lớn hay các địa phương có tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp cao hơn.
Nhìn rộng hơn sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế, bài học có lẽ là các doanh nghiệp cần phải đặt ra và tìm lời giải cho các bài toán gần, bám sát thực tế của các khu vực thị trường hẹp, trong đó các nhu cầu được xác định rõ hơn và nguồn lực được huy động một cách có trọng tâm, sát với môi trường thực tế của địa phương hơn.
Điều đó không chỉ đáng suy nghĩ trong lĩnh vực nông nghiệp, mà còn đúng trong cả trong lĩnh vực dịch vụ: Khi mà điều kiện sống và kỹ năng tiếp cận dịch vụ ngày càng đồng đều giữa các vùng miền thì ai huy động tốt nguồn lực địa phương nhất sẽ có lợi thế cạnh tranh.
Có thể nói rằng thay vì đặt ra các bài toán phát triển sản phẩm và dịch vụ quá rộng, doanh nghiệp hãy vận dụng tối đa nguồn lực của của địa phương để giải quyết hiệu quả vấn đề của địa phương đó, trước khi hướng tầm mắt ra sân chơi lớn hơn. Phát biểu đã trở thành kinh điển rằng "Tư duy địa phương, hành động toàn cầu" giờ đây có lẽ cũng nên được hiểu và hiểu lại theo cách như vậy.
Sau Tết, chị Ngô Ánh Tuyết (30 tuổi, quê Long An) lên TP.HCM tìm việc làm. Chị tới Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc, quận Bình Tân nộp hồ sơ vài công ty. Chỉ trong ngày đầu tiên, chị đã đồng ý nhận việc tại một công ty chế biến thủy sản và chuẩn bị để đi làm ngay hôm sau.
Dãy trọ mà chị Tuyết dọn vào ở do Công ty cổ phần Đầu tư thương mại thủy sản (INCOMFISH), KCN Vĩnh Lộc "bao" phòng cho công nhân của công ty. "Tiền thuê phòng ở đây khá rẻ, chỉ 900.000 đồng/tháng. Công ty hỗ trợ tiền ở 15.000 đồng/ngày trên số ngày công nhân đi làm trong tháng. Nếu đi làm đầy đủ thì được hỗ trợ tiền trọ khoảng 400.000 đồng/tháng", chị Tuyết cho biết. Ở đây, chị cũng không cần đóng tiền trọ ngay, nhà trọ sẽ chờ tới ngày công ty trả lương để thu tiền.
"Giá phòng trọ ở thành phố giờ cũng phải 1,4-1,5 triệu đồng/tháng nếu có gác, rất khó tìm phòng có giá như ở đây. Chỗ ở công ty chọn cũng gần công ty, có thể đạp xe đi làm" - chị Nguyễn Thị Lý, công nhân Công ty INCOMFISH đang ở trọ tại đây, cho biết. Khi đi xin việc tại công ty, được giới thiệu chỗ ở ngay và hỗ trợ tiền trọ, thấy khu trọ cũng thuận tiện đi lại, chị đồng ý nhận việc ngay.
Dãy phòng trọ gần 160 phòng nằm gần cụm công nghiệp tại xã Trung An, huyện Củ Chi của anh Lê Tường trống phân nửa sau khi thành phố dỡ phong tỏa. Đến cuối năm 2021, tình hình thuê trọ vẫn không khá hơn bao nhiêu. Nhưng may mắn, ngay trước Tết, Công ty TNHH Vietnam Samho đã đến đặt cọc giữ sẵn khoảng 70 phòng trọ cho đợt công nhân dự kiến tuyển sau Tết. Nằm sát Công ty Samho nên đây cũng là nơi nhiều công nhân Samho đang ở trọ vì "chỉ cần đi bộ chừng chục phút là tới công ty".
Là người trực tiếp đi khảo sát và tìm phòng trọ cho công nhân, ông Nguyễn Thanh An – chủ tịch công đoàn Công ty Samho - cho biết đây là năm đầu tiên công ty có chính sách đi tìm phòng trọ, đặt cọc giữ chỗ sẵn để công nhân đến xin việc là có chỗ vào ở luôn. "Khu trọ này là thuận tiện nhất cho công nhân công ty vì nằm sát công ty, giá cả phải chăng và chủ trọ rất có tâm. Mùa dịch người chủ trọ này hỗ trợ tiền trọ cho công nhân", ông An chia sẻ về lý do "giữ chỗ" tại khu trọ này cho công nhân. Samho hiện đăng tuyển gần 2.000 lao động sau Tết.
Công ty này cũng có chính sách tiền thưởng cho công nhân mới trong thời gian đầu. Nếu làm duy trì được 3 tháng, 5 tháng, 7 tháng thì mỗi mốc đều được thưởng với số tiền tổng cộng khoảng 3 triệu đồng.
Chị Lâm Thị Yến (38 tuổi, quê Cà Mau), công nhân Công ty Samho, cho biết dãy trọ mà công ty giữ chỗ cho công nhân ở có giá thuê 1 triệu đồng/tháng. "Năm nay công ty tăng tiền hỗ trợ nhà ở. Tôi và cả chồng tôi đều làm ở đây nên mỗi tháng lãnh được 1 triệu đồng, xem như có chỗ ở miễn phí", chị cho biết. Theo chị Yến, khu trọ này không chỉ sạch, thoáng, gần công ty mà còn rất an ninh. "Cửa ra vào cổng có khóa vân tay, dãy trọ lắp rất nhiều camera nên nhiều người để xe máy ở bên ngoài phòng được".
Công ty INCOMFISH cũng giữ sẵn phòng trọ tại một khu trọ cách công ty vài trăm mét để giới thiệu công nhân mới đến ở. Khu trọ này được công ty "bao phòng" từ nhiều năm nay cho công nhân công ty. Sau đợt dịch, không ít công nhân về quê, những phòng trống tiếp tục được công ty giữ chỗ. "Tôi trước đây cũng là công nhân. Nhớ lần đầu lên thành phố xin việc, không biết đường đi nước bước nên phải xin ở ké các chị công nhân cũ, 8 người nhét một phòng chứ đâu có tìm được phòng ở ngay. Công ty tìm phòng sẵn giới thiệu vào ở thì vừa nhanh lại vừa có chỗ ở thuận tiện đi lại, vừa bảo đảm an toàn", chị Lê Thị Thu Vân – chủ tịch công đoàn công ty, cho biết.
Tại Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 1, TP Thủ Đức), công nhân mới cũng được hỗ trợ chỗ ở miễn phí ngay khi xin vào làm việc. Bà Trần Thị Hồng Vân, chủ tịch công đoàn Công ty Nissei, cho biết hiện họ có nhà lưu trú cho công nhân gần công ty với sức chứa hơn 1.500 chỗ (3 block với khoảng 280 phòng). Khi vào ở khu lưu trú công nhân vẫn nhận được 300.000 đồng hỗ trợ tiền nhà ở/tháng. "Trong đợt dịch vừa qua, điều kiện về nơi ở tập trung chính là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện sản xuất "3 tại chỗ", đáp ứng yêu cầu "1 cung đường, 2 điểm đến". Do đó tổ chức nơi ở tập trung cho người lao động, lựa chọn nơi ở có điều kiện tốt cho công nhân sinh sống là một chính sách tốt", bà Vân nói.
Theo ông Hồ Xuân Lâm, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, các giải pháp xây nhà lưu trú, nhà ở giá rẻ cho người lao động vốn đang gặp nhiều bế tắc, thành phố nên chuyển hướng tập trung cải thiện điều kiện sống ở các khu trọ cho người lao động.
Tuy nhiên theo ông Lâm, còn một vướng mắc khác là các quy định về diện tích, giấy tờ nhà đất khiến nhiều nhà trọ hiện nay không thể xin được giấp phép sửa chữa, đành chấp nhận sửa chắp vá. "Nhiều khu trọ đã được xây cách đây 10-20 năm, mua bán giấy tờ tay… Do đó cần có sự linh hoạt để tháo gỡ khó khăn giúp các chủ nhà trọ được vay vốn, cấp phép sửa chữa. Nếu không người chịu thiệt thòi cuối cùng vẫn chính là người lao động thuê trọ", ông Lâm kiến nghị.
Thực tế cho thấy sự đối đãi tử tế của doanh nghiệp đối với người lao động không chỉ để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn trong bối cảnh mới, mà còn là một chiến lược giữ chân và thu hút lao động bền vững, có lợi cho cả đôi bên.
Chính sách ưu đãi được các doanh nghiệp thực hiện cả trước và sau Tết Nguyên đán, như chế độ lương thưởng, hỗ trợ xe đưa đón, lì xì năm mới. Trong đó điều người lao động quan tâm nhất vẫn là chế độ lương, phụ cấp, tiền tăng ca... đã được công ty điều chỉnh đều tăng ít nhiều. Các chính sách ưu đãi hấp dẫn còn được các doanh nghiệp công khai trên thông báo tuyển dụng. Chẳng hạn, tuyển công nhân chính thức số lượng lớn, độ tuổi nâng cao, trước đây quy định đến 35 thì nay 40 tuổi vẫn trúng tuyển. Các mục chế độ lương cơ bản, tăng ca, thâm niên, phụ cấp nhà ở, xăng xe, ăn uống rõ ràng. Tổng thu nhập trung bình tới 9-12 triệu đồng/tháng. Với lao động ở xa, công ty hỗ trợ tìm phòng trọ, test Covid-19 miễn phí…
Ở trang tin của khu Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long, Hà Nội, Công ty SEI (Nhật Bản) thông báo tuyển 1.000 công nhân chính thức đi làm ngay. Các chế độ lương, phụ cấp của công ty khá hấp dẫn, lương cơ bản 4,98 triệu đồng, phụ cấp các phòng ban 1,2 triệu, phụ cấp xăng xe, nhà ở, chuyên cần, lễ Tết… tổng thu nhập từ 7,5-13 triệu/tháng.
Công ty điện tử Canon thông báo tuyển dụng số lượng không giới hạn công nhân làm chính thức, chế độ mới năm 2022 với nhiều mức ưu đãi: lương cơ bản 5 triệu đồng, thuộc dạng cao trong khu vực hiện nay. Phụ cấp đi lại 100.000 đồng, trợ cấp chuyên cần 200.000 đồng, trợ cấp đời sống 350.000 đồng, trợ cấp đêm 1,378 triệu đồng. Thưởng ngay 6,150 triệu đồng khi làm đủ 6 tháng. Công ty có chỗ ở và có xe đưa đón người đi làm.
Ở các KCN của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, thông tin tuyển dụng cũng có nhiều ưu đãi lớn. Một thông báo tuyển việc làm tại KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh của nhân viên tuyển dụng Phạm Phương Anh ghi lời chào mời hấp dẫn: "Mặc dù hết Tết rồi nhưng xuống Bắc Ninh làm vẫn được lì xì nha các bạn. Có tăng ca và có ký túc xá miễn phí". Chế độ lương cơ bản 4,9 triệu đồng, phụ cấp 1,2 triệu, chuyên cần 700.000 đồng. Tổng mức lương từ 9,5-12 triệu/tháng. Công việc cũng được nêu rõ là làm tại kho, ngồi làm (không phải đứng), sản xuất tai nghe. Không cửa từ, không áp lực và không ép sản lượng...
Công ty Hồng Hải Foxcom, một trong những công ty lớn tại Bắc Ninh và có chi nhánh tại Bắc Giang, cũng đăng tuyển dụng với thông báo chế độ mới năm 2022. Lương cơ bản 4,9 triệu đồng, tổng phụ cấp 1,8 triệu, tiền ăn 1,066 triệu đồng. Đóng bảo hiểm xã hội, thưởng lễ Tết, ký túc xá, nhà ở miễn phí. Tổng lương từ 9-12 triệu đồng/tháng.
Công nhân Bùi Thị Dền, quê ở Lào Cai, vừa cùng chồng trở lại KCN Vsip tỉnh Bắc Ninh làm việc. Chị Dền khoe vừa nhận được lì xì của công ty và vợ chồng sẽ đi ăn liên hoan một bữa. Cuối năm ngoái chị bị nhiễm Covid-19 phải nghỉ Tết sớm, tuy nhiên công ty vẫn trả nguyên lương và thưởng Tết cho chị. Công ty tính lương theo sản phẩm, mỗi tháng vợ chồng chị Dền thu nhập hơn 20 triệu đồng. Năm vừa qua anh chị xây nhà ở quê, vẫn còn một ít nợ, vì thế cả hai cố gắng làm việc chăm chỉ để trả hết nợ trong năm nay.
Công nhân Lương Hải Yến quê ở Hòa Bình cho biết sẽ xuống công ty ở Bắc Ninh làm việc. Ra ngoài Tết công ty đã nhiều việc và Yến được báo sẽ tăng ca liên tục nên thu nhập sẽ cao hơn so với năm trước. Năm qua dịch bệnh khiến việc làm không đều, thu nhập giảm mạnh, Yến hy vọng năm nay sẽ ổn định hơn.
Chị Bùi Thị Mai đang nghỉ thai sản và sắp quay lại công ty để làm việc. Chị Mai quê ở Yên Bái, chị đang làm cho một công ty điện tử tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội. Năm trước công ty của chị cũng bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng không nặng nề như các công ty khác nên lương thưởng Tết vẫn đầy đủ. Chị Mai liệt kê các khoản được hưởng: bảo hiểm được 34 triệu đồng, thưởng Tết 7 triệu, lương dưỡng sức 3 triệu. Chị cho biết mình may mắn hơn nhiều công nhân khác, nhất là thời điểm sinh con có được khoản tiền trợ cấp trong lúc dịch bệnh.
Chị Nguyễn Thị Thu cũng quê ở Yên Bái, vừa nộp đơn xin việc ở KCN Bắc Thăng Long, cho biết: "Đợt này xin việc dễ hơn những lần trước, vì nhiều công ty tuyển công nhân chính thức số lượng lớn. Lương cơ bản và phụ cấp đều tăng, có nhiều cơ hội để lựa chọn". Chị nói năm trước nhiều lần chạy lòng vòng xin việc cả tháng vẫn không được, phải làm công nhân thời vụ cho các công ty khác nhau. Lần này chị nộp đơn vào một công ty lớn và được nhận ngay vào làm chính thức với mức lương khá cao. Trong phòng trọ mới thuê, chị Thu đang rất hào hứng cho ngày đi làm đầu tiên của mình.
"Người lao động chính là tài sản quý giá của các doanh nghiệp, vì thế họ cần được đối xử tốt trong thời điểm này" - ông Đinh Quốc Toản, chủ tịch công đoàn các KCN và khu chế xuất Hà Nội, nói. Ông Toản cho rằng vẫn có những doanh nghiệp nhìn nhận chuyện ứng xử với lao động chưa đúng đắn, khi bám víu chuyện Chính phủ không tăng lương tối thiểu vùng để làm cớ từ chối tăng lương, hoặc không tính mức trượt giá trong đó.
Theo ông Toản, ngay cả những doanh nghiệp quá khó khăn cũng cần tính toán việc thực hiện quy định, chính sách việc làm phù hợp, có thể tập trung sản xuất, không đầu tư tràn lan và cốt lõi là giữ chân lao động bằng cách đảm bảo được đời sống của họ.
Sản xuất đang được nối lại sau 2 năm dịch bệnh gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và lao động, nhưng thách thức mới về lạm phát đang ập tới, và nhiều chuyên gia nhận định đời sống của người lao động sẽ bị ảnh hưởng lớn trong thời gian tới.
Ông Tạ Văn Dưỡng, trưởng ban chính sách và pháp luật Liên đoàn lao động TP Hà Nội, giải thích về việc lực lượng lao động trở lại làm việc rất cao tại các doanh nghiệp (trong thành phố khoảng 96%, ở các KCN khoảng 98%) là do những doanh nghiệp đó có chính sách thu hút và giữ chân lao động rõ ràng, với phúc lợi và sự quan tâm đến người lao động thiết thực, ngay cả trong thời điểm khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, vẫn duy trì thưởng Tết. Có doanh nghiệp đưa đón công nhân về nhà ở Thanh Hóa, Nghệ An đón Tết, tạo hiệu hứng, sự phấn khởi cho lao động. Nhiều doanh nghiệp lì xì đầu năm cho người lao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng nếu đến đúng ngày làm việc...
Và nếu tiền lương và phúc lợi là tiêu chí thứ nhất thì tiêu chí thứ hai là lấy người lao động để thu hút người lao động. Khi doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ, chính lực lượng lao động này lại thu hút lao động khác cho doanh nghiệp.
Những đòi hỏi của người lao động về tăng lương và phúc lợi trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, lạm phát chực chờ... là tất yếu. Vấn đề còn lại chỉ là cách đối thoại sao cho hai bên cùng trao đổi rõ và cặn kẽ những khó khăn của mình. "Cả doanh nghiệp và người lao động nên chia sẻ với nhau trong lúc này. Chính phủ và chính quyền địa phương cùng bàn giải pháp, cứu doanh nghiệp và người lao động. Thời gian qua Chính phủ đã có các giải pháp nhưng những giải pháp này vẫn chưa đồng bộ giữa y tế, kinh tế và thị trường lao động. Các chính sách đến tay người lao động được thụ hưởng cũng chưa được nhiều. Để lao động gắn bó với công việc, trước hết mức lương tối thiểu phải được đảm bảo" - bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện khoa học lao động và việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), nhận định.
Đại dịch Covid-19 gây thiệt hại cho nền kinh tế nước ta khoảng 37 tỉ USD trong 2 năm 2020 và 2021, theo đánh giá của Ban Kinh tế trung ương. Còn theo Tổng cục Thống kê, trong quý 4-2021, cả nước còn hơn 24,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó có 2,3 triệu người bị mất việc làm và 16,9 triệu người bị giảm thu nhập do mất việc hoặc giảm giờ làm.
Từ kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2021, Tổng cục Thống kê ước tính thu nhập bình quân một người/tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 73.000 đồng so với năm 2020. Số lao động có việc làm quý 4-2021 dần tăng trở lại, chủ yếu là tăng ở nhóm người có việc làm phi chính thức với đặc trưng công việc bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp. Như vậy, thị trường lao động có dấu hiệu hồi phục song chưa ổn định và chưa bền vững.
Mặc dù Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ quy mô lớn với cả DN và người lao động, song vẫn không thể khỏa lấp được những mất mát, khó khăn của DN và người lao động do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 khiến hàng chục nghìn DN tạm ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa, phá sản. Với người lao động, đặc biệt là lao động di cư, mất việc làm đồng nghĩa với mất thu nhập.Những người khác thì lo "chúng em không đủ sống, phải trả tiền trọ, tiền điện, nước và tiền ăn, đủ thứ phải chi tiêu trong khi lương thấp".
Nhu cầu trang trải cuộc sống, các chi phí tăng thêm do giá cả leo thang, chi phí đi lại, đầu tư thêm phương tiện học tập cho con và chăm sóc con cái trong điều kiện nhà trường đóng cửa, học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài đã bào mòn khả năng kinh tế của các hộ gia đình. Đại dịch Covid-19 làm nhiều người lao động và gia đình họ rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, thậm chí chạm đến "ngưỡng sinh tồn". Một khảo sát ở Bình Dương cho thấy 75% số người lao động phải cắt giảm lương thực tới mức tối thiểu, thậm chí 2,4% cắt giảm tới dưới mức tối thiểu cần thiết.
Đầu năm 2022 đã có nhiều tín hiệu tích cực về sự khởi sắc và phục hồi của các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Hiệp hội Dệt may VN dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2022 có thể đạt từ 41 tỉ USD (tăng 5% so với cùng kỳ năm trước) nếu dịch bệnh giảm dần trong quý 2-2022, đến 43 tỉ USD (tăng 10% so với cùng kỳ trước) nếu dịch bệnh giảm dần trong quý 1-2022. Hiệp hội Da giày, túi xách VN dự kiến năm nay, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày, túi xách đạt khoảng 23-25 tỉ USD, tăng 10-15% so với năm 2021.
Với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, giao thông đi lại được nới lỏng, nhiều người lao động dễ dàng quay trở lại làm việc. Nhiều DN đã trở lại sản xuất gần như ở mức bình thường so với trước đại dịch. Tại TP.HCM, 96% lao động quay trở lại làm việc sau tết (Tuổi Trẻ ngày 10-2-2022). Tại Hà Nội, trên 90% số lao động quay trở lại làm việc sau Tết (Lao Động ngày 8-2-2022).
Nhưng trong khi nhiều DN đã đưa ra các chính sách, gói hỗ trợ để người lao động sớm ổn định nơi ăn chốn ở và điều kiện sinh hoạt như tăng lương, cho ứng trước tiền lương, hỗ trợ về nhà ở, chi phí đi lại, tiền ăn..., vẫn còn những tranh chấp lao động diễn ra tại một số DN mà vụ việc điển hình là cuộc đình công của hơn 5.000 công nhân Viet Glory (Nghệ An) tuần rồi. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân sâu xa của tình hình là do Chính phủ không điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu từ năm 2021, nên tiền lương cơ bản, tiền phụ cấp và thu nhập của người lao động thấp, không đảm bảo cuộc sống.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp, các DN phải gồng mình để chống dịch, duy trì sản xuất để tồn tại, Chính phủ quyết định không tăng lương tối thiểu năm 2021 và mức lương tối thiểu vùng năm 2022 đang tiếp tục thực hiện theo nghị định 90/2019/NĐ-CP. Nhiều năm qua, hầu hết DN đều lấy mức lương tối thiểu vùng này làm căn cứ điều chỉnh tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho người lao động, do đó việc không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đã thực sự ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người lao động.
Đại dịch bộc lộ ra nhiều vấn đề đối với người lao động, với DN và cả về chính sách. Với người lao động, vấn đề không chỉ tiền lương, quan trọng hơn là việc làm thỏa đáng với cơ hội việc làm năng suất cao, thu nhập xứng đáng, được đảm bảo an toàn, ổn định tại nơi làm việc và gắn với an sinh xã hội cho họ và cả gia đình họ. Người lao động cũng mong đợi công đoàn cơ sở có thể hỗ trợ họ trong làm việc với chủ sử dụng lao động. Đối với DN, ổn định sản xuất chỉ có được khi người lao động đồng tình và ủng hộ các quyết định của DN. Do đó DN cần thay đổi tư duy và quan điểm đối với người lao động.
Ngày nay, nhiều DN coi người lao động và kỹ năng của họ là tài sản của mình, không phải là lao động làm thuê theo cách hiểu truyền thống. Là tài sản của DN, người lao động cần được quan tâm, bảo vệ, được chăm sóc, đào tạo tốt hơn để tài sản này trở nên giá trị hơn và mang lại nhiều lợi nhuận cho DN. Đại dịch đã bộc lộ những lỗ hổng trong chính sách lao động việc làm và an sinh xã hội.
Ngoài ra, việc hiểu đúng và vận dụng chính sách phù hợp là cần thiết đối với cả người quản lý, DN và người lao động. Luật pháp lao động quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất mà các chủ sử dụng lao động không được trả thấp hơn cho người lao động. Luật pháp lao động cũng quy định về đối thoại xã hội, thương lượng và thỏa ước lao động tập thể, trong đó hai bên có thể tự do thương lượng các vấn đề về thời giờ làm việc, mức lương thực trả cao hơn mức lương tối thiểu, phụ cấp và các chế độ phúc lợi xã hội khác theo hướng có lợi cho cả người lao động và DN.
Điều này có nghĩa chính sách tiền lương và phúc lợi xã hội tại DN có thể được điều chỉnh phù hợp với điều kiện DN không phụ thuộc vào việc Nhà nước có điều chỉnh tiền lương tối thiểu hay không.
Đối thoại và thương lượng tập thể là một cơ chế hiệu quả trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa. Nhưng để đối thoại và thương lượng tập thể thực chất và hiệu quả, công đoàn cơ sở (đại diện người lao động) phải có địa vị đối thoại thực sự, tức được phía quản lý DN công nhận và tôn trọng. Giữa công đoàn và quản lý DN phải có đầy đủ thông tin về đối thoại và đối thoại cần diễn ra thường xuyên dưới nhiều hình thức khác nhau để đảm bảo mối liên hệ liên tục, không gián đoạn. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy để giải quyết các tranh chấp lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại DN, cần vận dụng linh hoạt các cơ chế chính thức (theo luật) và các cơ chế phi chính thức. Có như vậy những bất đồng, xung đột về lợi ích mới được tháo gỡ và giải quyết từ sớm, tránh tích tụ dẫn đến những tranh chấp lớn.
Theo ILO, đại dịch gây nên những thay đổi kinh tế có thể trở thành những thay đổi mang tính cơ cấu, tác động lâu dài tới thị trường lao động. Đại dịch cũng làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng, từ bất bình đẳng giới đến gia tăng khoảng cách số. Tại VN, đại dịch tác động tiêu cực tới các ngành du lịch và dịch vụ, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, thay đổi mô hình kinh doanh. Đối thoại xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó đại dịch. Nhiều chính sách và biện pháp nhằm hạn chế tình trạng mất việc làm là kết quả của các cuộc thảo luận ba bên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận