Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án ngày 20-2-2011 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, đồng thời ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Bình Dương, phục hồi điều tra đối với ba bị can trong vụ án này về tội danh trên.
Các bị can bị phục hồi điều tra gồm: Cao Minh Huệ (61 tuổi, trú P.24, quận Bình Thạnh, TP.HCM, nguyên giám đốc Sở Địa chính Bình Dương), Phan Đăng Trung (nguyên trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bến Cát), Đỗ Văn Sâm (nguyên cán bộ Phòng tài nguyên - môi trường huyện Bến Cát).
Ngoài ra, trong vụ án này còn có bị can Nguyễn Thanh Hải, nguyên giám đốc Công ty Chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu Sông Bé (Sobexco), đã bị khởi tố. Tuy nhiên, bị can đã chết nên cơ quan điều tra không ra quyết định phục hồi điều tra đối với bị can này.
Trước đó, trong quá trình hoạt động của mình, Sobexco được Nhà nước giao quản lý, sử dụng hơn 981ha đất công tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Bắt đầu từ năm 1999, do làm ăn không hiệu quả nên Sobexco có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cho phép bán tổng số 658ha đất tại xã An Tây, huyện Bến Cát do mình quản lý. Đề nghị này đã được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý.
Theo đó, Sobexco đã bán thẳng 300ha vườn cây cao su cho nhiều hộ dân với giá 24 triệu đồng/ha. Tổng cộng đã có 40 người mua vườn cao su vào tháng 3-2000. Tiếp đó tháng 6-2001, ông Hải ký hợp đồng chuyển nhượng cho 36 người mua vườn cao su.
Trong số 36 người mua sau khi hoàn thành giao dịch, có năm người rút lui để dồn diện tích cho trường hợp đại diện là người nhà ông Cao Minh Huệ. Tổng cộng qua hai lần bán, đã có 71 cá nhân sở hữu riêng với tổng số 658ha vườn cao su.
Theo quy định, tỉnh Bình Dương chỉ cho Sobexco bán đấu giá 658ha vườn cao su, không cho phép bán giá trị đất.
Tuy nhiên, ông Cao Minh Huệ, khi đó là giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương (sau này là Sở TN&MT), biết giá bán vườn cao su ở đợt 1 không tính giá trị đất, người mua vườn cao su phải thuê đất, nhưng không đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thuê đất mà chỉ nêu giao cho UBND huyện Bến Cát xem xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
Điều này dẫn đến việc UBND huyện Bến Cát cấp 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật.
Ở đợt bán vườn thứ hai, giá thành là 50 triệu đồng/ha không tính giá trị đất và những người mua vườn cao su không là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại xã An Tây thì phải thuê đất, nhưng ông Huệ lại đề xuất với tỉnh chỉ đạo UBND huyện Bến Cát lập thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do vậy, những người mua vườn cao su đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật. Hai bị can Phan Đăng Trung và Đỗ Văn Sâm cũng bị xác định đã có đóng góp tích cực vào việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái phép nêu trên.
Đáng chú ý, trong số những người mua, gia đình ông Huệ được hưởng 78ha đất, sau này được đền bù trị giá hơn 1,3 tỉ đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hải (bị can trong vụ án đã chết) cũng có hai người em được hưởng giá trị quyền sử dụng 20ha đất vườn cao su, tương ứng gần 340 triệu đồng.
Mẹ của bị can Phan Đăng Trung đã mua 4,2ha cao su, được đền bù về đất 3,36 tỉ đồng; gia đình bị can Đỗ Văn Sâm cũng được mua 13ha vườn cao su, được hưởng số tiền hơn 255 triệu đồng.
Theo đánh giá tại thời điểm đó, sau khi số vườn cao su được bán, Nhà nước mất đi quyền sử dụng toàn bộ số diện tích đất đã bán, trị giá gần 11 tỉ đồng.
Đến năm 2006, Công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (công ty nhà nước) thành lập Khu công nghiệp An Tây. Theo quy hoạch này, toàn bộ 658ha cao su do Sabexco bán đều nằm trong quy hoạch của Khu công nghiệp An Tây.
Điều này khiến Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương phải bỏ ra số tiền hơn 482 tỉ đồng để bồi thường 485/658ha đất của 46 hộ dân để lấy đất làm khu công nghiệp. Điều này khiến Nhà nước thiệt hại thêm số tiền đền bù trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận