Phối cảnh điện Kiến Trung sau khi phục hồi (ảnh do dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung” công bố)
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn - giám đốc Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung (Bộ Xây dựng), đơn vị thiết kế và thi công dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung” - đã trả lời những câu hỏi đặt ra từ bài báo “Điện Kiến Trung bị phục hồi sai lệch?” (Tuổi Trẻ ngày 2-10).
Không ai cấm đưa di tích về cùng một thời kỳ?
* Điện Kiến Trung được xây dựng dưới thời Khải Định, và được sử dụng cho đến hết thời Bảo Đại. Tức là trải qua hai đời vua. Vậy thì công trình phục hồi di tích điện Kiến Trung đã chọn kiến trúc của cung điện này vào thời kỳ nào: Khải Định hay Bảo Đại?
- Theo nguyên tắc bảo tồn di tích, Luật di sản văn hóa và các công ước quốc tế đối với di sản văn hóa thế giới, không có điều cấm kỵ phục hồi đưa di tích kiến trúc - nghệ thuật về cùng một thời kỳ.
Trái lại, cần thể hiện hết các giá trị nổi bật của tất cả các thời kỳ nếu có đủ cứ liệu. Đối với việc phục hồi điện Kiến Trung, không nên cứng nhắc tách bạch giai đoạn Khải Định - Bảo Đại thành hai thời kỳ riêng biệt, mà cần dựa trên giá trị của công trình.
Mặt đứng bên hữu lầu Kiến Trung, thời điểm sau 1947 (dựa vào độ hoang tàn của cây cối trên nền điện và hư hại của các cửa sổ). Ảnh thu thập bởi nhóm Tản mạn Kiến trúc.
* So với các hình ảnh tư liệu của điện Kiến Trung thì phần hậu tòa cung điện này trong hồ sơ thiết kế đã sai lệch với nguyên gốc. Ông giải thích như thế nào?
- Việc phục hồi tòa nhà hậu ở phía sau công trình và ban công tầng hai mặt sau căn cứ ảnh tư liệu và dấu tích hiện trạng, khối nhà hậu tầng một gồm hai lớp tường.
Trong đó, lớp tường ngoài đã được thay thế bằng hệ thống lan can, lớp tường trong vẫn còn dấu tích nền móng tường và cửa. Khối nhà này được phục dựng với hình thức kiểu hai tầng, tầng trệt chỉ phục hồi lớp tường trong gồm 5 ô cửa đi như ảnh nội thất phòng billard, tường ngoài không xây phục hồi để giữ lại các yếu tố gốc hiện trạng và tu bổ lan can dựa trên hiện trạng.
Như vậy, hiện tầng trệt sẽ có hình dạng chữ U bao quanh lớp tường trong.
Về các ô cửa ở tầng trên, được thiết lập dựa vào căn cứ trên bức không ảnh Tử Cấm Thành từ hướng bắc đang có tại thời điểm thiết kế phục hồi. Tương tự đối với ban công tầng hai mặt sau cùng với cơ sở đăng đối tiền - hậu, tả - hữu.
Vào tháng 6-2020, thông qua sự hỗ trợ của Sở Ngoại vụ và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, chúng tôi đã tiếp cận được một bức không ảnh tương tự có độ phân giải cao hơn thuộc Album Aéronautique militaire d'Indochine Escadrille n°2 để có thể nhận định các vị trí trên một cách rõ ràng hơn.
Đây là một yếu tố mới, có cơ sở để đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho khu vực này.
Hiện tại, các hạng mục quý báo phản ánh đều chưa được thi công. Theo chỉ đạo của chủ đầu tư, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh và chỉ thi công khi có đầy đủ cơ sở.
Không xác định được dấu tích cầu thang thứ hai
* Dựa vào tư liệu nào mà phục hồi điện Kiến Trung chỉ có một cầu thang? Cả tòa điện chỉ có một lối cầu thang ở trung tâm thì có hợp lý không?
- Chúng tôi cũng đã đặt giả thiết về sự có mặt của cầu thang thứ hai của công trình, bên cạnh cầu thang chính. Tuy nhiên, không có đủ căn cứ để xác định cầu thang này, bởi vì không xác định được dấu tích hiện trạng; không tìm được vị trí đặt thang hợp lý ở các không gian phụ trợ.
Ảnh trên là mặt đứng điện Kiến Trung thời kỳ vua Bảo Đại mới về nước, sống tại đây, khoảng năm 1934. Ảnh dưới là cắt từ video “Hué Ville Impériale” quay ngày 17/03/1939 vào dịp sắc phong Hoàng Thái Tử cho Hoàng tử Bảo Long.
* Theo bản vẽ thiết kế thì mái ngói của điện là ngói liệt. Trong khi các hình ảnh tư liệu và dấu tích còn lại của điện Kiến Trung cho thấy là ngói vuông tráng men vàng, được ốp thẳng lên mái. Xin hỏi: dựa vào cơ sở nào để thiết kế mái ngói như thế?
- Về kiểu thức lợp bốn khối chóp tháp, chúng tôi lựa chọn kiểu thức dán ngói, sử dụng ngói liệt men vàng (phủ men toàn bộ bề mặt). Đối với mái chính của công trình, lựa chọn kiểu thức lợp ngói (lòn 4) với loại ngói hoàn thiện là ngói liệt men vàng (phủ men khoảng 2/3 bề mặt).
Phương án này hợp lý về mặt kỹ thuật, đồng thời giữ nguyên được giá trị kiến trúc - nghệ thuật của công trình.
Cơ sở để xác định dựa trên ảnh tư liệu chụp công trình năm 1947, mái chính có kiểu thức lợp ngói; hệ mái chính đã từng được sửa lại cho thấy là thời kỳ đầu (theo ảnh tư liệu), mái đã xuất lộ nhược điểm; kiểu dán ngói trên diện mái lớn dưới khí hậu khắc nghiệt ở Huế sẽ dễ gây ra hư hỏng về kỹ thuật.
Chủ dự án: Sẽ điều chỉnh hồ sơ thiết kế cho phù hợp
Tấm ảnh tư liệu mà đơn vị thiết kế được Sở Ngoại vụ hỗ trợ vào tháng 6-2020 chính là tấm ảnh mà nhóm phản biện đã đưa ra - Ảnh do nhóm phản biện cung cấp
Trả lời về ý kiến ngược nhau của nhóm phản biện và đơn vị thiết kế - thi công dự án "Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung", đại diện chủ dự án - ông Võ Lê Nhật, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết:
"Sau khi nghiên cứu nội dung phản biện và trả lời của Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung - đơn vị thiết kế và thi công dự án, chúng tôi đã tổ chức rà soát cụ thể.
Chúng tôi đánh giá rất cao về các nội dung phản biện, kịp thời, mang tính chuyên môn sâu, và có quan điểm, phân tích, lập luận rõ ràng. Chúng tôi đã làm việc cụ thể với đơn vị thiết kế, phân tích trao đổi một số vấn đề cần phải tiếp thu và thống nhất phương án điều chỉnh hồ sơ thiết kế cho phù hợp.
Đồng thời, còn một số nội dung chúng tôi mong muốn được trao đổi trực tiếp để phân tích kỹ hơn, hiểu rõ hơn, cũng như có dịp trao đổi về những quan điểm, ý kiến của mình. Vì vậy, trong vài ngày tới chúng tôi sẽ tìm cách liên hệ và mời nhóm đến Huế để cùng nhau ngồi lại, thảo luận kỹ các nội dung này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận