Xem nội dung mốc bia ghi dấu tích phát triển đường sắt - Ảnh: KIM THỦY |
Bia được đặt tại km1221 tuyến đường sắt Bắc - Nam, cạnh phế tích bia cũ - vị trí nối đoạn ray cuối cùng của tuyến đường sắt xuyên Đông Dương vào năm 1936.
Bia mới được làm bằng đá tự nhiên, cao 2m, ngang 1m. Mặt bia hướng ra phía bắc được khắc bằng tiếng Việt, mặt hướng vào nam khắc bằng tiếng Pháp, nội dung: “Nơi đây, đường sắt xuyên Đông Dương do Paul Doumer khởi xướng để tạo ra tính thông suốt của Đông Dương đã hoàn thành vào ngày 2 tháng 9 năm 1936 bằng việc nối đường ray từ biên giới Trung Quốc vào đường ray từ Sài Gòn ra; (km1221, khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh”.
Cán bộ, công nhân viên lao động ngành đường sắt VN và du khách tham quan, xem lại dấu tích mốc bia cũ bị hư hỏng trong chiến tranh - Ảnh: KIM THỦY |
Tuyến đường sắt xuyên Đông Dương được thực dân Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là Chiến tranh thế giới thứ nhất nên phải gần 40 năm sau, tuyến đường mới được hoàn thành vào ngày 2-9-1936, khi hai đầu tuyến đường được nối với nhau tại km1221, với tổng chiều dài 1.730km.
Để chào mừng sự kiện này, ngày 1-10-1936, một tấm bia lưu niệm được dựng lên, với sự chứng kiến của Hoàng đế Bảo Đại và Toàn quyền Đông Dương René Robin lúc bấy giờ.
Bút tích và ảnh của mốc bia cũ được ngành đường sắt VN lưu giữ - Ảnh: KIM THỦY |
Việc hoàn thành tuyến đường sắt xuyên Đông Dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Sài Gòn trong khoảng chỉ hơn 40 giờ, trên những con tàu được trang bị các loại đầu kéo hiện đại so với thời bấy giờ.
Cho đến tận bây giờ, tuyến đường sắt Bắc - Nam do thực dân Pháp xây dựng với khổ đường 1.000mm vẫn là xương sống của đường sắt VN, nhưng thời gian di chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM đã được rút xuống còn 30 giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận