Phóng to |
Họa sĩ Nguyễn Lâm đang phục chế bề mặt bức tranh - Ảnh: N.L. |
Những khách mời từng ghé qua LSQ Pháp tại TP.HCM nếu lưu ý sẽ thấy bức tranh sơn mài này. Bức tranh không đề tên, khổ 3x1,8m, gồm chín phên (bức) sơn mài nhỏ ghép lại, vẽ các đề tài dân gian xưa như bắt cá, rước lễ chùa, phong cảnh làng quê, vườn chùa... Ra đời từ cách đây 74 năm, bức tranh đã có những dấu hiệu hư hại như xuống màu, bụi bám, bong tróc. Từ lâu, LSQ Pháp có ý định phục chế bức tranh này, nhưng việc tìm người thực hiện không phải dễ.
3 tháng chờ Chính phủ Pháp phê duyệt
Họa sĩ Nguyễn Lâm, người sau cùng được chọn để phục chế bức tranh, cho biết trước ông thì LSQ Pháp đã làm việc với các chuyên gia phục chế của Pháp, của Nhật và những nghệ nhân phục chế cung đình của Huế. Ông kể: “Người của LSQ Pháp nói với tôi rằng các đối tác của họ hoặc không am hiểu lắm về sơn mài, hoặc không thỏa mãn điều kiện là không được đem bức tranh ra khỏi LSQ. Người Nhật muốn đưa bức tranh về xưởng của họ bên Nhật để phục chế nhưng điều kiện này là không thể được”.
Trong lúc LSQ Pháp đang “bí” người phục chế thì họa sĩ Nguyễn Lâm được “phát hiện” một cách tình cờ. Số là ba năm nay ông có một học trò người Pháp là họa sĩ Remy Jullien học vẽ sơn mài với ông. Mỗi năm, ông Remy Jullien đều tổ chức triển lãm sơn mài ở Pháp một lần mà lần nào cũng bán sạch tranh. Với sự tiến cử của ông Remy Jullien, họa sĩ Nguyễn Lâm đã thuyết phục được LSQ Pháp với bề dày kinh nghiệm lẫn đánh giá hiện trạng, cách phục chế bức tranh. Tuy vậy, phương án phục chế của ông vẫn phải gửi về Pháp chờ phê duyệt vì chi phí dù do LSQ Pháp tự túc, nhưng quyết định vẫn thuộc về Chính phủ Pháp. Phải ba tháng sau, LSQ Pháp mới nhận được sự đồng ý về việc phục chế theo phương án của họa sĩ Nguyễn Lâm.
Một hợp đồng lập tức được đưa ra. Khoản thù lao thỏa thuận không tiết lộ, nhưng điều kiện về bức tranh thì nghiêm ngặt: không được đưa bức tranh ra khỏi LSQ, không được tiết lộ chi tiết toàn bộ bức tranh, không được tiết lộ kích thước thật (dù khổ 3x1,8m nhưng bức tranh vẫn dư ra vài centimet ở mỗi cạnh, đó là chi tiết bí mật của bức tranh)... Khi mà những bức tranh Nguyễn Gia Trí giả đã xuất hiện ở các sàn đấu giá nước ngoài thì những chi tiết này cho thấy LSQ Pháp đã cẩn trọng bảo vệ bức tranh thế nào.
Phóng to |
Một góc bức tranh của Nguyễn Gia Trí trong LSQ Pháp - Ảnh: N.L. |
Kinh nghiệm quý cho những lần phục chế khác
Nếu Nguyễn Gia Trí (1908-1993) là bậc danh họa mà tranh ông đã trở thành tài sản quốc gia, cấm đưa ra nước ngoài thì họa sĩ Nguyễn Lâm cũng là người có hơn 50 năm tay nghề sơn mài. Nguyễn Lâm từng là thành viên sáng lập CLB họa sĩ trẻ Sài Gòn những năm 1960, cùng thời với các họa sĩ như Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Trịnh Cung...
Những năm 1980, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đóng cửa ít tiếp xúc người ngoài, nhưng lớp họa sĩ vẽ sơn mài là Nguyễn Lâm, Nghiêu Đề, Hồ Hữu Thủ thì được ông đồng ý gặp vài lần. Họa sĩ Nguyễn Lâm nhớ lại những kỷ niệm trước đây với họa sĩ Nguyễn Gia Trí: “Khi tới nhà thăm, ông giao hẹn không nói chuyện hội họa vì chuyện hội họa dài lắm, nói nhiều dễ... buồn ngủ. Ai đề nghị bái ông làm thầy ông đều từ chối và nói rằng là họa sĩ thì không ai dạy ai. Nhưng với tranh sơn mài ai bí chỗ nào thì ông gỡ chỗ đó”. Phục tài người danh họa, Nguyễn Lâm sưu tập nhiều tài liệu về cuộc đời, tác phẩm của Nguyễn Gia Trí để nghiên cứu, học hỏi. Nhưng ông thật không ngờ có ngày mình lại được vinh hạnh phục chế tranh của bậc khai sinh dòng tranh sơn mài nghệ thuật Việt Nam.
Ròng rã một tháng trời, mỗi ngày tám tiếng, họa sĩ Nguyễn Lâm cùng các con là họa sĩ Huyền Lam, Lâm Huỳnh Sơn, Lâm Lan và nghệ nhân Huyền Ly lao vào việc phục chế. Ông giải thích, khác với tranh sơn dầu phương Tây phục chế từ bề mặt, phục chế tranh sơn mài ở ta phải từ tấm vóc bên trong mà ra, sau đó mới xử lý lại bề mặt. Họa sĩ Nguyễn Lâm ví von phương pháp “chữa bệnh” tranh này cũng giống như Hoa Đà cạo xương trị độc cho Quan Công vậy, ông phải cạo sạch bụi bặm tấm vóc, phun thuốc chống mối mọt, bọc lại vải mới, phết hỗn hợp sơn ta và chu (bột đá núi lửa) dày lên tấm vóc...
Có thể nói sự thành công lần này đã đem đến tín hiệu lạc quan trong việc phục chế, bảo quản, gìn giữ những bức tranh khác của Nguyễn Gia Trí. Hiện nay các bức tranh của Nguyễn Gia Trí sáng tác giai đoạn 1930-1940 như bức Giáng sinh thuộc sở hữu của nhà thờ Mai Khôi (TP.HCM), bức Bên đầm sen thuộc sở hữu của họa sĩ Bùi Quang Ngọc... đều đang có dấu hiệu xuống cấp. Nếu việc phục chế những bức tranh quý hiếm đó diễn ra, lần phục chế này của họa sĩ Nguyễn Lâm sẽ là kinh nghiệm đáng quý để tham khảo. Riêng đối với LSQ Pháp, họ cho biết sẽ có một bữa tiệc nho nhỏ để chào mừng sự thành công của sự kiện này.
Phóng to |
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm cùng họa sĩ Nguyễn Lâm (giữa) và họa sĩ Hồ Hữu Thủ (bìa phải) năm 1992. Người phụ nữ là vợ của bác sĩ Thân Trọng Minh, người chăm lo sức khỏe cho họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Ảnh: Họa sĩ Nguyễn Lâm cung cấp |
Cảm giác về việc phục chế thành công tranh Nguyễn Gia Trí với họa sĩ Nguyễn Lâm là một vinh dự. Ông nói: “Được phục chế tranh Nguyễn Gia Trí là niềm hãnh diện của bất kỳ ai. Những bức tranh của ông ấy bây giờ là tài sản không thể thay thế được. Cho nên, nếu êkip phục chế không hiểu, không giỏi thì tôi e sẽ làm hư tranh hoặc làm lệch lạc màu sắc, nét vẽ... của bức tranh. Nếu có người tin tưởng, tôi sẵn sàng phục chế những bức tranh Nguyễn Gia Trí khác. Tiền nong không phải là thứ quan trọng nhất, điều tôi muốn là được giữ gìn và bảo vệ những bức tranh của ông!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận