Vợ chồng anh Võ Nhi buồn bã khi hàng vạn quả trứng vịt lộn bị hư hỏng - Ảnh: DUY THANH
Báo cáo cuối ngày 1-12 của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết có 9 người chết và mất tích do lũ tại TP Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, huyện Sơn Hòa, Tây Hòa và Phú Hòa. Số nhà bị ngập nước vào thời điểm báo cáo là hơn 17.800 căn, ngoài ra có 4 nhà bị lũ giật sập hoàn toàn.
Cứu hộ cứu nạn vô cùng khó khăn
Ở xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa chiều 1-12, vợ chồng anh Võ Nhi (43 tuổi) và chị Nguyễn Thị Kim Yến (39 tuổi) rầu rĩ bên hàng chục ngàn quả trứng vịt lộn có nguy cơ hư hỏng. Anh Nhi cho hay gia đình anh có 2 lò ấp trứng vịt lộn, ấp bằng điện khoảng 20 ngày liên tục với trên 50.000 trứng.
"10h sáng 30-11 nghe có tin thủy điện xả lũ lớn, vợ chồng lo lui cui dọn số trứng bên ngoài, chưa kịp kê đồ đạc, xe máy là nước vô nhà ngay, quá nhanh. Nhà tui ngập gần 1m nước, lò ấp trứng không hoạt động vì cúp điện và hàng chục ngàn quả trứng bị ngâm nước lụt, hư hết, thiệt hại cả trăm triệu đồng" - anh Nhi buồn bã.
Vết tích trận lũ kinh hoàng trong một ngôi nhà dân tại xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa - Ảnh: NGÔ THỊ MƯỜI
Ông Phạm Đình Phụng - phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa - cho hay: "Từ 8h sáng 30-11 cho đến 3h sáng 1-12, tôi nằm luôn ở xã Sơn Hà để tham gia chỉ đạo cứu dân. Xả lũ lưu lượng quá lớn, nước ngập quá nhanh, nhà dân thoáng chốc ngập lút, bà con kêu cứu khắp nơi. Điện cúp, việc cứu hộ cứu nạn trong đêm vô cùng khó khăn, nguy hiểm".
Tại xã Sơn Hà, chiều tối 30-11, một ca nô của lực lượng cứu hộ khi đưa dân đi sơ tán đã bị lũ cuốn lật, làm chết 2 em bé 2 và 3 tuổi, mãi đến đầu giờ chiều 1-12 mới tìm thấy thi thể.
Nước rút tới đâu, dọn dẹp tới đó
Trong ngày 1-12, nước rút tới đâu, người dân về nhà dọn dẹp, khắc phục đến đó. Các lực lượng công an, quân đội, Đoàn thanh niên cũng vừa giúp dân vừa dọn vệ sinh đường sá, xóm làng.
Người dân huyện Tây Hòa dọn dẹp nhà cửa khi lũ còn chưa rút ra khỏi nhà - Ảnh: DUY THANH
Hàng loạt tuyến đường từ quốc lộ đến tỉnh lộ ở Phú Yên đoạn bị sạt lở, đoạn còn ngập lũ, đoạn bị núi đất đổ xuống làm hạn chế giao thông.
Ông Huỳnh Gia Hoàng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên - cho hay từ tối 30-11 và cả ngày 1-12, hơn 100 công nhân với nhiều mũi khác nhau đã cố gắng khắc phục. Đến chiều tối 1-12, một số vị trí ngập trước đó tại quốc lộ 1, 1D, 25 và 19C đã thông xe trở lại nhưng lưu thông còn hạn chế.
Khắc phục sạt lở gây hạn chế giao thông trên tỉnh lộ 643 nối huyện Tuy An và huyện Sơn Hòa - Ảnh: VĂN VINH
Chiều 1-12, ông Trần Quang Hoài - tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - đã đến Phú Yên kiểm tra tình hình ứng phó mưa lũ và chỉ đạo công tác khắc phục.
“Việc kịp thời nắm bắt diễn biến mưa lũ và triều cường để điều hành việc xả lũ linh hoạt của các hồ chứa là phù hợp. Mặc dù vậy, các chủ hồ chứa nếu chủ động hạ mực nước hồ chứa thì sẽ giảm thiểu được việc gây ngập cho hạ du mà vẫn đảm bảo an toàn cho hồ đập”
Ông TRẦN QUANG HOÀI - tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai
Ông Hoài đánh giá mưa lũ tại tỉnh Phú Yên những ngày qua là rất lớn, gây ngập hàng chục ngàn ngôi nhà và chia cắt hàng ngàn nhà khác.
Theo ông Hoài, Phú Yên đã triển khai rất tốt việc di dời người dân đến nơi an toàn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.
Ông yêu cầu Phú Yên ngay sau khi lũ rút cần khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân khắc phục, nhất là những gia đình có thiệt hại về người và nhà ở, kịp thời khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Khánh Hòa: 1 người chết, 1 người mất tích
Tối 1-12, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết tại tỉnh này có 1 người chết do lũ cuốn tại thị xã Ninh Hòa và 1 trường hợp mất tích tại huyện Khánh Vĩnh.
Cụ thể ông Châu Văn An (64 tuổi, trú thôn Gò Sắn, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa) bị lũ cuốn trôi khi làm rẫy lúc 16h30 ngày 30-11, thi thể nạn nhân được tìm thấy vào lúc 6h ngày 1-12.
Còn tại huyện Khánh Vĩnh, khoảng 10h ngày 1-12, ông Nguyễn Văn Vương (40 tuổi, trú xóm 2, thôn Xuân Nam, xã Diên Xuân) tự bơi qua sông phía dưới cầu Yang Bay 2 thì bị nước cuốn nhấn chìm. Hiện địa phương đang tích cực tìm kiếm.
Đơn vị thi công gấp rút khắc phục sự cố sạt lở ở đèo Khánh Lê - Ảnh: M.H
Ông Văn Ngọc Hường - chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh - cho biết mưa lũ cũng khiến đèo Khánh Lê thuộc quốc lộ 27C nối Nha Trang - Đà Lạt bị sạt lở nghiêm trọng với 7 vị trí sạt lở từ km39 đến km62, gây ách tắc giao thông hoàn toàn.
Hiện nay đơn vị thi công đang khẩn trương san gạt, thông được 1 - 2 làn ở 6 điểm sạt lở. Riêng điểm sạt lở số 7 gần địa phận tỉnh Lâm Đồng tại km 61+200 sạt lở rất nặng, lượng đất đá vẫn còn lớn. Tại điểm sạt lở số 7 dự kiến phải đến chiều 2-12 mới khắc phục hoàn toàn.
Trước đó, do mưa lớn ở thượng nguồn, nước lũ dâng nhanh trên sông Cái Nha Trang đã cuốn trôi 2 sà lan cỡ lớn đang thi công dự án thủy lợi trên sông.
Đến sáng 1-12, các sà lan này bị kẹt giữa cầu, làm vỡ 2 đường ống cấp nước và đâm vào thành cầu, uy hiếp an toàn cầu Hà Ra. Đây là 2 sà lan của nhà thầu Công ty Trung Nam 18 E&C thi công dự án đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang.
Ông Nguyễn Văn Đàm - tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa - cho biết do đường ống chính bị vỡ nên đã đóng van nước ở 2 đường ống này. Điều này khiến hàng ngàn hộ dân ở khu vực phía bắc Nha Trang như phường Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa, Vĩnh Lương bị mất nước hoặc có nước nhưng rất yếu. Hiện Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa đang khẩn trương khắc phục sự cố, cấp nước trở lại cho người dân.
"UBND tỉnh đã cho phép công ty lắp đặt đường ống mới đi trên thành cầu Hà Ra để bảo đảm khôi phục việc cấp nước cho người dân, đội ngũ nhân công của công ty đang cố gắng làm việc thâu đêm nhằm hoàn thành sớm trước chiều 2-12. Trong trường hợp người dân ở một số khu vực không có nước sẽ tính đến phương án dùng xe bồn chở nước cho dân" - ông Đàm nói.
MINH CHIẾN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận