22/01/2022 09:06 GMT+7

Phủ vắc xin với chiến dịch tiêm chủng mùa xuân

L.ANH - HƯƠNG THẢO
L.ANH - HƯƠNG THẢO

TTO - Tại phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh thành ngày 20-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế và các tỉnh thành triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân. Theo Bộ Y tế, chiến dịch này sẽ kéo dài trọn tháng 2-2021, ngay trong dịp Tết.

Phủ vắc xin với chiến dịch tiêm chủng mùa xuân - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 3 cho người dân ở phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thủ tướng yêu cầu phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm ngừa COVID-19 và nhấn mạnh nếu thiếu vắc xin thì bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm, nếu đủ vắc xin mà không đạt mục tiêu tiêm chủng đã đề ra thì chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm. 

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi.

Mục tiêu phủ kín vắc xin

Theo cổng thông tin tiêm chủng mở rộng quốc gia, tính đến ngày 21-1, cả nước đã tiêm chủng gần 174 triệu mũi, trong số này có khoảng 79 triệu mũi 1, gần 74 triệu mũi 2 và trên 23,6 triệu liều mũi 3. 

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu hoàn tất 2 mũi của liều cơ bản và mũi tiêm nhắc lại (mũi 3) cho toàn bộ người từ 12 tuổi trở lên trong quý 1 này.

Một lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết dù tỉ lệ tiêm vắc xin ở Việt Nam đã đạt rất cao, nhưng nhóm nguy cơ chuyển nặng và chưa tiêm vẫn chiếm một tỉ lệ nhất định. 

Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân sẽ tập trung vào nhóm này, nhằm nâng khả năng chống đỡ nếu dịch vẫn lan tràn trong khi nhiều hoạt động xã hội mở cửa trở lại "thích ứng an toàn với dịch". 

Do đó chiến dịch tiêm chủng mùa xuân mà Thủ tướng chỉ đạo không phải tập trung vào việc tiêm mũi 4. 

"Đặc thù của chiến dịch này không phải là tiêm chủng theo đợt như trước đây, hiện chúng ta đã phủ mũi 1 cho gần như toàn bộ người từ 12 tuổi trở lên, mũi 2 cũng đã đạt rất cao và đang phủ mũi 3. Vì vậy chiến dịch này nhắm đến việc tiêm vét, tiêm cho người chưa tiêm chủng", lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết.

Khảo sát trên nhóm bệnh nhân tử vong đến cuối tháng 12-2021 cho thấy gần 48% là người có bệnh nền và trên 65 tuổi, trên 36% là người 50-56 tuổi; nhóm 18-49 tuổi chiếm trên 15%, nhóm 0-17 tuổi là 0,42%. 

Tính chung, có gần 85% ca tử vong từ 50 tuổi trở lên, một tỉ lệ rất lớn có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin.

Phủ vắc xin với chiến dịch tiêm chủng mùa xuân - Ảnh 2.

Tiêm vắc xin Pfizer mũi 3 cho người dân ở quận Phú Nhuận, TP.HCM chiều 28-12-2021 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chờ hướng dẫn của Bộ Y tế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết TP.HCM đang tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại, đặc biệt TP.HCM cũng tập trung cao điểm để tiêm ngừa cho nhóm người đã đủ 3 tháng sau khi tiêm đủ liều cơ bản trong tháng 1.

Theo ông Hưng, TP.HCM đã tổ chức nhiều đợt tiêm chủng quy mô lớn nên có đủ kinh nghiệm, nhân lực cho chiến dịch tiêm chủng mùa xuân mà Thủ tướng mới chỉ đạo. 

"Các điểm tiêm ở cộng đồng vẫn duy trì, ngành y tế TP.HCM sẽ chủ động cung cấp đội tiêm theo tiến độ và đề xuất của từng địa phương. Vắc xin để tiêm không thiếu, tùy nhu cầu thực tế chúng tôi sẽ điều phối để các điểm tiêm hoạt động thông suốt", ông Hưng nhấn mạnh.

Về việc tiêm chủng mũi 4 và tiêm ngừa cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên, ông Hưng cho biết hiện chưa có hướng dẫn từ Bộ Y tế và sở cũng chưa có kế hoạch cụ thể. 

Trước mắt theo chỉ đạo từ Bộ Y tế, TP.HCM đang rà soát số lượng trẻ trong độ tuổi, số đi học và không đi học, để sẵn sàng triển khai tiêm khi cần. 

"Theo tôi biết, trên thế giới không nhiều nước tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi. Do đó, như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải cẩn trọng, cân nhắc vì sức khỏe của các cháu", ông Hưng nói.

Ông Hưng cho rằng hiện tỉ lệ tiêm chủng vắc xin của nhóm người từ 12 tuổi trở lên tại TP.HCM khá cao, điều này giúp gián tiếp bảo vệ nhóm nhỏ tuổi hơn. 

Mặt khác, so với người lớn thì trẻ nhỏ thường có sức đề kháng tốt hơn khi mắc COVID-19, chỉ chuyển nặng và tử vong khi có bệnh nền. Do đó chiến dịch tiêm chủng được xem là "chìa khóa" bảo vệ cả trẻ và người lớn có bệnh nền.

Phủ vắc xin với chiến dịch tiêm chủng mùa xuân - Ảnh 3.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đã cần thiết tiêm mũi 4?

Theo ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, dịch COVID-19 xuất hiện và diễn tiến quá nhanh nên các loại vắc xin được phê duyệt sử dụng trong điều kiện khẩn cấp, chưa có một phác đồ tiêm chủng ổn định, rõ ràng như các loại vắc xin khác. 

Các mũi vắc xin được tiêm tăng cường gần đây đều nhằm bảo vệ con người trước thực tế dịch bùng phát mạnh hoặc xuất hiện một biến chủng mới nguy hiểm.

"Do đó dựa vào tình hình thực tế dịch bệnh cơ quan chức năng sẽ quyết định sự cần thiết của việc tiêm mũi 4. Mũi 4 có hiệu quả như thế nào, tác dụng phụ không mong muốn ra sao là những yếu tố cần được đưa ra phân tích. 

Ngành y tế cần có thu thập dữ liệu, song song với việc quan sát diễn tiến dịch bệnh thực tế, nếu thấy lợi nhiều hơn hại thì có thể cân nhắc tiêm chủng", bác sĩ Vân Anh nói.

Về việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 tuổi, bác sĩ Vân Anh cho rằng cần hết sức thận trọng, cần tham khảo các nước, bởi đây là nhóm rất nhạy cảm. 

"Vắc xin hiện nay thường có tác động lên chất liệu di truyền, về lâu dài chưa thể đánh giá mức độ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ sẽ ra sao, do đó cần thận trọng", bác sĩ Vân Anh khuyến cáo.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng chưa cần thiết triển khai tiêm vắc xin mũi 4 và nếu xét về khoa học có thể có hại hơn lợi. 

Trước mắt có thể định hướng chung, nhưng nếu thực hiện thì Bộ Y tế cần có nghiên cứu và hướng dẫn cụ thể từng nhóm. 

"Mũi 4 chỉ nên tiêm cho người đã tiêm mũi 3 quá thời gian từ 6 tháng trở đi, người trong nhóm nguy cơ hoặc trước đó đã tiêm một số loại vắc xin có hiệu quả bảo vệ thấp. Hiện nay nếu áp dụng tiêm mũi 4 đại trà, tôi thấy rằng quá cập rập, chưa kể sẽ gây tác hại cho một số người được tiêm", ông Dũng phân tích.

Phủ vắc xin với chiến dịch tiêm chủng mùa xuân - Ảnh 4.

Nhân viên y tế Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM) đến tận nhà tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người cao tuổi - Ảnh: DUYÊN PHAN

Rà soát cơ sở khoa học trước khi tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi

Đến thời điểm này, việc tiêm chủng cho trẻ 5 - 11 tuổi vẫn ở mức 50/50, tức là chưa quyết định triển khai hay không mà còn chờ thêm những dữ liệu khoa học quốc tế.

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết hiện Mỹ đã tiêm cho nhóm 5 - 11 tuổi nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa khuyến cáo.

"Có khi nhiều nước triển khai nhưng WHO chưa khuyến cáo. Việc này sẽ quyết định khi có đầy đủ dữ liệu khoa học, có khuyến cáo của WHO", vị lãnh đạo này cho biết.

Bên cạnh đó các chuyên gia cũng đề nghị đánh giá gánh nặng COVID-19 ở trẻ em trước khi quyết định triển khai tiêm ngừa hay không.

Thực tế cho thấy gần đây số trẻ em mắc COVID-19 có gia tăng, nhưng biểu hiện bệnh của F0 trẻ em đa số rất nhẹ, như cảm cúm thông thường, tỉ lệ chuyển nặng rất thấp nếu trẻ không có bệnh nền, không thừa cân béo phì, trong khi nếu tiêm chủng thì có một tỉ lệ nhất định có phản ứng với vắc xin.

Các nước tiêm mũi 4, tiêm cho trẻ ra sao?

Ngày càng có nhiều nước tiêm vắc xin COVID-19 mũi thứ 3, thậm chí mũi thứ 4 cho người trưởng thành, cũng như triển khai tiêm chủng cho trẻ 5 - 11 tuổi trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh do biến thể Omicron dễ lây lan.

Từ tháng 10-2021, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã khuyến nghị người suy giảm miễn dịch mức độ vừa hoặc nặng có thể tiêm mũi thứ 4 bằng vắc xin Pfizer hoặc Moderna ít nhất 6 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ 3. Sau đó CDC rút ngắn thời gian giữa hai mũi này xuống còn 5 tháng.

Tại Nam Mỹ, ngày 10-1, Chile bắt đầu tiêm mũi thứ 4 bằng vắc xin Pfizer cho những nhóm có nguy cơ cao, trong đó có người suy giảm miễn dịch, thay vì đợi tới tháng 2 theo kế hoạch ban đầu.

Ngày 12-1, Đan Mạch cho biết sẽ triển khai chiến dịch tiêm mũi thứ 4 cho "những công dân dễ bị tổn thương nhất". Hungary cũng công bố kế hoạch tiêm mũi thứ 4 theo chỉ định của bác sĩ.

Từ tháng 12-2021, Israel đã bắt đầu tiêm mũi thứ 4 bằng vắc xin Pfizer cho những nhóm dễ bị tổn thương nhất và có nguy cơ cao.

Hiện có rất ít nghiên cứu về mũi thứ 4, nhưng kết quả sơ bộ của một nghiên cứu tại Israel cho thấy mũi thứ 4 bằng vắc xin Pfizer có thể làm tăng 5 lần lượng kháng thể chỉ trong 1 tuần sau tiêm.

Các chuyên gia của WHO cho rằng đã tới lúc nên điều chỉnh vắc xin theo hướng vừa ngăn lây nhiễm vừa có tác dụng lâu dài để không cần liên tục tiêm nhắc lại.

Trong khi đó, việc tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ nhỏ đã được một số nước triển khai từ khá sớm.

Tháng 9-2021, Cuba là nước đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên bằng các vắc xin COVID-19 phát triển trong nước. Sau đó có thêm Argentina cấp phép vắc xin Sinopharm để tiêm chủng cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.

Ecuador cũng tiêm chủng cho trẻ 5 - 11 tuổi từ tháng 10-2021 bằng vắc xin Pfizer và Sinovac. Chile cũng triển khai chương trình tiêm chủng cho trẻ từ 6 - 11 tuổi bằng vắc xin Sinovac.

Tháng 11 và tháng 12-2021, chiến dịch tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi đã bắt đầu ở một số nước châu Âu như Đan Mạch, Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Hungary và một số vùng của Áo.

Ở cạnh Việt Nam, đầu tháng 11-2021 Campuchia bắt đầu tiêm cho trẻ 5 tuổi sau khi hoàn tất tiêm chủng cho trẻ 6 - 11 tuổi. Trong khi Bộ Y tế Malaysia thông báo từ cuối tháng 1, nước này sẽ triển khai tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi. Malaysia đã cấp phép vắc xin Pfizer cho trẻ em.

ANH THƯ

Các tỉnh miền Tây kêu chưa đủ vắc xin

Các tỉnh miền Tây Nam Bộ hiện hầu hết đã tiêm ngừa COVID-19 đạt trên 90% và đang tiếp tục rà soát để tiêm mũi 3 cho những người đến hạn tiêm.

Theo Sở Y tế Cần Thơ, đã có khoảng 96,6% những người trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi, trẻ 12 - 17 tuổi tiêm đủ 2 mũi đạt 88,3%. Hiện TP tổ chức tiêm mũi 3 và mũi nhắc lại cho người đến hạn. 

Về chiến dịch tiêm chủng mùa xuân theo chỉ đạo của Thủ tướng, ông Phạm Phú Trường Giang - phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Cần Thơ - cho hay phải chờ Bộ Y tế chỉ đạo cụ thể và kế hoạch phân bổ vắc xin thêm mới có thể triển khai vì hiện tại TP đã sử dụng đạt trên 97% vắc xin nhận về.

Phủ vắc xin với chiến dịch tiêm chủng mùa xuân - Ảnh 7.

Ngành y tế Cần Thơ tiêm vắc xin mũi 2 cho học sinh đạt trên 88% - Ảnh: T.LŨY

Tại An Giang, ông Trần Quang Hiền - giám đốc Sở Y tế - cho biết đến thời điểm này An Giang đã tiêm vắc xin mũi 1 đạt 98,8%, mũi 2 đạt 97,5% và tiêm mũi 3 đạt 23%. Học sinh từ 12 - 17 tuổi có tỉ lệ tiêm mũi 1 đạt 101,6% và mũi 2 đạt 93,7%.

"An Giang cần hơn 1 triệu liều vắc xin để tiêm bổ sung và mũi nhắc lại (mũi 3) cho người từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nguồn vắc xin còn thiếu nên chỉ về hằng tuần, về bao nhiều là chúng tôi tiêm hết bấy nhiêu cho bà con. Kế hoạch tiêm vắc xin của Thủ tướng đề ra rất khả quan nếu lượng vắc xin về kịp thời, còn không sẽ khó đạt tiến độ trước 28-2", ông Hiền nói.

Ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho hay tỉnh này cần trên 700.000 liều vắc xin để tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên. 

"Vắc xin hiện nay chưa đủ để tiêm nên chúng tôi đang chờ. Khi nào có vắc xin là chúng tôi tiêm ngay. Đồng Tháp đang tiêm vét lại mũi 2 cho những ai chưa tiêm và khẩn trương tiêm mũi 3 cho người dân khi có vắc xin phân bổ về", ông Bửu nói thêm.

Đồng Tháp đã tiêm vắc xin mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 99,7%; mũi 2 đạt 94,4%; mũi nhắc lại đạt 8,3% và tiêm mũi bổ sung được 310.936 liều. Đối với người từ đủ 12 - 17 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 98,4%; tiêm mũi 2 đạt 92,8%.

Hải Phòng, Quảng Ninh: tiêm mũi 3 suôn sẻ

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 21-1, ông Lê Khắc Nam - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiêm giám đốc Sở Y tế - cho biết đang tập trung cho việc tiêm mũi 3 (mũi tăng cường), phấn đấu đến hết tháng 2 sẽ hoàn thành.

Theo thống kê đến hết ngày 20-1, Hải Phòng đã tiêm được hơn 420.000 mũi 3. Tiêm mũi 1 gần 1,5 triệu người (đạt 103,9%, bao gồm cả người ngoại tỉnh) và mũi 2 hơn 1,4 triệu người (tương đương 99,9%).

Tượng tự, ông Nguyễn Trọng Diện - giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh - cho biết kế hoạch tiêm chủng mũi 3 của tỉnh đang diễn ra suôn sẻ, theo đúng kế hoạch.TIẾN THẮNG

Đà Nẵng: ưu tiên bảo vệ người có nguy cơ cao

Bà Ngô Thị Kim Yến - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết theo thống kê toàn TP có hơn 47.000 người trong độ tuổi nhiều nguy cơ, hiện TP đang tiêm mũi 3, trong đó nhóm này được ưu tiên hàng đầu.

Đà Nẵng xác định thời gian tới tập trung bảo vệ các nhóm nhiều nguy cơ và dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người bị bệnh nền, bệnh nhân thường xuyên điều trị nội trú tại các bệnh viện...

"TP sẽ đẩy nhanh tốc độ và hỗ trợ người dân tiêm vắc xin mũi 3. Đặc biệt là những người khó khăn trong đi lại, có vấn đề về sức khỏe", bà Yến nói.

TRƯỜNG TRUNG

T.LŨY - B.ĐẤU

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu tiêm mũi 4 vắc xin COVID-19 Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu tiêm mũi 4 vắc xin COVID-19

TTO - Thủ tướng vừa yêu cầu phát động chiến dịch tiêm chủng mùa xuân từ ngày 1-2 (tức mùng 1 Tết) đến ngày 28-2, nghiên cứu việc tiêm vắc xin mũi thứ 4...

L.ANH - HƯƠNG THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên