09/04/2025 13:09 GMT+7

Phụ thuộc AI quá mức, học sinh và giáo viên có thể trở thành 'nô lệ số'

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, việc bồi dưỡng giáo viên, xây dựng các khung năng lực AI cho học sinh là nội dung rất quan trọng. Bởi nếu sử dụng AI không đúng cách, người dùng có thể trở thành 'nô lệ số'.

AI - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Chí Thành - trưởng khoa sư phạm Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - chia sẻ tại buổi lễ - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Tại lễ phát động “Diễn đàn Đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam với trí tuệ nhân tạo” sáng 9-4, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Trường đại học RMIT tổ chức, PGS.TS Nguyễn Chí Thành - trưởng khoa sư phạm Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - đã trình bày nghiên cứu tác động của AI với giáo dục Việt Nam.

60% giáo viên Việt Nam chưa tham gia khóa bồi dưỡng về AI

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, khi một công cụ AI ra đời, các nhà thiết kế mong muốn sản phẩm sẽ có ích, trung thực, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến người sử dụng.

Tại Việt Nam, có khoảng 15% trường học tại các thành phố lớn đã triển khai ứng dụng AI trong giáo dục, riêng Hà Nội khoảng 25% và TP.HCM khoảng 30%. Đáng chú ý, 60% giáo viên chưa tham gia khóa bồi dưỡng về AI. Các môn học ứng dụng AI phổ biến nhất là toán, tiếng Anh, khoa học và tin học.

Khi ứng dụng AI trong giáo dục phổ thông, giáo viên có thể theo dõi được tiến độ học tập của học sinh và điều chỉnh độ khó của bài học, cung cấp phản hồi ngay; Chatbot có thể hỗ trợ học sinh trả lời câu hỏi, tìm kiếm thông tin, lên lịch học tập; AI chấm điểm bài tập, kiểm tra trắc nghiệm, cung cấp phản hồi chi tiết…

Bà Tara O’Connell - trưởng Chương trình giáo dục, UNICEF Việt Nam, cho biết các công nghệ số - đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đã mở ra nhiều cơ hội cho giáo viên Việt Nam, từ việc tự động hóa các công việc hành chính đến tăng cường cá nhân hóa việc học.

Tuy nhiên, theo bà Tara O’Connell, khoảng cách số vẫn tồn tại, từ việc thiếu thiết bị thông minh; kết nối Internet không ổn định tại các điểm trường và những vùng khó tiếp cận nhất; tài nguyên và nền tảng học tập số còn phân mảnh và kém chất lượng.

Ngoài ra, sự thiếu hụt về năng lực số, đặc biệt là năng lực AI ở giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục càng làm gia tăng những thách thức trên, cản trở việc ứng dụng và tích hợp hiệu quả các công nghệ giáo dục tiên tiến.

AI - Ảnh 2.

Bà Tara O'Connell - trưởng Chương trình giáo dục, UNICEF Việt Nam - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Hệ quả khi lạm dụng AI quá mức

Ông Thành cho biết bên cạnh những tác động tích cực của AI mang đến cho người dùng, có thể gặp tác dụng ngược nếu không sử dụng AI đúng cách, trong đó người dùng nếu phụ thuộc quá mức vào AI có thể trở thành “nô lệ số”.

Vì vậy, ông cho rằng việc bồi dưỡng giáo viên, xây dựng các khung năng lực AI cho học sinh để ứng dụng vào giáo dục theo hướng có ích là nội dung rất quan trọng.

“Nếu sử dụng AI không đúng cách, không đúng chỗ, có thể làm giảm sút các kỹ năng cơ bản của người dạy/người học. Nguy cơ triệt tiêu những phẩm chất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 như năng lực giải quyết vấn đề, sáng tạo; năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực tự chủ và tự học…”, ông Thành nói.

Ông lấy ví dụ, với học sinh khi phụ thuộc quá mức vào AI sẽ giảm khả năng sáng tạo, dựa dẫm vào AI để tạo ra các sản phẩm sáng tạo, thay vì tự suy nghĩ và khám phá; giảm tư duy phản biện, không chủ động trong đánh giá thông tin, mà tin tưởng tuyệt đối vào kết quả AI cung cấp.

Từ đó có thể mất động lực học tập, ỷ lại vào AI để giải quyết bài tập, không nỗ lực tìm hiểu kiến thức.

Với giáo viên, nếu phụ thuộc quá mức vào AI để soạn bài giảng, thay vì tự thiết kế và điều chỉnh sẽ làm giảm tính chủ động; giảm khả năng đánh giá khi quá tin tưởng vào AI trong việc chấm điểm và đánh giá học sinh, bỏ qua những yếu tố quan trọng khác.

Ngoài ra, khi lạm dụng AI quá mức, người giáo viên sẽ mất đi sự sáng tạo trong việc thiết kế các hoạt động học tập hấp dẫn và phù hợp với học sinh.

“Khi giáo viên cho học sinh bài kiểm tra, đánh giá, sau đó học sinh lại sử dụng AI để tìm lời giải. Nếu giáo viên lại sử dụng AI để đánh giá sản phẩm của học sinh thì sẽ tạo một vòng lặp nguy hiểm”, ông Thành nói.

Bên cạnh đó, ông Thành chỉ ra các công cụ AI, đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) có thể mắc lỗi “ảo giác” và thể hiện các “thiên kiến” không mong muốn, ảnh hưởng đến tính chính xác và công bằng.

Đặc biệt, sự phát triển của các công cụ AI tạo ra những phương thức gian lận mới, tinh vi hơn và giáo viên khó có thể phát hiện nếu không được trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp.

Hậu quả có thể làm giảm chất lượng chương trình giáo dục, học sinh không nắm vững kiến thức, tạo ra một môi trường học tập thiếu trung thực, không lành mạnh.

Diễn đàn Đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam với trí tuệ nhân tạo sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 10-2025 với chuỗi hội thảo, chương trình tập huấn về ứng dụng AI trong dạy và học...

Đây dịp để các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, giáo viên và giảng viên trên toàn quốc cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và những ví dụ thực tiễn hiệu quả trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ số vào giáo dục.

Phụ thuộc AI quá mức, học sinh và giáo viên có thể trở thành 'nô lệ số' - Ảnh 2.Ứng dụng AI trong giáo dục ra sao?

Nhiều năm qua, hai tiến sĩ người Việt đang làm việc tại thung lũng Silicon (Mỹ) là Vũ Duy Thức và Lương Minh Thắng đã vận hành Viện New Turing để tổ chức giảng dạy trí tuệ nhân tạo (AI) cho nhiều bạn trẻ Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên