Phóng to |
Trọng tài Ngô Quốc Hưng bị một cầu thủ Vissai Ninh Bình chỉ mặt phản ứng trong trận gặp chủ nhà Navibank Sài Gòn ở vòng 3 V-League 2012 - Ảnh: N.K. |
Nhớ khi xưa đất nước còn khó khăn, bóng đá và người làm bóng đá sống chủ yếu bằng ngân sách nhà nước, thế mà đáng yêu, đáng nhớ làm sao các trận cầu máu lửa, những cầu thủ hào hoa và rừng khán giả cuồng nhiệt không bao giờ tắt nhịp với trái bóng. Những cái tên Thể Công, Đường Sắt, Công An Hà Nội, Quảng Nam - Đà Nẵng, Cảng Sài Gòn, Hải Quan... và những cái tên Tam Lang, Thế Anh, Cao Cường, Huỳnh Đức, Hồng Sơn... đã trở thành tình yêu của một thời không thể nào quên.
Giờ đây bóng đá mang tên chuyên nghiệp đã hơn mười năm, tiền bạc đổ vào như nước mà đơn vị đếm thường là tiền tỉ! Mỗi năm chỉ riêng giải bóng đá hàng đầu quốc gia đã ngốn khoảng 800 tỉ đồng, các ông bầu doanh nhân tiêu tốn cho mỗi CLB không dưới 50 tỉ đồng/mùa, giá chuyển nhượng cầu thủ kỷ lục đã hơn 10 tỉ đồng (trung vệ Phước Tứ, đội Sài Gòn FC), chuyện cầu thủ sắm xe sang, xe xịn giờ đã là chuyện “nhỏ như con thỏ” và cuộc chiến bản quyền truyền hình cũng là cuộc đấu trị giá bạc tỉ...
Nói chung, mức sống của những người sống bằng bóng đá, từ quan chức liên đoàn, đến HLV, trọng tài, cầu thủ so với các thế hệ đi trước và so với giáo viên, công nhân, viên chức... hiện nay, đã là một đẳng cấp khác xa. Chỉ có điều “đã phú mà chưa thấy quý, tưởng đã phú quý mà chưa thấy lễ nghĩa!”. Thiên hạ phải chứng kiến ngày càng tăng tình trạng chửi bới, thóa mạ, làm nhục nhau trên sân cỏ bằng những thái độ tục tằn nhất, thô bạo nhất... mà báo Tuổi Trẻ phải lên tiếng bằng “báo động đỏ”.
Tham gia “cuộc chơi” này không chỉ có khán giả chửi thề nói tục với cầu thủ, cả cầu thủ đối phương lẫn cầu thủ “gà nhà”, mà giờ đây ngoài cầu thủ, HLV nhảy bổ vào trọng tài, nay đã có thêm cả ông bầu, quan chức đội bóng nhảy ra ăn thua đủ với trọng tài bằng lời nói trộn với “ngôn ngữ cơ thể” mà truyền hình, ảnh báo chí vẫn còn giữ lại làm bằng chứng...
Chuyện gì đang diễn ra? Vì đâu nên cớ sự này? Do cay cú ăn thua, do người lớn làm gương xấu, do chuyện giáo dục trong các đội bóng bị buông bỏ, hay do văn hóa cá nhân thời kinh tế thị trường vốn là như thế? Thật ra tất cả chỉ là bề nổi của cái gốc rễ, khi người ta đã mất dần niềm tin vào bóng đá! Đến nay chúng ta vẫn chứng kiến không thôi những trận cầu “ma ma Phật Phật”, kể cả những trận cầu vì danh dự quốc gia.
Những đồn đoán nhường điểm, bắt tay giữa các CLB thường diễn ra... đúng như đồn đoán! Nhiều trọng tài không còn quyền lực trên sân cỏ vì những chuyện đi đêm không chứng cứ, nhưng sao cứ trùng khớp với cách cầm còi trước cặp mắt hàng ngàn khán giả. Chuyện bố trí trọng tài, bố trí giám sát, xử lý sai phạm của đội bóng, của cầu thủ sao cứ thấy bên trọng bên khinh, kèm theo nhiều câu hỏi không lời đáp...
Cho nên đã có đề nghị ngưng giải bóng đá quốc gia để làm lại từ đầu, đã có đề nghị rút khỏi giải bóng đá chuyên nghiệp, đã có đề nghị cải tổ bộ máy liên đoàn... Không còn niềm tin thì không còn tôn trọng! Không còn tôn trọng thì chửi mắng nhau âu cũng là... lẽ tự nhiên!
Xin báo giới đừng quên chính một số nhà báo thể thao cũng góp mặt trong cuộc chửi mắng tập thể này. Dù lời lẽ cao sang hơn, dù không chửi thề nói tục nhưng bản chất vẫn là làm nhục, là thóa mạ, là làm tổn thương lòng tự trọng của người khác dựa trên suy diễn, phán xét, áp đặt chủ quan, không cho người trong cuộc có cơ hội nói lại! Như chuyện báo chí nước ta, cả báo in, báo mạng suốt mấy tháng trời tập trung chỉ trích không tiếc lời HLV Henrique Calisto cho đến trước đúng một ngày ông thầy Bồ Đào Nha mang về cho VN chiếc cúp AFF năm 2008! Đó cũng chính là chuyện phải suy nghĩ về niềm tin và sự tôn trọng.
Chung cuộc, điều chúng ta cần là một nền bóng đá trong sạch và trung thực, trước khi là một nền bóng đá chuyên nghiệp!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận