Ông Nguyễn Thanh Nhàn - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Ảnh: HỒNG ĐIỆP
Ông Nhàn thừa nhận từng có lúc rác thải sinh hoạt ở thành phố Phú Quốc ùn ứ. Tuy nhiên, chính quyền đã tổ chức thu gom và đưa về bãi rác tạm để xử lý, không để rác thải còn tồn đọng ở nơi phát sinh. Nguyên nhân là nhà máy xử lý rác không vận hành theo tiến độ đầu tư mà nhà đầu tư đã cam kết với tỉnh.
* Không chỉ rác thải đang quá tải, việc xử lý nguồn nước thải ở thành phố Phú Quốc cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Thời gian qua, địa phương đã xử lý như thế nào, và sắp tới sẽ được xử lý ra sao để đảm bảo môi trường?
- Năm 2021, thành phố Phú Quốc với dân số là 144.460 người (chưa tính dân số tạm trú quy đổi), cùng với 634.000 lượt khách du lịch trong năm, đã phát sinh khoảng 180 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, 17.500m3 nước thải/ngày.
Hiện tại, bãi rác tạm Đồng Cây Sao, xã Cửa Dương hình thành từ năm 2019 là địa điểm tập trung rác thải chính của thành phố xử lý bằng cách đốt, chôn lấp. Nhu cầu xử lý rác ở thành phố Phú Quốc đến năm 2025 là từ 400 - 650 tấn/ngày.
Còn nước thải sinh hoạt phần lớn được xử lý bằng bể tự hoại trước khi thải ra môi trường.
Riêng các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường.
UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND thành phố Phú Quốc, Sở Tài nguyên và môi trường và các sở, ngành có liên quan làm việc, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới nhằm xây dựng và sớm triển khai thực hiện dự án "Quản lý nước bền vững Phú Quốc".
Mục tiêu của dự án là tăng cường an ninh và quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại đảo Phú Quốc thông qua tăng cường khả năng trữ nước, cải thiện quản lý nước thải, giảm rủi ro ngập lụt và tăng cường quy hoạch và thể chế.
Trong các hợp phần của dự án có hợp phần "Thu gom và xử lý nước thải, thu gom chất thải rắn và vệ sinh môi trường".
* Nhiều chuyên gia nói không phải đến bây giờ mà gần 10 năm qua, vấn đề quá tải rác thải trên đảo đã được cảnh báo. Nhưng tỉnh và thành phố Phú Quốc đang loay hoay chưa giải quyết rốt ráo được là do đâu, thưa ông?
- Tôi khẳng định tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc không loay hoay trong giải quyết vấn đề quá tải rác thải.
Cụ thể là từ năm 2012 UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định số 1418 ngày 6-7-2012 về việc phê duyệt đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025.
Tỉnh cũng đã kêu gọi được các nhà đầu tư nhà máy xử lý rác theo quy hoạch nói chung và cho thành phố Phú Quốc.
UBND tỉnh Kiên Giang cũng vừa ban hành quyết định số 1176 ngày 11-5-2022, phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nhằm thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Trong đó có dự án khu xử lý chất thải rắn Phú Quốc công suất 150 - 200 tấn/ngày, vốn đầu tư 337 tỉ đồng...
Hằng năm tỉnh đều có bố trí ngân sách hỗ trợ công tác thu gom và xử lý rác thải.
Tuy nhiên thời gian qua công nghệ và hiệu quả xử lý nhà đầu tư mang lại chưa đáp ứng yêu cầu, mong đợi của tỉnh đặt ra.
* Vậy vì sao đến nay Phú Quốc vẫn chưa có các nhà đầu tư lớn có tiềm lực tham gia đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác. Có phải nhà đầu tư chưa mặn mà do chính sách thu hút vừa qua của tỉnh chưa tốt?
- Thời gian qua chính sách thu hút của tỉnh cũng kêu gọi được các nhà đầu tư tham gia xử lý rác thải. Tuy nhiên như tôi đã nói ở trên, giữa sự mong đợi của tỉnh và công nghệ, hiệu quả xử lý nhà đầu tư mang lại chưa gặp nhau, chưa đáp ứng yêu cầu, mong đợi của tỉnh đặt ra.
* Nếu các nhà máy chưa được vận hành xử lý rác và nước thải sinh hoạt kịp thời thì trước mắt ngay trong mùa du lịch hè bùng nổ này, tỉnh có giải pháp xử lý như thế nào?
- Để giải quyết vấn đề xử lý rác thải, nước thải ở Phú Quốc, không thể sử dụng một giải pháp đơn lẻ mà phải tổng hợp từ các giải pháp kỹ thuật, công trình đến các giải pháp mềm như tuyên truyền nâng cao ý thức người dân.
Trước mắt, tỉnh đang xử lý lượng rác tồn để đóng cửa bãi rác tạm tại Đồng Cây Sao, lượng rác phát sinh hằng ngày đưa về xử lý tại nhà máy rác hiện có.
Đồng thời, cũng đã cho chủ trương để một đơn vị có tiềm lực rất tốt nghiên cứu phương án thu gom một phần hoặc một nửa lượng rác trên đảo đưa vào đất liền xử lý, tránh quá tải cho Nhà máy rác Phú Quốc, chấm dứt tình trạng quá tải rác lâu nay.
Hiện tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp thành phố Phú Quốc sớm triển khai đề án phân loại rác tại nguồn. Giai đoạn đầu sẽ thí điểm ở một số khu vực, trường học, công sở, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng..., sau đó sẽ nhân rộng ra toàn thành phố.
Còn thời gian tới tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ những giải pháp: xúc tiến, đẩy nhanh kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác thải, nước thải; tiếp tục thực hiện và phát huy phong trào "Ngày vì môi trường Phú Quốc"; thúc đẩy các hoạt động của dự án Đô thị giảm nhựa và chương trình Thành phố sạch - đại dương xanh do các tổ chức quốc tế hỗ trợ đang được triển khai trên địa bàn thành phố Phú Quốc.
Trong đó, hướng tới các mục tiêu về tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu rác thải nhựa trên biển và đại dương; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nilông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt...
Với quyết tâm sẽ giải quyết căn cơ, dứt điểm vấn đề rác thải của Phú Quốc trong thời gian sớm nhất.
Phú Quốc: Kêu gọi đầu tư 1 dự án xử lý chất thải rắn, 6 nhà máy xử lý nước thải
Bãi rác lộ thiên, tồn hàng trăm nghìn tấn tại xã Cửa Cạn, TP Phú Quốc - Ảnh: C.HẠNH
Ngày 11-5-2022, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định số 1176 phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nhằm thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Trong đó có dự án khu xử lý chất thải rắn Phú Quốc công suất 150 - 200 tấn/ngày, vốn đầu tư 337 tỉ đồng.
Về nước thải, kêu gọi đầu tư 2 dự án xử lý nước thải, bao gồm 6 nhà máy xử lý nước thải và tuyến ống thu gom, các khu cụm xử lý nước thải theo quy hoạch được duyệt với công nghệ tiên tiến, nhằm giảm thiểu những tác nhân gây ô nhiễm môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận