10/12/2021 08:15 GMT+7

Phú Quang - Nhịp cầu đẹp giữa thơ và nhạc

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Sinh thời, nhạc sĩ Phú Quang từng thổ lộ về việc phổ nhạc hay "nhặt" những câu thơ hay để phổ nhạc rất thành công một cách khiêm cung: "Các nhà thơ đã rút lòng họ ra câu chữ lóng lánh như tơ lụa, thì mình dại gì không kế thừa và trưng dụng".

Phú Quang - Nhịp cầu đẹp giữa thơ và nhạc - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Phú Quang từng phổ nhạc một số bài thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang (trái) như Khúc mùa thu, Romance 24, Mẹ... - Ảnh: nhà thơ Hồng Thanh Quang cung cấp

Còn các nhà thơ cũng rất trân trọng, cảm ơn người nhạc sĩ tài hoa đã bắt được tiếng lòng họ để đưa những vần thơ được cất tiếng trong lòng triệu triệu người.

Ân tình đẹp giữa những nghệ sĩ lớn

Thơ Dương Tường, một thứ thơ tự do đầy cách tân, tưởng quá khó để những giai điệu cất lên. Vậy mà có tới hai bài hát nổi tiếng của Phú Quang là phổ thơ Dương Tường - bài Tình khúc 24 (phổ từ bài thơ cùng tên) và Dương cầm lạnh (phổ từ bài Serenade 3).

Nhà thơ Dương Tường còn nhớ cái ngày nhạc sĩ Dương Thụ - một người em văn nghệ thân thiết - dẫn Phú Quang tới nhà ông, giới thiệu "Em có đứa bạn muốn phổ nhạc bài Tình khúc 24. Lúc đó Phú Quang mới vào Sài Gòn sống, đã phổ nhạc bài Em ơi Hà Nội phố của Phan Vũ nhưng chưa được nhiều người biết tới. 

Dương Tường khi đó mới chỉ biết anh của Phú Quang là nhạc sĩ Phú Ân, nhưng ông đã hài lòng khi nghe thử lần đầu tiên bài hát này. Sau này nghe ca sĩ Hồng Nhung hát, ông đặc biệt xúc động. Vậy nên, dù thích nghe nhạc cổ điển hơn, thỉnh thoảng Dương Tường vẫn nghe những bài hát này để gặp lại "đứa con" của mình trong một đời sống khác.

Với bài Dương cầm lạnh, Phú Quang còn dàn dựng rất công phu trong đêm nhạc của mình, Thùy Dung đệm đàn piano hát cùng tốp bè nữ và nhà thơ Dương Tường lên đọc trọn vẹn bài thơ trên sân khấu trong tiếng đàn của Thùy Dung, hát câu kết cùng nữ ca sĩ. 

Dù đã hơn một thập niên trôi qua nhưng ca sĩ Thùy Dung vẫn còn xúc động nhớ lại tiết mục trình diễn quá đẹp này, không chỉ đẹp ở bài hát hay mà còn đẹp ở ứng xử đầy văn hóa, đầy sự trân trọng nhau giữa những nghệ sĩ lớn.

Hát thành công nhiều ca khúc của Phú Quang, lại yêu văn thơ, Thùy Dung rất ngưỡng mộ tài năng chọn các tứ thơ trong bài thơ dài để sáng tác thành một bài hát của nhạc sĩ Phú Quang. Nữ ca sĩ ngưỡng mộ tài "nhặt" thơ của Phú Quang, "chỉ nhặt có vài điểm, vài câu thôi trong cả bài nhưng đủ làm người ta cứ hát lên là day dứt cả một đời". Theo nữ ca sĩ, phải tinh tế, nhạy cảm đặc biệt và tài hoa lắm mới có thể làm được như thế.

Khi đọc thơ, người ta đọc tình cảm trong âm thầm, nhưng khi tình cảm ấy được thổ lộ bằng âm nhạc, hiệu ứng luôn mạnh và nhanh hơn khi đọc bằng mắt.

Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên

Người làm thơ ca cất cánh

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng gọi đó là tài hoa của Phú Quang. Bài thơ Biển nỗi nhớ và em của ông được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc rất thành công, khiến ông với tư cách là tác giả bài thơ rất quý trọng và cảm ơn tác giả ca khúc.

Theo ông Hữu Thỉnh, không chỉ bài hát này, các bài hát phổ thơ khác của Phú Quang đều có giai điệu bắt được tâm trạng, tình cảm, hồn cốt của nhà thơ. "Phú Quang hiểu được tiếng nói của thơ ca, lấy được chất nhạc sẵn có trong thơ để làm thơ ca vang lên", ông Hữu Thỉnh lý giải về tài phổ nhạc cho thơ của Phú Quang.

Ông Hữu Thỉnh cho rằng người nhạc sĩ tài hoa này đã "bắc một nhịp cầu rất đẹp giữa thơ ca và âm nhạc, làm thơ ca cất cánh". Nhưng theo ông Hữu Thỉnh, Phú Quang cũng là nhà thơ. Những ca khúc Phú Quang tự viết lời, mỗi phần lời ý lại xứng đáng là một bài thơ đẹp.

Với nữ thi sĩ Phạm Thị Ngọc Liên, người có ba bài thơ được Phú Quang phổ nhạc là Im lặng đêm Hà Nội, Lang thang, Thu khúc, bà rung động sâu sắc mỗi khi nghe nhạc Phú Quang, bất cứ bài nào. 

Tác giả bài thơ Im lặng đêm Hà Nội đặc biệt phục tài phổ nhạc cho những vần thơ day dứt của Phú Quang. Bà nói thơ vốn có nhạc trong ấy, tuy nhiên thơ của bà thường là thơ tự do, rất khó phổ nhạc, nhưng Phú Quang lại phổ dễ dàng và rất xúc động.

Yêu và nghe nhiều nhạc Phú Quang, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên nhận thấy không chỉ riêng thơ của bà mà những bài thơ của các nhà thơ khác cũng được Phú Quang thấu hiểu như thể đó là những vần thơ ông tự viết lên. Đó chính là lý do khiến cho các bài hát phổ thơ của Phú Quang có một sự hòa quyện, đồng cảm rất lớn giữa thơ và nhạc.

Tác giả bài thơ Im lặng đêm Hà Nội kể từ sau khi bài thơ được Phú Quang phổ nhạc và nhanh chóng đến với đông đảo người yêu nhạc, mỗi lần ra Hà Nội bà được bạn bè yêu mến gọi là "Im lặng đến tê người". 

Cái "tên" thân thương ấy, mỗi lần được nghe, nữ thi sĩ lại rưng rưng. Bà coi đó là mối duyên lớn của mình với Phú Quang. Nhớ về người nhạc sĩ tài hoa vừa nằm xuống, nữ thi sĩ nghẹn ngào nghĩ mình nợ người anh thân thương sự đồng cảm của hai người nghệ sĩ.

Phú Quang đã phổ nhạc rất thành công nhiều bài thơ đặc sắc của những nhà thơ tài danh như Dương Tường, Phan Vũ, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Trọng Tạo, Hồng Thanh Quan, Giáng Vân, Phạm Thị Ngọc Liên… Những bài do ông viết lời cũng đẹp như những bài thơ giàu cảm xúc.

Nghệ sĩ, khán giả nhớ thương Phú Quang, như ông thương nhớ Hà Nội Nghệ sĩ, khán giả nhớ thương Phú Quang, như ông thương nhớ Hà Nội

TTO - ‘Bằng những khúc tình ca da diết, Phú Quang đã hoàn thiện bức tranh về một Hà Nội thâm trầm, linh thiêng, bình dị, mãi mãi là tình yêu và nỗi khắc khoải khôn nguôi không chỉ của những người con Hà Nội’.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên