19/12/2022 12:42 GMT+7

Phụ phẩm gạo lên sàn thương mại điện tử hy vọng giao dịch được 50.000 tấn/tháng

ĐẶNG TUYẾT
ĐẶNG TUYẾT

TTO - Sáng 19-12, trước thềm khai mạc Diễn đàn Mekong Start-up lần thứ 1, tại Đồng Tháp diễn ra lễ khởi động dự án sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành hàng gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn, phát huy giá trị công nghệ số.

Phụ phẩm gạo lên sàn thương mại điện tử hy vọng giao dịch được 50.000 tấn/tháng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ tại buổi lễ - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Dự án Sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành hàng gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn do Công ty cổ phần Chỉ số nông nghiệp thực hiện thử nghiệm từ tháng 12-2022.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc - giám đốc dự án Sàn giao dịch phụ phẩm lúa gạo Việt Nam - cho biết từ khi sàn giao dịch đi vào hoạt động thử nghiệm đã thu hút hơn 132 doanh nghiệp, trong đó có những thương lái uy tín thực hiện mua bán 20.000 tấn/tháng, khoảng 100 giao dịch/ngày.

"Dự án này ấp ủ mơ ước đây sẽ là sàn giao dịch có nhiều thương mại số hóa nhất Việt Nam, tích hợp công nghệ xử lý dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ người mua. Cung cấp các dịch vụ, nguồn cung hàng hóa, thanh toán linh động thông qua các gói đảm bảo tài chính từ ngân hàng", bà Ngọc nói.

Phụ phẩm gạo lên sàn thương mại điện tử hy vọng giao dịch được 50.000 tấn/tháng - Ảnh 2.

Cận cảnh viên nén trấu làm từ vỏ trấu cho nhiệt lượng cao hơn khi sử dụng trấu thông thường, dễ vận chuyển - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Tại buổi lễ, ông Lê Minh Hoan - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chia sẻ việc kết nối chuỗi từ trên đồng ruộng xuống ghe đi ra thị trường giống như một mắt xích, tuần hoàn nông nghiệp cần có những con người biết nghĩ cho nhau, nghĩ cho người khác trong lúc thành công lẫn thất bại, tránh hoang mang làm vỡ các mắt xích.

Theo Bộ trưởng Hoan, bốn giá trị của start-up là làm tốt hơn cái đã tốt, làm đúng cái đang sai, làm có cái chưa có và tạo ra giá trị cho xã hội nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho chuỗi ngành hàng, phát huy giá trị công nghệ số.

"Tôi mong rằng chúng ta cần chăm chút cho diễn đàn start-up và các dự án start-up như cuộc sống của mình, vượt ra khỏi khuôn khổ một cuộc gặp gỡ, để chia sẻ, lan tỏa rộng ra hơn. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta thổi hồn vào từng hạt gạo, thay đổi tư duy kinh tế, lao động vì sức khỏe cộng đồng, tạo ra sản phẩm vì sức khỏe, sự tử tế thì chắc chắn sẽ kiếm được nhiều giá trị hơn cả mục đích kiếm tiền", ông Hoan kỳ vọng.

Phụ phẩm gạo lên sàn thương mại điện tử hy vọng giao dịch được 50.000 tấn/tháng - Ảnh 3.

Khách dự tham quan các sản phẩm làm từ phụ phẩm lúa gạo - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Dự kiến khi sàn giao dịch chính thức đi vào hoạt động tháng 3-2023 sẽ là cầu nối cho 300 doanh nghiệp giao thương chào bán 50.000 tấn/tháng, tỉ lệ giao dịch thành công chiếm 50%. Một số phụ phẩm từ cây lúa như rơm rạ, vỏ trấu, cám tươi sẽ được tận dụng tối đa làm ra các sản phẩm gia tăng giá trị như: viên nén trấu, cám trích ly, dầu cám khô, dầu ăn tinh luyện, cám sấy...

ĐẶNG TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên