19/10/2018 12:30 GMT+7

Phụ nữ Việt trên phim: Sao có thể khổ đau, nhẫn nhịn đến thế?

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - 'Tôi thấy hình tượng phụ nữ trong phim Việt Nam sao mà chỉ toàn buồn khổ, nhẫn nhịn, chịu đựng. Sức mạnh vượt thoát của họ đâu rồi, cửa chính đóng lại, cửa sổ ở đâu?', tác giả Nguyễn Phương Mai chất vấn.

Nguyễn Phương Mai, tác giả hai cuốn sách Con đường Hồi giáo, Tôi là một con lừa sau khi đặt câu hỏi nói trên, tiếp tục hỏi nữ đạo diễn Nhuệ Giang và Nguyễn Hoàng Điệp, khách mời của buổi ra mắt sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất của tác giả Lê Hồng Lâm hôm 15-10.

Câu hỏi của Phương Mai gây cảm giác chị không phải người theo dõi phim Việt Nam có hệ thống. Tuy nhiên, chất vấn này không hẳn là không có lý khi nhìn lại một cách có hệ thống hình ảnh phụ nữ Việt được khắc họa trên phim.

Người đàn bà buồn trong khuôn hình

Có một cuốn sách mang tên Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ, là hồi ức của những phụ nữ Liên Xô về chiến tranh. Thông qua những mảng kí ức tăm tối của người phụ nữ, bạn đọc sẽ cảm thấy kinh sợ chiến tranh. Chiến tranh không chỉ hủy diệt đàn ông trên chiến trường, mà có sức mạnh tàn phá thể xác và tâm hồn người phụ nữ ở hậu phương.

Do đó không khó hiểu khi phim chiến tranh, hậu chiến được coi là "điện ảnh vết thương". Hầu như những người phụ nữ trong phim chiến tranh Việt Nam đều phải gánh chịu nỗi đau, bi kịch nào đó.

Phụ nữ Việt trên phim: Sao có thể khổ đau, nhẫn nhịn đến thế? - Ảnh 1.

Hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Ảnh trái là nữ diễn viên trong phim Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, ảnh phải là Thúy An trong phim Cánh đồng hoang.

Những bộ phim nay đã trở thành kinh điển của điện ảnh Việt như Vỹ tuyến 17 ngày và đêm (Hải Ninh), Chị Tư Hậu (Phạm Kỳ Nam), Cánh đồng hoang (Hồng Sến)… đã khắc họa hình ảnh người phụ nữ thời chiến không chỉ dịu dàng, thuần hậu, chịu thương chịu khó, hết lòng vì gia đình, mà còn kiên cường, bất khuất, "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh".

Chất sử thi, cảm hứng anh hùng ca đã xoa dịu bớt nỗi đau chiến tranh, nhưng số phận của những nhân vật nữ trong phim thời chiến vẫn không thể tách rời đau thương, bi kịch. Họ luôn được nhà làm phim mô tả có sức mạnh để vượt lên để sống tiếp.

Đến thời hậu chiến, nhà làm phim xoáy sâu và nỗi đau âm ỉ của người phụ nữ sau chiến tranh, những hậu quả mà họ phải gánh chịu.

Phụ nữ Việt trên phim: Sao có thể khổ đau, nhẫn nhịn đến thế? - Ảnh 2.

Đời cát một trong những bộ phim hậu chiến ám ảnh nhất của điện ảnh Việt Nam.

Có ai không thấy nghèn nghẹn ở cổ khi chứng kiến cảnh ba người trên sân ga trong phim Đời cát. Bộ phim đưa ra tình huống sau chiến tranh hai người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh phải chung một người chồng. Hai người vợ, một người chồng cứ loay hoay trong bi kịch chuyện ba người, cho đến khi hai người vợ đều quyết định hi sinh hạnh phúc của mình cho người kia.

Xem Bao giờ cho đến tháng Mười, ai cũng rưng rưng thương cô Duyên phải ngậm nỗi đau vào lòng, dù đã có giấy báo tử của chồng vẫn không dám hé răng chỉ để giữ sức khỏe cho bố chồng. Hay những bộ phim như Bến không chồng, ngay từ cái tên đã khiến khán giả nghĩ ngay đến bi kịch của người phụ nữ.

Phụ nữ Việt trên phim: Sao có thể khổ đau, nhẫn nhịn đến thế? - Ảnh 3.

Lê Vân trong Bao giờ cho đến tháng Mười.

Trong những phim đề tài chiến tranh, hậu chiến, sự kiên cường chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam đã trở thành một biểu tượng cho sức mạnh nữ giới. Rất nhiều người nói rằng, trong sự nhẫn nhịn, chịu đựng, hàm chứa sức mạnh phi thường. Mặt khác, sự chịu đựng vô hình chung lại trở thành một đặc tính phổ biến, được gán cho phụ nữ Việt.

Tác giả Phương Mai không sai khi nói rằng hình ảnh phụ nữ Việt Nam trên màn ảnh không chỉ đẹp mà còn quá khổ hạnh, thiệt thòi. Sức mạnh của họ đều được nén trong hành động hi sinh, nhẫn nhịn, chịu đựng.

Phải đến thời của điện ảnh thương mại thì người phụ nữ Việt mới "lột xác". Những bộ phim thương mại được sản xuất trong một thập niên qua, nhân vật phụ nữ đã không còn nép sau đàn ông.

Ở cơ quan phụ nữ là sếp (Bạn gái tôi là sếp), về nhà họ là chủ gia đình (Chàng vợ của em). Họ chủ động trong tình yêu, tình dục, thậm chí "dắt mũi" đàn ông (Em chưa 18, Gái già lắm chiêu). Họ bắn súng, phi dao không khác nam giới (Bẫy rồng, Hương Ga).

Phụ nữ lột xác nhưng vẫn phải hi sinh

Tuy nhiên, hình tượng người phụ nữ Việt tần tảo, nhẫn nhịn, chịu đựng vẫn sống âm ỉ trong điện ảnh Việt Nam. Nhiều đạo diễn đương đại vẫn say mê khắc họa hình ảnh người phụ nữ thời xưa chịu nhiều thiệt thòi đau khổ trong Mê Thảo thời vang bóng, Hạt mưa rơi bao lâu, Mùa len trâu, Áo lụa Hà Đông, Mùi đu đủ xanh, Xích lô…

Điện ảnh nhà nước trung thành với hình tượng phụ nữ nhẫn nhịn, chịu đựng nhất. Năm 2015, Hãng phim Truyện Việt Nam và Điện ảnh Quân đội cùng một lúc ra hai bộ phim Cuộc đời của Yến, Người trở về, mà sau khi xem xong, khán giả chỉ còn biết thốt lên: Sao phụ nữ có thể khổ, nhẫn nhịn chịu đựng đến thế?

Phụ nữ Việt trên phim: Sao có thể khổ đau, nhẫn nhịn đến thế? - Ảnh 4.

Những gương mặt phụ nữ đầy khổ đau trong phim "Cuộc đời của Yến" (ảnh trên) và "Người trở về".

Trong các bộ phim sản xuất vào những năm 2005 trở đi, hình tượng người phụ nữ trong phim Việt đã có những thay đổi rất lớn. Như đã nói ở trên, người phụ nữ Việt trong phim thương mại "lột xác". Tuy vậy, trong những bộ phim mang hơi hướng phim nghệ thuật, hình tượng người phụ nữ nhiều ẩn ức, nhiều buồn đau vẫn thống trị.

Người phụ nữ Việt Nam ở miền xuôi hay miền núi, ở trong nước hay nước ngoài đã lên phim đều khổ. Cô gái miền núi Pao trong Chuyện của Pao, hay người đàn bà Việt sống tại Đức tên Quyên trong phim Quyên, Sương và Nương trong Cánh đồng bất tận… đều ba chìm bảy nổi với nước non.

Đặc biệt với dòng phim độc lập, nơi nam tính bị đánh bại, thì nữ tính lại vẫn chẳng thể lên ngôi. Hiện tượng phim độc lập của Việt Nam năm 2010 Bi, đừng sợ!Đập cánh giữa không trung (2014) cho thấy những hình ảnh không mấy tích cực về nam giới ở Việt Nam.

Phụ nữ Việt trên phim: Sao có thể khổ đau, nhẫn nhịn đến thế? - Ảnh 5.

Gương mặt người phụ nữ Việt Nam hiện đại trong "Bi, đừng sợ!" (ảnh trên) và "Đập cánh giữa không trung".

Trong hai bộ phim này, nam giới phần lớn là những người ham cờ bạc, rượu chè, bia bọt, thiếu trách nhiệm với những người phụ nữ của họ. Trong khi đó, người phụ nữ, dù đã bước ra khỏi khuôn khổ của "đức hạnh", loanh quanh luẩn quẩn vẫn lệ thuộc vào đàn ông, nhẫn nhịn chịu khổ. Sự chăm sóc, chịu đựng của người phụ nữ đã tiếp tay làm hỏng đàn ông.

Trong những bộ phim như Chơi vơi, Tâm hồn mẹ, Lạc lối có những nhân vật nữ dám bước ra khỏi chuẩn mực xã hội, dám sống, dám yêu. Nhưng từ trong căn tính của họ, vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng của mẫu phụ nữ truyền thống, nhẫn nhịn, chịu đựng.

Phụ nữ Việt trên phim: Sao có thể khổ đau, nhẫn nhịn đến thế? - Ảnh 6.

Phim "Chơi vơi"

Thạc sĩ ngành Lý luận Văn học Lê Tuân (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn), người từng làm luận văn khảo sát về phái tính (phạm trù giới tính để chỉ sự khác biệt về sinh lý, tự nhiên giữa nam và nữ, đực và cái) trong ba bộ phim Trăng nơi đáy giếng, Cánh đồng bất tận, Bi, đừng sợ! nhận định:

"Có thể nói rằng, điện ảnh Việt Nam khi lấy phụ nữ làm chủ đề chính mới thể hiện được ý thức phái tính, còn tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ hầu như chưa định hình. Hình tượng người phụ nữ trong các bộ phim thường buồn. Các nhân vật nữ thường là những người phụ nữ đẹp, hiền hậu, chịu thương chịu khó, đảm đang… nhưng bản thân họ nhu nhược, cam chịu, không có ý chí để phấn đấu cho bản thân mình vượt thoát số phận".

Charlie Nguyễn

TTO - Trong buổi showcase - giới thiệu thành quả sau nhiều tháng làm việc của ekip làm phim 'Chàng vợ của em', đạo diễn Charlie Nguyễn đã chia sẻ bí mật về việc tại sao phim của anh luôn luôn làm về đề tài phụ nữ.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên