TTCT - Thiên chức làm mẹ không hề xung đột với quyết tâm chinh phục những thử thách thể thao phi thường, với một số bà mẹ siêu nhân... 1. Khi nữ VĐV cự ly siêu địa hình mang số báo danh 917 vừa chạy bộ suốt hai ngày vừa cho con bú, chồng chị, anh John Power, đã bế con sơ sinh đi xuyên qua biên giới ba quốc gia để đuổi theo mẹ - "bình sữa di dộng" đang trong cuộc đua Ultra-trail danh giá nhất hành tinh.Gia đình hạnh phúc của Sophie Power không hề biết, khi hoàn thành cuộc đua UTMB 100 dặm trên đỉnh Mont Blanc năm 2018, họ đã dấy lên một cuộc tranh cãi nảy lửa kéo dài suốt sáu năm qua về cái gọi là thiên chức của phụ nữ, và chứng kiến thái độ căm ghét phụ nữ chơi thể thao của nhiều người trên mạng xã hội.Sophie Power và bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Alexis Berg đăng trên TelegraphNgười mẹ chỉ đơn giản là chiến đấu với cơn đau cột sống, ngồi cho con bú, vắt kiệt sữa giữa những chặng nghỉ của UTMB. Trong bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Alexis Berg đăng trên Telegraph, khi những vận động viên nam giới khác có thể nằm duỗi đôi chân mỏi mệt thì Sophie Power vội vàng ôm đứa con mới ba tháng tuổi và cho bú. Cô nói rằng cô chẳng e ngại gì!Với tất cả những vận động viên chạy siêu địa hình, bức ảnh nữ VĐV cho con bú trở thành một biểu tượng tuyệt đẹp của tinh thần thể thao, một câu chuyện ca ngợi những điều tốt đẹp luôn có trên thế giới này. Với tôi, đây là bức ảnh đẹp nhất về thể thao. Đó là khoảnh khắc truyền cảm hứng tới hàng triệu phụ nữ khác trên thế giới này, trong đó có rất nhiều phụ nữ chơi thể thao trong sự chịu đựng những thách thức của khuôn mẫu giới. Những người có thể đã luyện tập và chờ đợi cơ hội tỏa sáng từ nhiều năm, nhưng sau đó, rút lui bởi những lý do bị mệnh danh là "thiên chức", mà thực ra là "xã hội chức" do đám đông quy ước.Sophie Power chỉ là không muốn phải lựa chọn. Cô ấy theo đuổi giấc mơ UTMB suốt nhiều năm. Và tuy phàn nàn rằng ban tổ chức quá khắt khe với phụ nữ, những người có bầu và cho con bú bị gạt ra khỏi cuộc đua một cách vô tâm song cô vẫn quyết tham dự cuộc đua.2. Nhưng thế giới trên mạng không tử tế như những người chúng ta hằng gặp. Vài ngày sau khi thực hiện được giấc mơ của một phụ nữ chạy bộ, thứ Sophie nhận được là một cú điện thoại kinh hãi của người chị họ: "Này em, sao vú em tràn ngập trên Instagram của chị?".Cay đắng hơn, tờ tạp chí chạy bộ Runners World nổi tiếng đưa lên mạng xã hội một bảng bầu chọn về sự kiện "mẹ bỉm sữa chơi lớn, vừa sinh con xong đã chạy siêu địa hình" này, với ba mục lựa chọn: "Bạn nghĩ gì về việc vừa cho con bú vừa chạy bộ: Đây là sự ích kỷ (của người mẹ)/Đây là sự thô tục/Đây không phải là việc của tôi".Với những người không chạy bộ, thậm chí chẳng quan tâm tới thể thao, búa rìu giáng lên nữ VĐV còn nặng nề hơn. Sao cô ấy không che ngực lại? Việc bế một đứa trẻ không quan trọng hơn để trì hoãn một cuộc đua ư? Sự ích kỷ của phụ nữ có giới hạn không?Sophie Power sau khi cai sữa cho con, bắt đầu tự vệ trên truyền thông. Trả lời phỏng vấn tờ Telegraph sau đó một năm, cô nói: "Tôi sẽ vẫn kể câu chuyện UTMB của tôi, nhưng không phải là chuyện một bà mẹ bỉm sữa đeo số báo danh đi thi chạy, mà là câu chuyện ca ngợi vẻ đẹp một người phụ nữ tuyệt vời đến thế nào". "Chúng ta chỉ cần hỗ trợ sức khỏe cho những người phụ nữ vừa đủ, thay đổi chính sách vừa đủ, để tạo ra những câu chuyện tràn đầy cảm hứng tích cực về một thế giới lành mạnh, chứa đựng được tất thảy mọi giấc mơ chinh phục của mọi phụ nữ trong thể thao!".3. Hôm 15-10, Thanh Vũ (tên đầy đủ là Vũ Phương Thanh) đã trở thành nữ vận động viên đầu tiên của Việt Nam hoàn thành cuộc thi kỷ lục về sức bền và ý chí tại Ý: Triple Deca Continous 2024 kéo dài 46 ngày với 114km bơi, 5.400km đạp xe và 1.266km chạy bộ. Vũ Phương Thanh ở giải Swissultra. Ảnh: SwissultraĐược mệnh danh là "bông hồng thép sa mạc", Thanh Vũ liên tục chinh phục những kỳ tích sức bền và khắc nghiệt nhất thế giới, trải dài trên mọi châu lục. Trong cuộc sống, Thanh Vũ cũng là một trong những runner có sức ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam.Trái ngược với hàng ngàn lời chúc mừng thành tích rực rỡ của cô, những cuộc tranh luận cũng nổ ra trên mạng xã hội với rất nhiều chỉ trích, hoài nghi, giễu nhại, chê trách, trong đó nhiều ý kiến chỉ trích tới từ những cư dân mạng khá nổi tiếng, là trí thức hoặc có thâm niên chơi thể thao: Làm thế để làm gì? Nhàn cư là vậy? Phụ nữ thế thì ông chồng nào chịu đựng nổi?... Có người đùa cợt về ngoại hình hoặc làn da của VĐV. Có người liệt kê một loạt những tướng xấu của phụ nữ khi chơi thể thao, từ VĐV bơi cho tới VĐV bóng đá nữ, rồi VĐV điền kinh, cử tạ, không có tướng "vượng phu ích tử", "toàn những cô tóc mỏng, môi thâm, da đen, trán bướng bỉnh khó dạy"…Thực chất những phán xét độc hại này là một ẩn bóng của quấy rối tình dục, giống như những lời khen tặng nữ cầu thủ, khen đẹp, muốn nựng, thực chất là sự cợt nhả và quấy rối công khai trên mạng xã hội khi đội tuyển bóng đá nữ VN đoạt tấm huy chương vàng ở 4 kỳ SEA Games liên tiếp. Trên mạng, họ không được nhìn nhận như một vận động viên, một người có đầy đủ nhân phẩm và giá trị đang theo đuổi đam mê cá nhân lành mạnh. Một người đàn ông Việt kiều công khai bình phẩm về thành tích của Thanh Vũ với lời nhận định: "Người đàn ông có trách nhiệm là không nên khuyến khích các thành tích thể thao của nữ giới". Ông ta đồng thời khoe đã ngăn cấm thành công con gái chơi thể thao, dù chỉ là thể thao trường học. Giờ đây con gái ông chỉ còn ngồi đan găng tay, đan mũ, đan khăn và làm quà tặng cho mọi người!Thật khó để tranh biện đúng sai giữa một xã hội, mọi điều tồi tệ giờ đây đã học được cách bao gói bên trong một lớp giấy bọc quà đẹp đẽ. Nhưng nếu một người đàn ông chẳng ngại thao túng con cái, giễu nhại những phụ nữ không quen biết đang thành công theo cách cô ấy mơ ước thì chỉ có nghĩa là an toàn của người đàn ông ấy đang được định nghĩa kiểu, phụ nữ là để nuôi làm cảnh, chi phối để dùng được. Vẫn còn rất nhiều người thấy phụ nữ chơi thể thao mang lại cảm giác bất an, phụ nữ chỉ nên là phần phụ của đời đàn ông, chỉ nên đứng sau người đàn ông thành công và cả đằng sau người đàn ông không thành công nhưng đầy kỳ thị giới.4. Trong Thế vận hội Olympic Tokyo 2018, có một điểm sáng về bình đẳng giới. Đó là từ các nội dung thi tới cự ly và thời gian, có nhiều cơ hội dành cho phụ nữ chơi thể thao tham dự hơn. Trên truyền thông, thời lượng phát sóng các nội dung nữ thi đấu cũng được chú trọng đáng kể. Và lần đầu tiên, sức khỏe tinh thần của VĐV nữ đã được chăm sóc chu đáo.Đó là khi nữ VĐV Simone Biles từ chối tham gia thi đấu thể dục dụng cụ nữ, bỏ cuộc với lý do sức khỏe tâm lý không đảm bảo. Tất cả mọi VĐV và báo chí đều thấu hiểu và không áp đặt cho cô những tính từ tiêu cực kiểu "Phụ nữ sẽ không thể có một tinh thần thi đấu quyết liệt như VĐV nam; Phụ nữ thất thường làm công chúng thất vọng!". Nhờ thế, tới mùa Olympic Paris 2024, Simone Biles quay trở lại rực rỡ và giành ba huy chương vàng!Nhưng dù sao, bên chúng ta vẫn luôn có những điều ngọt ngào và tuyệt diệu! Người chồng dắt tay đứa con ba tuổi, ẵm bé mới sinh hai tháng vượt qua biên giới Pháp, Ý và đi qua Thụy Sĩ theo bước chân chạy của người vợ runner. Và khi Sophie cho con bú, anh tiếp thêm nước vào bình nước dự trữ cho vợ mang đi đua, làm cho vợ một chiếc bánh mì sandwich kẹp bơ, thay pin mới cho đèn đội đầu của vợ!Ở bên cạnh những người phụ nữ đam mê thể thao và những phụ nữ có ước mơ cháy bỏng, sẽ luôn luôn có những người yêu thương, thấu hiểu, hỗ trợ tất thảy mọi điều kiện, để cô ấy có thể yên tâm trở thành chính người phụ nữ mà cô ấy muốn trở thành!■ Tags: Phụ nữThể thao Việt NamVũ Phương ThanhĐịnh kiến giớiChạy bộ đường dài
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.