Câu chuyện về quả tạ nêu trên được Li Yi (Quảng Đông, Trung Quốc) kể cho kênh NBC News, mô tả biểu hiện phân biệt giới tính đang diễn ra ở Trung Quốc, khi phụ nữ phải trả nhiều hơn cho cùng một sản phẩm trong nhiều trường hợp.
Theo Li Yi, dù rất thích nhưng chị vẫn không mua tạ tập thể dục màu hồng, bởi chúng có giá khoảng 90 nhân dân tệ (hơn 12 USD), trong khi những quả tạ màu đen thông thường chỉ có giá 40 nhân dân tệ (hơn 5 USD).
Một số nhà sản xuất tại Trung Quốc áp mức giá cao hơn đối với các sản phẩm có màu hồng hoặc những sản phẩm dành riêng cho phụ nữ, khiến rất nhiều phụ nữ Trung Quốc cảm thấy bất bình trước tình trạng trên.
Từ đó, các nhà hoạt động nữ quyền ở Trung Quốc gọi hiện tượng trên là Pink Tax (thuế hồng). Thực tế, “thuế hồng” là khái niệm xuất phát từ Mỹ và ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Khổ vì "thuế hồng"
“Thuế hồng” không chỉ đơn thuần chỉ hiện tượng những món hàng có màu hồng bị áp mức giá cao hơn bình thường mà còn được sử dụng để mô tả các hành vi phân biệt đối xử đối với người tiêu dùng nữ.
Nổi bật nhất là những tranh cãi xoay quanh mức thuế của các sản phẩm hỗ trợ kinh nguyệt của phụ nữ. Các khoản chi tiêu trong kỳ kinh nguyệt hàng tháng là mối lo chung của phụ nữ tại Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới.
Gần đây, một chiến dịch trực tuyến đã được tổ chức nhằm kêu gọi chính phủ Trung Quốc giảm thuế của các sản phẩm hỗ trợ kinh nguyệt của phụ nữ như băng vệ sinh xuống còn 13%.
Con số 13% là tương đương so với mức thuế của thuốc lá, cao hơn vài điểm phần trăm so với các mặt hàng thiết yếu khác như ngũ cốc hay nước lọc.
Đến nay, chính phủ Trung Quốc chưa xử lý được yêu cầu giảm thuế đối với các sản phẩm hỗ trợ phụ nữ trong "kỳ đèn đỏ".
Trong khi đó, các sản phẩm hỗ trợ phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt được miễn thuế ở khoảng 20 bang như New York, California hay Texas, theo NBC News.
Bà Nancy Qian - giáo sư kinh tế tại Trường Quản trị Kellogg thuộc Đại học Northwestern - cho biết một số phụ nữ nghèo thậm chí không sử dụng các sản phẩm hỗ trợ trong kỳ kinh nguyệt, hoặc phải sử dụng các vật dụng thay thế băng vệ sinh, dẫn đến không ít vấn đề về sức khỏe.
“Điều đó có nghĩa phụ nữ phải trả nhiều tiền để khỏe mạnh hơn so với nam giới. Thật không công bằng”, Gs Qian nói.
Giảm “thuế hồng” không dễ dàng ở Trung Quốc
Vấn đề nữ quyền ở Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ hơn khi ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động của nước này. Số lượng lao động nữ ở các thành thị của “đất nước tỉ dân” đã tăng gần 40% trong vòng 10 năm qua.
Nhưng ngay cả khi nữ quyền “lên ngôi”, chính phủ Trung Quốc dường như vẫn giữ quan điểm truyền thống, một phần có lẽ do lo ngại tỉ lệ sinh vẫn ở mức thấp kỷ lục tại nước này, đài NBC News nhận xét.
Giáo sư Qian cũng cho biết chiến dịch kêu gọi giảm “thuế hồng” vô tình trùng hợp với thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn hậu đại dịch COVID-19, khiến người tiêu dùng nước này càng cân nhắc về chi tiêu hơn bao giờ hết.
Một số người tiêu dùng Trung Quốc thể hiện sự phản đối, kêu gọi tẩy chay những nhà bán lẻ đặt giá sản phẩm với mức giá cao hơn các sản phẩm tương tự cho nam giới.
Trong đó, hai sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là JD.com và Taobao đã gặp phải những phản ứng dữ dội về hai sự kiện mua sắm thường niên trong Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3.
Giới quan sát cáo buộc các nền tảng thương mại điện tử này đã lợi dụng ngày lễ dành cho phụ nữ để thao túng họ tiêu tiền nhiều hơn, và thu về hàng tỉ USD. Đồng thời, các nhà kinh tế cũng chỉ ra rằng nam giới không có các sự kiện mua sắm tương tự.
“Mỗi đồng tiền là một lá phiếu. Tôi sẽ không chi thêm một xu nào cho những thương hiệu lừa dối phụ nữ một cách trắng trợn, hoặc không thân thiện với phụ nữ”, Lancc Lan, một sinh viên 21 tuổi quả quyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận