16/03/2019 09:09 GMT+7

Phụ nữ sinh ra không phải để bị chà đạp

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - "Phụ nữ sinh ra không phải để bị chà đạp, chấp nhận số phận như vậy nên tôi nghĩ mình phải biến bẫy giăng thành những điều tốt lành".

Phụ nữ sinh ra không phải để bị chà đạp - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh chụp ảnh kỉ niệm với trẻ em vùng cao trong chuyến đi khảo sát địa phương để thực hiện dự án: “Sống để làm đẹp, làm đẹp để sống” - Ảnh: NVCC

Phía sau mỗi công việc, mỗi trách nhiệm luôn nuôi dưỡng, dựng xây những điều thiện lành, tốt đẹp là điều thôi thúc chị Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh (49 tuổi, ngụ TP.HCM, viết nên dự án "Sống để làm đẹp, làm đẹp để sống".

Khi dự án được triển khai đã làm thay đổi bao nhiêu số phận, bao nhiêu cuộc đời của nhiều phụ nữ khắp từ Nam chí Bắc...

"Tự hào với nghề khi viết sổ liên lạc cho con"

Câu chuyện về chị Tướng T.Đ. (20 tuổi, Bắc Kạn) - người có cái tên ấn tượng nhất của dự án cộng đồng này - khiến mọi người cảm thấy ấm áp. 

Năm năm về trước, Đ. là nạn nhân bị chính người yêu lừa bán sang Trung Quốc, cô trốn thoát ngoạn mục mới về đến nhà. 

Tưởng số phận mãi bị vùi dập, nhưng dự án là cánh tay cứu cô gái bất hạnh này. Chị Đ. tâm sự: "Khi về được gia đình, tôi nhục nhã ê chề lắm, định bỏ đi thật xa. 

Nhưng may được bạn giới thiệu nên lên Hà Nội học nghề tóc miễn phí theo chương trình của dự án. Học xong lại được cho vốn mở tiệm tóc nhỏ ở quê, có công việc nên mọi ánh nhìn của người trong bản khác đi. Giờ tôi ổn định với gia đình nhỏ, mọi quá khứ đã không còn ai nhắc đến nữa".

Hay chuyện về chị L.T.X. (28 tuổi, quê Cà Mau) cũng là một câu chuyện buồn không lối thoát. Gần 8 năm chị làm nghề "mua vui", vùi tuổi trẻ của mình ở nơi bóng tối. Chị sinh được đứa con, cha của đứa bé là ai, con không biết, chị cũng không biết. 

Cơm áo gạo tiền chật vật mỗi ngày. Ngày con vào lớp 1, một khoảng trống trong phần thông tin nghề nghiệp của mẹ trong sổ liên lạc của con luôn ám ảnh chị. 

Nhưng rồi chị biết về dự án học nghề tóc miễn phí, chị tham gia học và mở một salon tóc ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Nghề mới đã thay đổi cuộc sống mẹ con chị X.. 

"Đừng hỏi về tôi thời gian trước, tôi không muốn nhắc lại. Nhưng ông trời vẫn có mắt cho tôi một cái nghề qua dự án miễn phí. 

Cuộc đời này còn nhiều điều tốt đẹp để sống lắm. Hạnh phúc với tôi giờ này đơn giản là tôi tự hào với một nghề khi viết vào cuốn sổ liên lạc của con".

Chương trình có nhiều ưu thế

Bà Lê Thị Hương Giang, phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An, cho biết:

"Trước đây ở địa phương vẫn có những nghề hỗ trợ miễn phí cho phụ nữ như: may, kỹ thuật chế biến... nhưng chương trình của dự án này khá "độc quyền" và nhiều ưu thế.

Từ quá trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, điều kiện thực hành đến hỗ trợ sản phẩm, tìm kiếm việc làm có lương ngay, giúp những chị em khó khăn có thu nhập ổn định.

Ở địa phương chúng tôi, hiện đây là chương trình miễn phí hiệu quả nhất, có thể nói là phù hợp với khởi nghiệp".

Nuôi dưỡng ước mơ

Cái duyên đến với dự án của chị Trinh thật thú vị. Từng trải qua nhiều công việc trong lĩnh vực giáo dục, nhưng chị Trinh có duyên lâu nhất với một tập đoàn mỹ phẩm Pháp từ năm 2008 - một nơi làm việc có sản phẩm mà khách hàng hầu hết là phụ nữ, những người luôn cần phải đẹp trong cuộc sống.

Khi tập đoàn này mở chi nhánh ở Việt Nam, chị được giao nhiệm vụ mà đến giờ chị vẫn nghĩ rằng đó là điều may mắn và ý nghĩa nhất cuộc đời mình. 

"Tôi nhận việc đúng gần thời điểm tập đoàn kỷ niệm 100 năm thành lập. Và nhiệm vụ của mình là phải nghĩ ra điều gì ý nghĩa cho cộng đồng để triển khai nhân dịp này. Tìm hiểu, khảo sát các chương trình cộng đồng, tôi thấy thường người ta thiên về tặng quà, tiền, học bổng và chỉ làm trong thời gian ngắn. Tôi nghĩ mình sẽ làm khác, và tôi bắt đầu viết dự án...".

Khởi nguồn là xin hỗ trợ từ tập đoàn, chị viết hai dự án hoạt động cộng đồng về học sinh trung học và hoạt động về môi trường. Nhưng cả hai đều bị từ chối. 

"Cả hai dự án tôi đều viết trên tinh thần trách nhiệm là hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng thất bại ở chỗ non chiều sâu, dẫu rằng sự hỗ trợ nào cũng quý, 1 tháng, 1 tuần hay 1 ngày đều quý như nhau. Từ đó, tôi nhận ra rằng viết dự án cộng đồng mà chỉ bằng trách nhiệm công việc thôi chưa đủ, phải có chiều sâu của cái tâm để thuyết phục được nơi mình làm việc hỗ trợ bền vững lâu dài cho phụ nữ Việt Nam. Thế là từ đó tôi bắt tay viết lại", chị chia sẻ.

Trong một lần đọc những bài báo về buôn bán phụ nữ qua biên giới, thấy những số phận khó khăn, thấy những đổ vỡ đời sống vợ chồng "đẩy" phụ nữ rơi vào "bẫy người" khiến chị Trinh suy nghĩ. 

Chị tâm tư: "Khi đọc những câu chuyện ấy, thực sự tôi thắt nghẹn vì trớ trêu cho phận người với những cái bẫy như: việc tốt, lương cao, ăn mặc đẹp, đổi đời, sống ở thành phố lớn... để rồi họ trở thành nạn nhân. Tôi hiểu vì sao họ bị sập bẫy. Phụ nữ sinh ra không phải để bị chà đạp, chấp nhận số phận như vậy nên tôi nghĩ mình phải biến bẫy giăng thành những điều tốt lành".

Chị viết dự án như cả một tuổi trẻ quay lại, đặt mình vào trong đó, là người từng rất khó khăn, phải kiếm tiền để bao bọc đàn em, lo cha mẹ... 

Dự án "Sống để làm đẹp, làm đẹp để sống" là chương trình đào tạo nghề tóc miễn phí giúp đỡ phụ nữ nghèo, khó khăn chỗ ở có việc làm ổn định, tự mình thay đổi cuộc đời với nghề làm tóc được đánh giá có chiều sâu, thoát nghèo bền vững và được thực hiện trên các quốc gia trên thế giới mà tập đoàn này chọn.

"Lúc đó là 3 giờ chiều một ngày đầu tháng 3-2009, chính tổng giám đốc tập đoàn nhắn tin là sẽ chọn dự án của tôi. Tôi hạnh phúc lắm, vì cuộc đời này sẽ tốt đẹp hơn nếu mình viết nên câu chuyện sống đẹp", chị nhớ lại.

Dạy nghề cho hàng ngàn phụ nữ

Hiện nay có 3 nơi đào tạo chính của dự án: Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM (Q.3), Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội (Q.Hà Đông) và ở Nghệ An (TP Vinh).

Khóa học kéo dài 17 tuần, với sự hỗ trợ từ sản phẩm làm tóc, dụng cụ, máy móc, cho đến phòng học nghề, lương trả giáo viên... Đến nay là khóa 25 của dự án. Dự án đã giúp hơn 2.200 học viên của 47 tỉnh thành có nghề bền vững để mưu sinh.

Giúp thay đổi nhiều số phận

ho tro tiem toc 5(read-only)

Chị Nguyễn Thị Duyên (xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), sau khi học khóa đào tạo nghề tóc miễn phí, chị được hỗ trở mở tiệm tóc - Ảnh: Thảo Thương

Cứ thế, mỗi năm tập đoàn mỹ phẩm này đã trích ngân sách khoảng 3-3,5 tỉ đồng cho những người phụ nữ Việt Nam nằm trong dự án, cam kết khi nào tập đoàn không xuất hiện ở Việt Nam nữa mới kết thúc dự án.

Khi dự án được triển khai đã làm thay đổi bao nhiêu số phận, bao nhiêu cuộc đời của người phụ nữ khắp từ Nam chí Bắc.

Có được những thành công như vậy, dự án trải qua không ít khó khăn: sự hoài nghi về dự án, sự phớt lờ bỏ lửng, không có học viên... nhưng tính thực tế là câu trả lời giúp dự án vượt qua hết những khó khăn ban đầu.

"Khi mình đi mời, đi kêu gọi giới thiệu ở các địa phương nghèo, người ta nghe nhưng ngại, sợ bị lừa, sao lại có dự án miễn phí chỉn chu đến vậy. Thế là, ngày mở khóa dạy đầu tiên, một phụ huynh ở Trà Vinh đi theo con lên Sài Gòn, chứng kiến tận mắt, sau đó nói rằng thực tình nếu hôm nay bà không lên đây thì đánh mất cơ hội cho con. Hoặc là có lần tôi về Nghệ An, hội phụ nữ ở đây bảo có dự án dạy nghề ở nông thôn rồi, nhưng kiên trì gõ cửa... thế là dự án thực hiện thành công".

Xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ: khó nhưng kiên trì thay đổi

TTO - Diễn đàn "Xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ, cách nào?" diễn ra ba tuần qua với nhiều góc nhìn khác nhau về câu chuyện xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên