Theo tài liệu "Hướng dẫn phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật trẻ em" mới nhất của Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân gây khuyết tật ở trẻ là mang thai và sinh con khi mẹ trên 35 và bố trên 45 tuổi.
Đừng lơ là độ tuổi mang thai
Ngồi đợi các bác sĩ thăm khám và xét nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), chị T.K. (38 tuổi, Đồng Nai) cho biết năm 2010 chị lập gia đình và đến 5 năm sau đó chị đã mang song thai lần đầu tiên. Tuy nhiên, không may chị bị cổ tử cung ngắn, khi chưa kịp điều trị, chị phải sinh non khiến hai bé 22 tuần tuổi mất.
Đến năm 2022, chị bất ngờ đón nhận tin vui vì đã mang thai lần thứ hai khi đã 38 tuổi. Nhưng khi đi xét nghiệm tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết bé bị dị tật hở hàm ếch.
"Khi quyết định không dùng các biện pháp tránh thai, tôi có biết việc nếu lớn tuổi thì nguy cơ sinh khó hơn và dễ gặp biến chứng hơn so với thời còn trẻ. Tuy nhiên, vì khao khát có con quá mãnh liệt nên tôi quyết định mang thai, chấp nhận mọi rủi ro. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị hở hàm ếch. Tôi thực sự rất lo lắng", chị K. nói.
Còn trường hợp chị H.M. (40 tuổi, TP.HCM) đến bệnh viện khám thai. Tuổi lớn, do mang thai tự nhiên, bản thân chị cũng không biết mình đang mang thai. Khi thăm khám, các bác sĩ cho biết tiên lượng thai nhi rất xấu do suy dinh dưỡng nặng nên phải dừng thai kỳ khi mới 29 tuần tuổi.
Không ít trường hợp sản phụ gần đây may mắn được các bác sĩ cứu sống khi mang thai ở tuổi tứ tuần vì mắc các bệnh lý như: nhau cài răng lược, vỡ tử cung... Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu thành công cho một sản phụ mang thai ở tuổi 45 bị ngưng tim vì mắc hội chứng nhau cài răng lược.
Các bác sĩ cảnh báo nhiều phụ nữ lớn tuổi nhưng có thai lại không biết dẫn đến không thăm khám và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Mang thai ở tuổi càng lớn, càng nhiều nguy cơ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trịnh Nhật Thu Hương - trưởng khoa chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ - cho biết đối với những sản phụ lớn tuổi khi mang thai (từ 35 tuổi trở nên) thì nguy cơ em bé gặp phải những bất thường sẽ cao.
Cụ thể, thai nhi có thể mắc một số khiếm khuyết theo hướng lệch bội nhiễm sắc thể như hội chứng Down. Đây là hội chứng dễ gặp nhất và có liên quan đến tuổi mẹ, đặc biệt khi đã lớn tuổi.
Ngoài ra, sản phụ có thể đối mặt với nhiều nguy cơ khác như sẩy thai, sinh non, tiền sản giật, thừa cân...
Bác sĩ Hương cho biết giai đoạn vàng trong độ tuổi sinh sản của nữ là từ 20 - 25 tuổi. Đây là giai đoạn mà buồng trứng phát triển tối ưu, ít bị bất thường nhất. Một trong những yếu tố tối ưu để có em bé khỏe mạnh là phải mang thai trong giai đoạn còn trẻ.
Đối với trường hợp phụ nữ trên 35 tuổi đã có thai, bác sĩ Hương cho biết sản phụ sẽ phải tuân theo quy trình khám thai kỹ lưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Điều này nhằm phát hiện được những bất thường của thai nhi ở giai đoạn sớm để có thể tầm soát, tính được biến cố của thai kỳ. Các bác sĩ có thể dựa vào các yếu tố như bệnh lý nền, các thông số đo được khi khám thai để kịp thời có phương án điều trị.
Nguy cơ trẻ mắc khuyết tật
Theo tài liệu "Hướng dẫn phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật trẻ em" của Bộ Y tế, tại Việt Nam, báo cáo của Tổng cục Thống kê về điều tra quốc gia người khuyết tật ước tính khoảng 1,2 triệu trẻ em bị khuyết tật trong độ tuổi 0 - 17 (chiếm 3,1%).
Loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ là vận động và ngôn ngữ. Trong đó, nguyên nhân chính của tình trạng khuyết tật ở trẻ là khuyết tật bẩm sinh (chiếm khoảng 55 - 65%), còn lại là bệnh tật.
Bộ Y tế nêu rõ nguyên nhân dẫn đến khuyết tật ở trẻ em được phân loại thành ba nhóm chính.
Nguyên nhân khuyết tật trước sinh bao gồm bệnh của mẹ khi mang thai (vi rút, bệnh giáp trạng, ngộ độc thai, đái tháo đường, chấn thương...). Đặc biệt, mẹ trên 35 tuổi và bố trên 45 tuổi khi sinh con cũng là nguyên nhân gây khuyết tật ở trẻ được Bộ Y tế nêu ra.
Ngoài ra, mẹ phơi nhiễm môi trường độc hại khi mang thai như các kim loại nặng, chất độc dùng trong nông nghiệp và thực phẩm; các loại thuốc; các chất kích thích như rượu, ma túy; dinh dưỡng bà mẹ; nhiễm trùng. Bất thường nhiễm sắc thể, gene, chất liệu di truyền thai nhi cũng là nguyên nhân gây khuyết tật trước sinh ở trẻ.
Phải thường xuyên thăm khám
Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Chí Thương, trưởng khối sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết đối với phụ nữ lớn tuổi (trên 35 tuổi) khi mang thai nguy cơ thai nhi mắc phải dị tật bẩm sinh sẽ cao hơn. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy không chỉ riêng phụ nữ mà nam giới (trên 45 tuổi) cũng góp phần gia tăng nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
"Lứa tuổi trung bình sinh đẻ tốt nhất của phụ nữ là 25 tuổi, do đó việc mang thai dưới 30 tuổi là thời điểm thích hợp nhất.
Trường hợp sau 35 tuổi khi đã có thai thì sản phụ cũng không nên quá lo lắng, cần bình tĩnh đi khám sớm để bác sĩ tư vấn và chẩn đoán tiền sản.
Đặc biệt là nên đến các cơ sở y tế uy tín, đã được cấp phép rõ ràng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé", bác sĩ Thương khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận