Các diễn viên trong phim , từ trái qua: Trọng Trinh, Hồng Đăng, Lan Phương và Minh Vượng. Phim xây dựng hình ảnh một nàng dâu hiện đại khá hài hước - Ảnh: VFC
Đó là câu chuyện của nàng dâu Hoàng Yến - nữ tác giả tiểu thuyết online với bút danh Lam Lam và cũng là một blogger nổi tiếng.
Cô gặp tiếng sét ái tình với Phong - nhân viên văn phòng và kết hôn với anh chỉ sau 27 ngày quen biết. Sống ở nhà chồng, cô phải đối đầu với bà nội chồng cực kỳ khó tính.
Ngay từ tập 1, Yến đã khiến nhiều khán giả cười ngất khi liên tục "order" (đặt hàng) các món ăn và giả vờ đấy là món mình nấu. Thế là phát sinh chuyện em trai và mẹ phải làm “ninja” khi đem đồ ăn nấu sẵn tới nhà chồng Yến.
Gà trống được người ở quê biếu qua tài nội trợ của Yến biến thành... gà mái có trứng hẳn hòi. Khi xắn tay vào bếp, Yến lại khiến bà nội và bố chồng "thất kinh" khi nấu cơm thì quên bấm nút nồi cơm điện, thịt chiên thì bị cháy, canh mặn chát...
Trích đoạn Nàng dâu order
Lạ là nàng dâu đoảng như Yến lại được lòng khán giả, nhất là khán giả nữ. Họ hết lòng bênh vực Yến và chê bà nội chồng trên fanpage của bộ phim.
Khi bà chê: "Phụ nữ đã đoảng còn lười làm việc thì gia đình êm ấm sao được?", các chị em viết trên fanpage bênh vực Yến. Khán giả nữ cũng dành hàng loạt lời khen có cánh cho việc Yến thông minh và cư xử văn minh khi người yêu cũ của chồng mang bụng bầu đến "ăn vạ".
Mối quan hệ nàng dâu và nhà chồng dường như là nguồn cảm hứng khó cạn của các nhà làm phim. Gần đây, đề tài này được khai thác thường xuyên qua các phim Cả một đời ân oán, Sống chung với mẹ chồng, Gạo nếp gạo tẻ... Vì thế, liệu việc thêm một nàng dâu lên phim có làm khán giả... ngán?
Ông Bùi Quốc Việt - đạo diễn phim Nàng dâu order - chia sẻ: "Kiếm đề tài mới rất khó. Tuy đề tài không mới nhưng khai thác ở góc độ khác, tôi nghĩ vẫn sẽ thu hút được khán giả. Nhận kịch bản Nàng dâu order khi mới là đề cương, tôi đã cùng biên kịch Huyền Lê và biên tập chỉnh sửa rất nhiều để có được những câu chuyện hấp dẫn và hóm hỉnh".
Nàng dâu order có kịch bản thuần Việt và chẳng có mẹ chồng hành hạ nàng dâu, thay vào đó là bà nội chồng... "ngất quả đất", một bố chồng giảng viên đại học, hiện đại, là điểm tựa không chỉ cho con trai mà còn cả con dâu...
Tất cả tạo nên một gia đình nhỏ nhưng chứa đầy xung đột về tính cách và thế hệ. Và quả thật, nếu như nàng dâu trong các phim thường xây dựng với hình ảnh những phụ nữ truyền thống, đảm đang, ít nhiều bị mẹ chồng ăn hiếp..., Nàng dâu order lại là một nàng dâu thời 4.0 hiện đại, hay mơ mộng... "giỏi kiếm tiền nhưng đoảng chuyện gia đình". Một kiểu nàng dâu mới ít xuất hiện trên phim nhưng ngày càng có nhiều trong xã hội hiện nay.
Họ là những cô gái sinh ra có thể trong một gia đình bình thường nhưng luôn nhận được tình yêu thương của cha mẹ, được học hành tử tế và kiếm được nhiều tiền. Chính vì vậy, cách nhìn nhận về gia đình và cách họ quan tâm đến gia đình cũng khác thế hệ trước nhiều.
Lan Phương thoát khỏi cô con dâu khùng điên trong Cả một đời ân oán để vào vai nhà văn lãng mạn, thiếu thực tế trong phim Nàng dâu order. Nhân vật nhiều đất diễn qua cách diễn thông minh của Lan Phương đang tạo sự thương cảm cho khán giả.
Khán giả thích thú hơn nữa với lối diễn chân thật, tỉnh mà hài của diễn viên Trọng Trinh trong vai người bố hiện đại, thương và thông cảm cho con cái. Và bà nội nhiều chiêu lắm trò của nghệ sĩ Minh Vượng cũng khiến người xem thỉnh thoảng cảm thấy... lên huyết áp.
Đang cùng đoàn phim bận rộn thực hiện những cảnh quay cuối cùng, đạo diễn tiết lộ: "Vy chỉ là bước đệm cho mâu thuẫn giữa vợ chồng Yến - Phong. Sau này có cả em gái mưa và rất nhiều vấn đề phức tạp khác mà hai vợ chồng phải trải qua.
Và nhất là bà nội chồng, còn rất rất lâu mới có thể thay đổi được bà. Nhưng tôi tin rằng trên hết, gia đình luôn là nơi để chúng ta gửi gắm lòng yêu thương, gắn bó tình cảm. Dù chúng ta có làm gì, đi đâu thì khi quay lại vẫn có gia đình phía sau. Dẫu có sai lầm cũng luôn có những người thân, bạn bè quan tâm giúp đỡ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận