Trong cuộc sống gia đình, ngoài nghệ thuật ứng xử còn cần sự tôn trọng đối phương. Từ tình cảm hay vấn đề vật chất cũng phải được đặt lên hàng đầu.
Đã là gia đình cũng đồng nghĩa người vợ và người chồng phải có sự thống nhất chi tiêu, cũng như thể hiện trách nhiệm của mỗi người. Lúc này quỹ chung sẽ được xác lập. Còn quỹ riêng (nếu có) cũng sẽ là vấn đề để hai người thống nhất, tránh hiểu lầm.
Xây dựng hạnh phúc gia đình qua quỹ chung, thống nhất nếu có quỹ riêng
Tôi đã xây dựng gia đình đến nay gần 15 năm. Để đạt được tiêu chí "gia đình nhỏ, hạnh phúc to", chúng tôi cũng có những thống nhất về vấn đề kinh tế.
Chồng tôi là lái xe, còn tôi làm giáo viên. Về quỹ chung, hàng tháng lương của anh xã sẽ đưa cho tôi cầm 2/3. Phần còn lại để anh tự chi cá nhân.
Tôi tự cân đối chi tiêu cho hợp lý các khoản như: chi sinh hoạt, chi học hành của các con, chuyện thăm hỏi, cưới xin hay những việc phát sinh của hai bên nội ngoại.
Ngoài ra, tôi dành một khoản tích lũy hàng tháng để phòng khi có việc đột xuất như ốm đau, tích lũy cho tương lai như mua đất, xây nhà…
Tôi thấy, quan trọng nhất trong việc duy trì quỹ chung của hai vợ chồng chính là cả hai cùng phải có ý thức xây dựng, bồi đắp cho hạnh phúc gia đình trên tinh thần trách nhiệm và tôn trọng đối phương. Có như vậy thì việc tạo nền móng cho một cuộc hôn nhân bền chặt theo thời gian càng có cơ sở.
Bên cạnh đó, hai chúng tôi đều có những thu nhập khác ngoài nguồn thu nhập chính, mặc dù nguồn thu ấy không nhiều, không đều đặn. Nhưng chúng tôi vẫn thống nhất nếu một trong hai người có nguồn quỹ phát sinh trên, hay còn gọi là quỹ riêng, cả hai cùng tôn trọng quyền riêng tư cá nhân cho nhu cầu của mỗi người.
Có nguồn quỹ riêng này bản thân tôi cảm thấy cũng khá thú vị và thỉnh thoảng tôi dùng khoản quỹ đó tự thưởng cho mình một món đồ mình thích, mua cái này cái nọ cho hai con gái; hay để tạo bất ngờ, hâm nóng tình cảm vợ chồng, tôi mua món quà nho nhỏ tặng anh xã nhân ngày sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới.
Ngược lại, anh xã đôi khi sợ mua đồ cho vợ mà không đúng ý, anh chọn luôn món quà "hoa đồng tiền", tặng vợ bằng cách chuyển khoản kèm lời chúc qua tin nhắn. Hành động tuy nhỏ nhưng tôi thấy hạnh phúc và có sự gắn kết giữa hai người.
Và đôi khi chúng tôi đang có dự định nào đó lớn một chút như muốn mua sắm một vật dụng giá trị trong nhà, hai chúng tôi có thể thoải mái trao đổi đại ý như: "Anh muốn đổi cái giường to hơn" hoặc "có khi phải sắm thêm cái điều hòa phòng khách, vợ có ủng hộ anh tí nào không?".
Cân nhắc thật kỹ nếu có kế hoạch lập quỹ riêng
Tôi không phản đối sự ủng hộ của người bạn đời trong việc góp hết tiền riêng cho nửa kia lập nghiệp. Nhưng tôi nghĩ việc ủng hộ, hợp tác đó vẫn phải dựa trên sự bàn bạc, thống nhất và quan trọng là tự nguyện.
Chính từ "quỹ riêng" đã thể hiện bản chất của nó mang tính cá nhân và chỉ có cá nhân người sở hữu được quyết định, quyền tự quyết với khoản quỹ mang tính "riêng" ấy.
Nếu đã thống nhất được giữa hai vợ chồng để đi đến quyết định "góp chung, góp cùng" trên tinh thần vui vẻ thì không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu nửa kia của bạn cảm thấy không thoải mái và chưa tin tưởng vào kế hoạch lập nghiệp của đối phương, thì cũng không nên gượng ép và tỏ ra phật lòng.
Nếu một trong hai chưa thật tin tưởng vào kế hoạch lập nghiệp của người còn lại thì cũng phải vui vẻ và tôn trọng quyết định của bạn đời.
Người trong cuộc chỉ nên coi "quỹ riêng" là "gia vị" cho cuộc hôn nhân của hai người. Vậy, nếu đã là gia vị thì hãy gia giảm sao cho vừa và đủ, tránh lạm dụng để hương vị hôn nhân của hai người thêm thi vị, mặn nồng chứ đừng để "quỹ riêng" làm ảnh hưởng đến hạnh phúc, sự bình yên của mỗi gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận