Ngày 27-8, hàng ngàn người Ấn Độ xuống đường tuần hành qua các cơ quan chính quyền ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal. Họ yêu cầu bộ trưởng bang này Mamata Banerjee từ chức.
Sự kiện này cho thấy làn sóng phản đối vấn nạn bạo lực phụ nữ ở Ấn Độ chưa hề nguôi.
Các cuộc biểu tình này bắt đầu sau hôm 9-8, khi thi thể một nữ bác sĩ 31 tuổi được phát hiện trong phòng họp của Trường ĐH Y kiêm Bệnh viện RG Mar ở Kolkata trong tình trạng bán khỏa thân, có dấu hiệu bị tấn công tình dục với nhiều thương tích nghiêm trọng.
Cảnh sát sau đó đã bắt giữ Sanjoy Roy (33 tuổi), một tình nguyện viên làm việc tại bệnh viện, với cáo buộc cưỡng hiếp và sát hại.
Làn sóng biểu tình "lan như cháy rừng"
Vụ việc nhanh chóng thổi bùng lên làn sóng phẫn nộ tại Ấn Độ liên quan đến quyền của phụ nữ và điều kiện làm việc nguy hiểm của ngành y tế nước này.
Chia sẻ với Đài BBC, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Ấn Độ (IMA) R.V. Asokan thừa nhận cộng đồng y tế nước này vốn đã phải đối mặt vấn nạn bạo lực trong nhiều năm qua. Các phong trào phản đối tình trạng này cũng thường xuyên diễn ra.
Tuy nhiên vụ việc xảy ra ngày 9-8 lại nghiêm trọng hơn rất nhiều. Ông Asokan nhấn mạnh việc vụ án có mức độ nghiêm trọng như trên xảy ra ở một trường y tại một thành phố lớn cho thấy “không nơi nào ở Ấn Độ đem lại an toàn cho các bác sĩ”.
Không cam lòng trước tình cảnh đó, cộng đồng bác sĩ trên khắp Ấn Độ liên tục tổ chức đình công và biểu tình toàn quốc, nhằm yêu cầu chính quyền có biện pháp bảo vệ nhân viên y tế tốt hơn.
Song song với đó là các phong trào biểu tình vì quyền phụ nữ. Ngay trước thềm kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh Cộng hòa Ấn Độ, đêm 14-8, hàng chục nghìn phụ nữ đã thắp đuốc tuần hành trên khắp nẻo đường thuộc thành phố Kolkata.
Họ mang theo khẩu hiệu Reclaim the Night (Giành lại màn đêm), kêu gọi giải quyết triệt để nạn bạo lực phụ nữ, nhấn mạnh quyền sống an toàn và tự do không sợ hãi của phụ nữ.
Các cuộc bãi công, biểu tình nhanh chóng lan rộng cả nước "như cháy rừng". Tiêu biểu, ngày 17-8, hơn 1 triệu nhân viên y tế toàn Ấn Độ tham gia cuộc đình công toàn ngành kéo dài 24 giờ. Chỉ có các dịch vụ cấp cứu duy trì hoạt động trong giai đoạn này.
Sau gần ba tuần, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra trên khắp Ấn Độ mà không có dấu hiệu dừng lại. Tại một số nơi, cảnh sát thậm chí đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông người biểu tình.
Không phải lần đầu
Đây không phải là lần đầu tiên ở Ấn Độ bùng lên các cuộc biểu tình yêu cầu đối xử với phụ nữ tốt hơn. Thực tế, vụ án xâm hại - giết người tại bệnh viện trên đã mở lại vết thương hở tưởng như đã lành ở đất nước này từ 12 năm trước.
Năm 2012, khi đang đi xe buýt tại thành phố Delhi, chị Jyoti Singh (23 tuổi) bị sáu người đàn ông tấn công và cưỡng hiếp dã man trong suốt 45 phút. Nạn nhân sau đó đã bị bỏ mặc đến chết trên đường.
Vụ việc này cũng gây nên sự phẫn nộ và biểu tình rộng khắp Ấn Độ. Trước áp lực từ công chúng, Chính phủ Ấn Độ đã nhanh chóng thông qua các cải cách pháp luật nghiêm ngặt, tăng cường các hình phạt đối với các tội liên quan đến hiếp dâm và tấn công tình dục.
Ấn Độ không thiếu những điều luật bảo vệ phụ nữ: Luật bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực gia đình (2005); Luật cấm tảo hôn (2006); Luật ngăn ngừa, cấm và xử lý quấy rối tình dục đối với phụ nữ tại nơi làm việc (2013)...
Những điều luật này công khai tuyên bố rằng Ấn Độ là một quốc gia có quan tâm đến phụ nữ. Các sửa đổi sau này đã được thực hiện để tăng cường khả năng chống lại tội phạm tình dục và áp đặt hình phạt nghiêm khắc hơn, bao gồm án tử hình đối với tội cưỡng hiếp trẻ em dưới 12 tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận