Phóng to |
Phủ nano trên điện thoại di động cho khách hàng - Ảnh: Đức Thiện |
Phong trào phủ nano lên xe máy, xe hơi hiện rất rầm rộ, trên các diễn đàn, các trang rao vặt đều quảng cáo dịch vụ phủ nano theo công nghệ Đức, Nhật... “bảo đảm chất lượng, chống trầy, chống ăn mòn, đẹp long lanh”...
Không chỉ phủ nano ở cửa hàng, các điểm này còn cung cấp luôn dịch vụ phủ nano tại nhà với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.
Tại trang mua theo nhóm Hotdeal.com, voucher phủ nano trị giá 690.000 đồng giảm 74%, còn 179.000 đồng trong thời gian ngắn đã có 469 người mua. Trên trang nhanhmua.vn, dù còn hơn 10 ngày nữa mới hết hạn mua voucher phủ nano xe giá 135.000 đồng, giảm 70% so với giá gốc 450.000 đồng, nhưng đã có 162 người đặt mua voucher này.
Tự làm cũng được
"Về lý thuyết, sơn nano có thể chống tia cực tím, nhưng hiện nay nhiều loại sơn xe cũng đã có chống tia này và phủ nano sẽ không chống trầy xước được nhiều, thậm chí những va quẹt với cỏ, ví dụ khi xe đi sát bờ rào bị cọ quẹt với cành cây, cỏ cũng sẽ bị trầy" ThS DƯƠNG TUẤN TÙNG |
Dạo qua một số điểm cung cấp dịch vụ, chúng tôi nhận thấy giá phủ nano chỉ dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng tùy phần diện tích thiết bị khách hàng muốn phủ nano.
Tất cả điện thoại, máy tính bảng, laptop... đều có thể phủ màn hình. Riêng một số thiết bị như điện thoại iPhone còn có thể phủ viền bên hông và lưng máy. Thao tác phủ khá đơn giản, kỹ thuật viên chỉ việc lau sạch thiết bị rồi nhỏ lên vài giọt dung dịch nano và dùng khăn (hoặc tay) lau để trải đều lên phần diện tích cần phủ.
Sau đó để khô chừng vài phút và lau sạch lại là khách hàng đã có một sản phẩm được phủ nano hoàn chỉnh. Nhận xét về sản phẩm sau khi phủ nano, chị Cẩm Ly (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Màn hình điện thoại sau khi phủ nano nhìn đẹp hơn, độ bóng cao hơn, không bị dính vân tay và đặc biệt có thể dùng soi gương được”.
Đã có rất nhiều thành viên các diễn đàn kể việc mình đi phủ nano xe mà chất lượng thế nào chỉ có trời mới biết. Tại diễn đàn 5 giây, thành viên holiday_summer85 ở TP.HCM viết: “Mình đã nghe phủ nano có khả năng bảo vệ xe khỏi trầy xước vì những va chạm nhỏ, đặc biệt có khả năng phục hồi một số vết trầy nhẹ. Mình được bạn bè giới thiệu một nơi phủ nano nguyên xe chỉ với 350.000 đồng ở khu Thanh Đa, trong lòng vô cùng háo hức đem xe đi phủ với thời gian gần hai tiếng. Đem xe về nhà trùm mền ngày hôm sau để ý mấy chỗ trầy xước nhẹ không hề mất đi, kiểm tra toàn bộ xe thấy tình trạng tương tự. Tức quá đem xe ra khu Trần Quang Khải gần nhà nhờ đánh cana bằng máy thì những vết trầy đó mất sạch, xe lại bóng bẩy hơn nhiều mà chỉ tốn 150.000 đồng”.
Khi được hỏi về nguồn gốc của dung dịch nano, các chủ tiệm đều cho biết họ phải đặt mua từ nước ngoài (chủ yếu ở Singapore) với giá không rẻ. Tuy nhiên theo tiết lộ của anh Hữu Dũng (Q.10, TP.HCM): “Tôi nhờ người thân mua ở Singapore gửi về loại dung tích 2ml có giá 270.000 đồng”.
Anh Dũng cho biết cách đây gần một năm đã dùng thử dịch vụ phủ nano: “Lúc đó tôi phủ cho iPhone 4S hết 100.000 đồng, mỗi mặt 50.000 đồng. Cách đây ba tháng tôi tiếp tục phủ cho con Note 2, màn hình 5,5 inch với giá 80.000 đồng, thêm viền 50.000 đồng nữa”. Qua kinh nghiệm, anh Dũng chia sẻ: “Một chai 2ml có thể dùng cho màn hình của 10 chiếc điện thoại.
Với màn hình loại lớn như iPad cũng chỉ cần bốn giọt là đủ phủ đều hết. Nhiều nơi người ta nhỏ đến 7-8 giọt cho khách hàng yên tâm chứ chất lượng cũng khó nói lắm. Thông thường sau sáu tháng đến một năm, lượng nano phủ lên bề mặt sẽ bay hết và phải phủ lớp khác. Nhiều nơi người ta pha trộn thêm tạp chất nên chỉ khoảng ba tháng đã bay sạch”.
Phải cân nhắc kỹ
Theo ThS Dương Tuấn Tùng - giảng viên bộ môn công nghệ ôtô, khoa cơ khí động lực Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, việc sơn phủ nano, điểm chính là làm cho lớp sơn của xe bóng và trong hơn, mặt khác sơn nano sẽ tạo hiệu ứng lá khoai khiến lớp bụi bẩn không thể bám chắc và chỉ cần tạt nước lên là sạch hơn những xe không phủ. Với xe hơi, nếu không phủ nano, khi đi trời mưa nước mưa sẽ làm mờ kính và phải dùng cần gạt nước để gạt sạch, nhưng với kính xe phủ sơn nano nước mưa sẽ chuồi đi nên kính rất trong.
Dù sơn nano không khó nhưng vẫn đòi hỏi người thợ phải có tay nghề. Nếu đã làm trong nghề sơn ôtô thì chỉ cần huấn luyện thêm hai ngày là có thể làm được. Với người sử dụng, tùy theo giá trị của chiếc xe mà quyết định có nên phủ thêm nano hay không.
Nói về sơn nano, PGS.TS Huỳnh Quyền - giám đốc Trung tâm Công nghệ lọc hóa dầu ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), phân tích thêm sơn nano thông thường có bốn thành phần chính: polymer hoặc nhựa để tạo màng mỏng phủ lên bề mặt cần bảo vệ.
Đây là thành phần chính của sơn, thông thường người ta hay dùng polyurethane hay nhựa epoxy. Thành phần thứ hai là dung môi như nước hoặc dung môi hữu cơ. Thành phần thứ ba là chất tạo màu (pigments) là một thành phần rắn tồn tại trong sơn để chống tia cực tím, tạo độ cứng, màu sắc của sơn... Và thành phần cuối cùng là phụ gia của sơn, thành phần này được bỏ vào sơn rất ít để thay đổi một số đặc tính của sơn như bảo vệ bề mặt trong môi trường chống ăn mòn...
Với sơn nano, trong thành phần thứ ba, người ta sẽ sử dụng các oxit kim loại chống lão hóa, chống tia cực tím... có kích thước nano như các oxit sắt, oxit titan, oxit kẽm, oxit crôm, carbon đen... vào để tạo bề mặt rất mịn, rất bóng có tác dụng giảm bám bụi, phản xạ hấp thu tia cực tím. Về mặt khoa học là hoàn toàn hợp lý và người ta đã nghiên cứu việc phủ sơn nano lên các lớp kính xây dựng các tòa nhà để tránh bám bụi, giảm việc lau rửa kính.
Tuy nhiên, cần lưu ý hiện nay phủ nano còn rất đắt, để phủ một chiếc ôtô bốn chỗ tốn hơn 7 triệu đồng mà nếu va chạm khi sử dụng, phải đi sơn lại chỗ va chạm với chi phí không dưới 1 triệu đồng. Mặt khác, rất khó phân biệt giữa sơn nano và sơn bình thường bằng mắt thường, phải sau khi sử dụng từ ba đến năm năm mới có thể biết được có phải đã sơn phủ nano hay không, vì sơn nano sẽ ít biến đổi màu và ít bám bụi hơn sơn bình thường.
Nano là gì? Nano là một đơn vị đo siêu nhỏ, như một nano giây là một khoảng thời gian bằng một phần tỉ của một giây. Còn nano mà người ta thường nói hiện nay là nano mét, tức một phần tỉ của một mét. Nói vật liệu nano hay thiết bị nano là nói đến kích thước cỡ nano, kích thước của vật liệu nano thường từ vài nanomet đến vài trăm nanomet. Công nghệ nano là tổng hợp và sử dụng các loại vật liệu, thiết bị, hay kể cả các hệ thống có kích thước cỡ nano (một phần tỉ mét). Một phân tử nước có đường kính khoảng 0,3nm, tế bào bình thường của con người cỡ khoảng 20.000 nm và độ dày một sợi tóc là 80.000 nm (0,08mm), tức một nano chỉ bằng 1/80.000 độ dày của sợi tóc con người. Nano hiện được áp dụng trong rất nhiều ngành như CNTT, vật liệu mới, robotic, mỹ phẩm, thuốc, năng lượng và lưu trữ dữ liệu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận