Theo Đài CNN, những thiết bị điện tử theo dõi hành lý đã xuất hiện như cứu tinh của hành khách trong thời điểm các sân bay quá tải bởi du lịch bùng nổ hậu đại dịch COVID-19.
Trước đây, nhiều sân bay và hãng hàng không đã lựa chọn giải pháp cắt giảm bớt nhân sự để giải quyết khó khăn sau đại dịch.
Tuy nhiên, chính điều này đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn vì lượng hành khách và hành lý ngày càng nhiều tại một số sân bay trên thế giới.
Theo số liệu của Hiệp hội Viễn thông Hàng không quốc tế (SITA), tỉ lệ xử lý những sai phạm trong khâu vận chuyển hành lý năm 2022 đã tăng lên thêm 74,7% so với năm trước đó.
Cụ thể, trung bình 1.000 hành lý được đưa lên máy bay thì có 7,6 kiện hành lý bị mất trong năm 2022. Con số này cao hơn nhiều so với tỉ lệ 4,35 trên tổng số 1.000 kiện hành lý bị mất năm 2021.
Ngoài ra, số lượng hành lý trên các chuyến bay quốc tế bị sai phạm nhiều hơn gấp 8 lần so với hành lý trên các chuyến bay nội địa (tại Mỹ).
Ông Thomas Romig, phó chủ tịch phụ trách về an toàn, an ninh và các hoạt động sân bay của Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI), phân tích trong một báo cáo cho thấy việc bùng nổ du lịch đột ngột sau đại dịch cũng như thiếu nhân viên mặt đất đã khiến các sân bay bị quá tải.
Bên cạnh đó, ông Rory Boland, biên tập viên của tạp chí du lịch Which? Travel, dự đoán còn nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn về những hành lý thất lạc diễn ra trong năm nay.
Không những vậy, tình trạng này còn có thể tồi tệ hơn khi ngành du lịch bước vào giai đoạn cao điểm trong mùa hè.
Vì thế, theo quan điểm của ông Boland, những thiết bị theo dõi hành lý là vô cùng cần thiết. Chúng có thể giúp các hành khách tìm ra hành lý của mình nhanh hơn.
Lợi ích của thiết bị theo dõi hành lý
Bà Emily McNutt, biên tập viên du lịch cấp cao của kênh CNN Underscored, nhận định: “Thẻ theo dõi hành lý đã giúp du khách an tâm. Thiết bị giúp họ biết được tài sản của mình đang ở đâu”.
Cũng theo bà Emily, nhiều năm trước mọi người thường chỉ đợi các hãng hàng không thông báo cho họ biết về vị trí của hành lý. Chính điều này khiến họ khó xác định vị trí tài sản của mình.
Mặc dù thẻ hành lý vẫn chưa thật sự hoàn hảo, chúng đã giúp các du khách biết được chính xác vị trí hành lý của họ.
Điển hình như câu chuyện của anh Elliot Sharod, một trong những người đầu tiên chia sẻ hành trình tìm lại hành lý của mình nhờ vào thẻ hành lý.
Cụ thể, tháng 4-2022, anh Elliot và vợ đã thất lạc một chiếc túi khi đang trên đường trở về sau khi tổ chức đám cưới ở Nam Phi.
Liệu thiết bị này có an toàn?
Mặc dù mang lại khá nhiều lợi ích, ngành hàng không dường như vẫn đang loay hoay với câu hỏi liệu thiết bị theo dõi hành lý có thật sự an toàn hay không.
Pin lithium có trong các thiết bị theo dõi hành lý cũng là loại vật liệu bị cấm mang lên máy bay. Loại pin này chính là nguyên nhân của một số vụ cháy.
Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), chỉ từ đầu năm 2023 đến nay đã có 25 sự cố hàng không do pin lithium gây ra.
Cũng chính vì thế, hãng hàng không quốc gia Lufthansa (Đức) và hãng hàng không quốc gia Air New Zealand (New Zealand) đã cấm sử dụng một số loại thiết bị theo dõi hành lý.
Theo FAA, các thiết bị theo dõi có chứa ít hơn 0,1 gam lithium vẫn được chấp nhận trong hành lý ký gửi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận