13/05/2018 15:01 GMT+7

Phụ huynh xỏ giày theo con, cháu ra sân đá bóng

HỮU CHƠN
HỮU CHƠN

TTO - Vừa rồi, tôi dành trọn kỳ nghỉ phép năm về miền Trung thăm quê. Thật không ngờ quyết định này đã mang đến cho tôi những điều thú vị qua việc chơi đá bóng ở quê nhà.

Phụ huynh xỏ giày theo con, cháu ra sân đá bóng - Ảnh 1.

Hãy cùng chơi, trở thành người bạn tốt và là chỗ dựa tinh thần cho trẻ - Ảnh: H.CHƠN

Chẳng biết có phải nhờ hiệu ứng thành công từ đội tuyển U23 Việt Nam không mà lần này về quê, tôi thấy nhiều trẻ em mê đá banh. Mùa hè ở miền Trung đến 17h nắng vẫn còn gắt, nhưng đi học về là nhiều em nhỏ (có cả các em gái) lại í ới gọi nhau đi đá banh.

"Sân" bóng đá ở đây không khó tìm như tại các thành phố lớn. Một đám ruộng vừa gặt xong, một khoảng đất trống của ai đó đã phát quang nhưng chưa trồng cấy gì... đều có thể trở thành nơi diễn ra các trận đấu sôi nổi và hoàn toàn miễn phí.

Càng về chiều, số lượng "cầu thủ nhí" đến tranh tài càng đông hơn. Có nhiều địa điểm phải lập thành bốn đội luân phiên vào sân, mỗi lần 20 phút mới đủ đáp ứng.

Điều tôi thấy vui hơn là nhiều phụ huynh cũng hăng hái xỏ giày theo con, cháu ra sân. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong thành phần mỗi đội đều hiện diện đủ mọi lứa tuổi, từ các "tài năng trẻ" U8 đến những "lão tướng" U40. Ngay cả một người đã qua tuổi tứ tuần như tôi vẫn tham gia.

Kết thúc trận đấu, tất cả ngồi nghỉ mệt và "bồi dưỡng" sức khỏe bằng xô trà đá to đặt giữa sân bóng. Nhiều câu chuyện xoay quanh trái bóng tròn cùng các sự kiện liên quan đến môn thể thao "vua" cả trong nước và thế giới được bàn luận rôm rả. Từ người lớn đến trẻ em đều được xả stress, vừa lành mạnh lại vừa tốt cho sức khỏe.

Gần một tháng trời miệt mài với quả bóng, tôi giảm cân khá nhiều, ăn ngủ ngon mà không phải dùng bất cứ loại dược phẩm nào.

Cũng như nhiều nơi khác, quê tôi giờ đây không thiếu Internet và điện thoại thông minh. Tuy nhiên, do các bậc phụ huynh đều quan tâm và nghiêm khắc nhắc nhở con cái sử dụng mạng chỉ nhằm phục vụ mục đích học tập, nên cũng ít thấy trẻ ôm máy tính, điện thoại chơi game hoặc "chat".

Mỗi buổi chiều và ngày nghỉ, người lớn hô hào con em mình chơi thể thao. Làm bạn và cùng chơi với trẻ khiến chúng tôi cũng được "trẻ" ra. Nhưng quan trọng nhất là giúp người lớn gần gũi trẻ hơn, hiểu các em để biết cách khuyên nhủ, hướng con em mình vào những hoạt động, thú vui bổ ích.

Lúc trẻ em rảnh rỗi, các phụ huynh khuyến khích con đọc sách. Điều này giúp trẻ không bị lãng phí thời gian.

Tuy đã trở lại TP.HCM, song thỉnh thoảng tôi vẫn được "đồng đội" ở quê nhà gọi điện hỏi có tiếp tục duy trì đá banh không. Tôi khoe mình đã "chiêu mộ" được nhiều trẻ em hàng xóm thuê sân bóng đá mini cỏ nhân tạo gần nhà để đá bóng mỗi tuần ba buổi. Tôi cũng rất vui khi được nghe tin phong trào thể dục thể thao ngoài ấy vẫn "liên tục phát triển".

Tôi từng nghe nhiều người than thở trẻ em ngày nay khó bảo, lại sống khép kín và thích vùi đầu vào "thế giới phẳng". Than nhưng các vị phụ huynh này cũng cần hỏi lại: Mình đã sống cùng con, "thở" cùng con hay chưa để là người bạn tốt, chỗ dựa tinh thần cho trẻ mỗi khi chúng gặp vấn đề về tâm sinh lý? Nếu thiếu sự tư vấn của người thân, trẻ phải "tra cứu" từ mạng xã hội và tự ý áp dụng thì sẽ rất nguy hiểm.

Không phải ngẫu nhiên khi nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn trẻ em trở nên sa sút về học tập, đạo đức có nguyên nhân từ sự thiếu quan tâm của người thân. Vì vậy, việc hi sinh một phần sở thích cá nhân để làm bạn với con là việc rất cần thiết ở những bậc phụ huynh, bởi việc hình thành cho trẻ những thói quen mang ý nghĩa tích cực là nghệ thuật của người lớn.

Họp phụ huynh, giật mình nghe ước mơ con trẻ

TTO - 'Ba ơi, hè này con muốn về quê thăm bà nội vì con nhớ bà, nhớ cánh đồng quê thơm mát...Con sẽ cố gắng được điểm 10 để ba dẫn con về quê chơi', cô giáo đọc ước mơ một học sinh cuối buổi họp phụ huynh.

HỮU CHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên