Phụ huynh được chuyên gia hướng dẫn cách sơ cứu trẻ khi gặp nạn - Ảnh: THANH VÂN
Lần đầu được học cách sơ cứu trẻ trong những tình huống nguy hiểm: hóc dị vật, đuối nước, điện giật, trẻ bị chó cắn… hàng trăm phụ huynh và giáo viên Trường mầm non 15 (Tân Bình, TP.HCM) hào hứng thực hành dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.
Thậm chí, nhiều phụ huynh còn đề xuất chuyên gia hướng dẫn xử trí những tai nạn trẻ dễ gặp phải khi về quê đón tết cùng cha mẹ như bị rắn cắn, bị té ngã nguy hiểm.
Nhiều tiếng "ồ, à" bật lên khi phụ huynh nhận ra bấy lâu mình đã xử lý sai cách. Theo chuyên gia, khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ không cố móc họng trẻ làm tổn thương các cơ quan hô hấp vì sẽ khiến dị vật càng chui sâu vào đường thở. Thay vào đó, một tay giữ trẻ, một tay vỗ mạnh lòng bàn tay vào chỗ giữa hai xương bả vai… rồi sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Khi trẻ bị bỏng, nhiều ông bà, cha mẹ thường dùng các loại lá cây, mỡ động vật, kem đánh răng bôi vào nhằm xoa dịu vết bỏng. Cách làm sai lầm này dễ gây nhiễm trùng cho trẻ. Cách sơ cứu đúng là nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước sạch chảy chậm trong khoảng 15 phút, sau đó dùng gạc y tế hoặc vải sạch che phủ vùng bỏng trước đi đưa đến bác sĩ.
Chuyên gia trao đổi với phụ huynh cách sơ cứu trẻ khi gặp nạn - Ảnh: THANH VÂN
Vừa thực hiện thao tác xử lý khi trẻ bị bỏng, chị Đoàn Thị Bích Hạnh (phụ huynh lớp lá) vừa chia sẻ: "Đây là những kỹ năng thiết thực mà cha mẹ nào cũng cần nắm rõ. Tôi sẽ cùng con thực hành những kỹ năng này cho thuần thục, hướng dẫn con phòng tránh những tai nạn".
"Tai nạn thương tích gây tử vong cao ở trẻ mầm non có nguyên nhân cha mẹ chưa được hướng dẫn đúng cách trong sơ cứu ban đầu, trước khi đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu. Đặc biệt dịp lễ tết, nhiều trẻ được đi chơi, về quê... Việc trang bị những kỹ năng sơ cấp cứu này cho cha mẹ là điều hết sức thiết yếu để tạo môi trường an toàn cho con trẻ" - cô Trần Thị Thanh Vân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận