"Kỹ năng sống cho học sinh tiểu học" khác với 9 cụm từ khóa trong xu hướng tìm kiếm nổi bật ở chủ đề "Kỹ năng", bao gồm những kỹ năng mềm như "Kỹ năng đàm phán trong kinh doanh", "Kỹ năng lãnh đạo quản lý", "Kỹ năng giao tiếp với khách hàng"…
Lo con mê điện thoại, mẹ lên mạng học cách dạy con kỹ năng sống
Chị Mai Hoa (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết cách đây ít tháng, con gái 6 tuổi bắt đầu đến trường, chuyển môi trường học mới khiến chị rất lo. Vì vậy, ngoài việc dành thời gian trò chuyện, quan tâm, quan sát con trước, trong và sau mỗi buổi học thì chị còn lên mạng đọc rất nhiều thông tin về "kỹ năng sống cho học sinh tiểu học".
Nỗi lo đến từ nhiều phía, nhưng chị Hoa sợ nhất việc con gái bị cô lập, ít giao tiếp với bạn bè trong lớp. Nguyên nhân cũng được chị chỉ ra, bắt nguồn từ sở thích xem tivi, điện thoại của con.
"Tôi cũng hạn chế nhiều việc con được xem điện thoại, tivi nhưng con bé ít nói chuyện lắm, nên cũng lên tìm đọc xem có cách nào để gỡ rối không", chị Hoa nói.
Chị Ngọc Thương (34 tuổi) nói cũng từng lên mạng tìm đọc về các kỹ năng sống để dạy rèn con trai đang học lớp 3. Bên cạnh niềm vui khi thấy con khỏe mạnh, hoạt bát, điều làm chị canh cánh trong lòng đến từ việc con trai chưa biết giữ bình tĩnh, thường sẽ la hét, gào khóc mỗi khi gặp khó hay bực tức.
"Không những tìm đọc, tôi đang cho bé theo học một số khóa học về kỹ năng sống, vì tôi biết vấn đề con mình", chị Thương nhắn.
Người Việt thay đổi nhận thức về giáo dục, cốt là rèn từ sớm
Tuổi Trẻ Online trò chuyện cùng tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - thành viên Ban tư vấn chính sách, pháp luật cho thanh thiếu nhi của Trung ương Đoàn, để hiểu thêm về xu hướng trên.
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An nhận định việc từ khóa "kỹ năng sống cho học sinh tiểu học" xuất hiện trong xu hướng tìm kiếm của người Việt năm 2024 phản ánh sự thay đổi trong nhận thức về giáo dục, đặc biệt là ở lứa tuổi tiểu học.
Dưới góc nhìn của mình, anh nói rằng có một số lý do chính khiến cụm từ này trở thành xu hướng.
Đầu tiên đến từ thay đổi trong định hướng giáo dục. Khi hiện nay, giáo dục không chỉ tập trung vào kiến thức học thuật mà còn chú trọng đến phát triển toàn diện, bao gồm cả kỹ năng sống. Các bậc phụ huynh và nhà trường nhận thức rõ rằng, ngoài việc học văn hóa, học sinh còn cần được trang bị những kỹ năng để có thể đối mặt với các thử thách trong cuộc sống như giao tiếp, quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề và ra quyết định. Điều này giúp các em phát triển không chỉ về trí tuệ mà còn về mặt tinh thần và xã hội.
Ở Việt Nam, phụ huynh, giáo viên ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc dạy kỹ năng sống cho học sinh ngay khi còn nhỏ. Những kỹ năng này giúp các trẻ xây dựng nền tảng vững chắc cho cuộc sống sau này, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp và thay đổi nhanh chóng.
Theo tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, việc đào tạo kỹ năng sống cho học sinh tiểu học đang là một phần trong các cải cách giáo dục tại Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bắt đầu chú trọng hơn đến việc phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, không chỉ giới hạn trong các môn học chính thức, mà còn thông qua các hoạt động ngoại khóa, chương trình học bổ trợ.
Trong khi xã hội và môi trường thay đổi, cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội, trẻ em ngày nay phải đối mặt với nhiều áp lực và thử thách mới mà trước đây ít gặp.
"Vì vậy việc trang bị cho các em kỹ năng sống sẽ giúp các em tự tin hơn, có khả năng đối phó với các tình huống trong cuộc sống, đồng thời bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất", tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An nói.
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng hiện việc đào tạo kỹ năng sống cho học sinh tiểu học ở Việt Nam đang dần được các trường học chú trọng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức trong việc triển khai chương trình này một cách hiệu quả, như thiếu nguồn lực, thiếu giáo viên được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng sống, và chưa có một chương trình chuẩn hóa thống nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận