Học sinh Trung Quốc trong lớp học - Ảnh: XINHUA
Hiện nay, nhiều gia đình trung lưu ở Trung Quốc đã chuyển ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội giáo dục cho con cái. Họ coi đó như một cách thoát khỏi "gaokao" - kỳ thi tuyển sinh đại học siêu cạnh tranh của Trung Quốc, theo báo South China Morning Post.
Đông Nam Á, với các trường quốc tế liên kết với một số đại học danh tiếng của phương Tây, chính là bệ phóng cho những ước mơ đó.
Ông Jenson Zhang - người sáng lập Vision Education, một cơ quan giáo dục có trụ sở tại Chiang Mai, Thái Lan - cho biết: "Hầu hết các gia đình Trung Quốc chúng tôi tư vấn đều hướng tới mục tiêu nhập học vào các trường đại học quốc tế phương Tây liên kết trong khu vực".
Những "ứng cử viên" sáng giá được họ chọn là Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Theo báo cáo năm 2022 của New Oriental, một nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân hàng đầu tại Trung Quốc, làn sóng học tập ở Mỹ đã giảm trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang và những lo ngại như bạo lực súng đạn và phản ứng với COVID-19 của Mỹ.
Báo cáo cho thấy chất lượng giáo dục và an toàn cá nhân là hai yếu tố được sinh viên Trung Quốc cân nhắc hàng đầu khi quyết định địa điểm du học, dù ở cấp trung học hay đại học.
Chỉ 30% người được hỏi chọn Mỹ là lựa chọn đầu tiên của họ trong năm nay, giảm so với mức gần 50% vào năm 2015.
Trong nửa đầu năm 2022, Mỹ chỉ cấp 31.055 thị thực du học F-1 cho công dân Trung Quốc, giảm so với mức 64.261 thị thực của cùng kỳ năm 2019.
Trái lại, các điểm đến Đông Nam Á đã trở thành địa điểm học tập khả thi cho sinh viên Trung Quốc.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy năm 2021, có 19.202 sinh viên Trung Quốc đăng ký du học Malaysia, tăng hơn 150% so với năm trước (8.876 ứng viên).
Theo ông Jenson Zhang, Thái Lan cũng nổi lên là một lựa chọn hợp lý vì học phí quốc tế rẻ hơn, dao động từ 40.000 - 80.000 nhân dân tệ/năm.
"Chúng tôi đang nhắm mục tiêu các gia đình có thu nhập khả dụng từ 200.000 - 300.000 nhân dân tệ/năm. Trong khi giáo dục quốc tế ở Mỹ hoặc Anh sẽ đòi hỏi một khung giá trên 600.000 nhân dân tệ/năm", ông Zhang nói.
Một nghiên cứu của Đại học Kasetsart (Thái Lan) vào năm 2022 cho thấy sinh viên Trung Quốc là nguồn du học sinh quốc tế chính ở Thái Lan kể từ năm 2006, chiếm tỉ lệ 40%. Con số đó tăng gấp đôi trong vòng 9 năm từ 5.611 sinh viên vào năm 2009 lên 11.993 sinh viên vào năm 2019.
Chất lượng giáo dục đại học cũng là yếu tố thu hút phụ huynh Trung Quốc. Ông Jason Tan, giáo sư Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore (NTU), cho biết các trường đại học của đất nước này xếp hạng trong nhóm hàng đầu ở châu Á và trên toàn cầu đã hấp dẫn các gia đình khá giả từ Trung Quốc.
Làn sóng di cư giáo dục 'không thể kết thúc'
Giáo sư Aaron Koh ở Đại học Hong Kong cho biết chính những thay đổi chính sách ở đại lục là nguyên nhân quan trọng dẫn đến làn sóng di cư giáo dục.
Các nhà lập pháp Trung Quốc gần đây đã đề xuất cắt giảm giờ học tiếng Anh trong trường học, mà được nhiều người hiểu là một nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng của phương Tây. Sau khi gây ra phản ứng dữ dội trên mạng, Bộ Giáo dục tuyên bố sẽ từ chối đề xuất, nhưng nhấn mạnh vào việc "quảng bá văn hóa Trung Quốc".
Theo ông Koh, việc giảm giờ tiếng Anh sẽ thúc đẩy các bậc cha mẹ trung lưu gửi con cái họ ra nước ngoài học tập. Trước mắt họ chuyển sang Đông Nam Á để con học bậc trung học. Họ tận dụng lợi thế của việc sử dụng tiếng Anh phổ biến ở Singapore, Malaysia và liên kết với các thương hiệu giáo dục được công nhận trên toàn thế giới. "Đây sẽ là một xu hướng tiếp tục", ông Koh nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận