Phụ huynh đặt câu hỏi với Th.S Tô Nhi A tại hội thảo - Ảnh: H.HG
Th.S Nhi A cho biết: "Tôi tin là tất cả các ông bố, bà mẹ khi so sánh con mình với con nhà người ta đều xuất phát từ một mục đích tích cực: muốn con mình tốt hơn, cố gắng hơn. Nhưng việc so sánh như vậy là một sai lầm, khiến cho trẻ bị tổn thương.
Một phụ huynh có con đang học lớp 5 đã tâm sự với tôi rằng chị không biết phải làm sao khi con chị đã cãi lại mẹ rằng: "Mẹ có phải là mẹ người ta đâu mà đòi con phải như con người ta?" - câu chuyện của Th.S Nhi A khiến cho cả hội trường cuời ồ.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng thừa nhận: "Câu chuyện trên đáng để tôi phải suy nghĩ vì bản thân tôi cũng hay so sánh con mình với các bạn của cháu. Mình không thể ngờ việc so sánh ấy lại khiến cho con trẻ khó chịu đến như vậy" - chị Mỹ Huyền, phụ huynh ở phường 12, Q.Gò Vấp tâm sự.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Viện Di truyền y học cũng thông tin: "Mỗi đứa trẻ có gen di truyền khác nhau nên sẽ có khả năng về thể chất, trí tuệ khác nhau. Các phụ huynh cần hiểu con mình để định hướng cho trẻ về học tập, rèn luyện,...một cách phù hợp nhất với chính năng khiếu của trẻ; đừng bắt con mình phải giỏi như con nhà người ta".
Tại hội thảo, nhiều phụ huynh đã liên tiếp đặt câu hỏi cho các chuyên gia về phương pháp nuôi dạy con, trong đó có câu hỏi: "Con tôi rất thích học võ thuật và tôi đã cho cháu đi học, cháu được thầy khen là học rất tốt, có năng khiếu,...Nhưng ở trường phổ thông, con tôi lại học rất dở. Xin hỏi là tôi phải làm sao để cháu quên võ thuật đi, tập trung vào việc học văn hóa?".
Các phụ huynh đưa ra rất nhiều thắc mắc trong hành trình dạy con tại hội thảo - Ảnh: H.HG
Th.S Tô Nhi A trả lời: "Cháu có năng khiếu và học võ thuật tốt thì phụ huynh phải vui chứ. Các bậc cha mẹ đừng quá kỳ vọng là con mình phải giỏi tất cả mọi thứ. Nếu cháu đã có năng khiếu về võ thuật thì đừng yêu cầu cháu phải đạt 10 điểm các môn văn hoá.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, phụ huynh nên nói chuyện với con rằng: mẹ thấy con còn khó khăn ở những môn này, môn này,...và con cần cố gắng hơn. Phụ huynh cũng cần giải thích cho con hiểu: để trở thành một võ sư hay một vận động viên thì trước hết phải hoàn thành bậc học phổ thông; hoặc khi đi thi đấu ở nước ngoài thì phải biết tiếng Anh,...".
Th.S Tô Nhi A cũng đưa ra lời khuyên: "Các phụ huynh đừng định kiến rằng con mình học dở. Suốt ngày ba me cứ chê con học dở thì làm sao trẻ đi học cảm thấy vui vẻ được".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận