Mới đây, tôi có mời phụ huynh một cậu học trò vô lễ với thầy giám thị đến trường. Đầu tiên, mẹ cậu một mực bênh vực con, đổ hết lỗi về phía thầy cô. Sau đó, khi thấy thái độ cương quyết xử lý kỷ luật của nhà trường, chị này lại dùng đến chiêu “ăn vạ” khóc lóc, năn nỉ xin “giảm án” cho con (trong khi cậu học sinh kia vẫn dửng dưng như không phải chuyện của mình).
Một giáo viên khác lại gặp trường hợp khó xử theo cách hoàn toàn trái ngược. Khi được mời để phối hợp xử lý vi phạm của học sinh, chị phụ huynh đã không tiếc lời mắng chửi con mình thậm tệ (dù con chị đã là một nữ sinh lớp 11 và trong phòng lúc đó có mặt khá nhiều giáo viên). Nhưng dường như vẫn chưa “đã”, người mẹ này còn lao vào dạy con bằng... hai cái tát nổ đom đóm. Và nếu không có sự can thiệp của các thầy cô cùng nhân viên bảo vệ, không biết hậu quả của “phương pháp giáo dục” kia sẽ còn đến đâu.
Rồi chuyện mẹ của một học sinh nhuộm tóc được cô chủ nhiệm mời đến lại ngồi khoe về mái đầu đủ màu xanh đỏ của mình; nữ sinh cố ý “xén” váy cao quá đầu gối thì cha mẹ “tuyên bố” với thầy cô giám thị, chủ nhiệm rằng như vậy mới hợp mốt, mới sành điệu...
Rất nhiều lần giáo viên chúng tôi chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm trước sự bảo thủ, bất hợp tác hay cách cư xử thiếu chừng mực, kiềm chế, thiếu tôn trọng người khác của “những phụ huynh cá biệt” này.
Đáng nói hơn, theo tôi, khi các bậc làm cha làm mẹ hành động như vậy, vô tình họ đã “dạy” cho con mình những “bài học” không tốt về thái độ ứng xử hằng ngày. Người lớn chúng ta hay khuyên bảo, răn đe con em những điều hay lẽ phải như lễ phép, trung thực, dũng cảm nhận lỗi và xin lỗi khi sai quấy. Tuy nhiên trong mỗi lời nói, việc làm hằng ngày, thiết nghĩ những bậc phụ huynh cũng nên tự răn mình để con em họ học theo tấm gương biết tôn trọng mọi người và tôn trọng chính mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận