Chiều 3-10, UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý 3-2024 tại thủ đô. Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng chủ trì buổi họp báo.
Tại cuộc họp, nhiều câu hỏi liên quan tới các vấn đề dư luận quan tâm được các cơ quan báo chí đặt ra để gửi tới UBND TP, các sở, ngành, quận huyện TP Hà Nội.
Liên quan khắc phục hậu quả sau bão số 3, đặc biệt vấn đề cây xanh gãy đổ, phóng viên báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi:
"Sau khi bão số 3 đổ bộ, theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội có hơn 40.000 cây xanh bị gãy đổ, gãy cành, đây là một thiệt hại rất lớn với thủ đô. Tuy nhiên sau bão, nhiều bất cập trong việc trồng và quản lý, chăm sóc cây xanh của Hà Nội cũng được bộc lộ rõ.
Hình ảnh ghi nhận cho thấy nhiều cây trồng thậm chí không có rễ, nhiều cây xanh còn để nguyên bầu, không tháo lớp vải quấn bầu, khiến cây rất khó sinh trưởng. Xin được gửi câu hỏi tới Sở Xây dựng Hà Nội và Công ty Công viên cây xanh TP tại sao lại để xảy ra tình trạng trên?
Quy trình quản lý, trồng và chăm sóc cây xanh tại Hà Nội được theo dõi, giám sát như thế nào? Liệu có việc buông lỏng giám sát, quản lý việc trồng, chăm sóc cây xanh dẫn tới cây xanh trồng còn để nguyên bầu như thế hay không? Trách nhiệm của các đơn vị liên quan như thế nào?
Điều hành buổi họp báo, chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty Công viên cây xanh TP trả lời câu hỏi mà báo Tuổi Trẻ đặt ra.
Cây trồng nhưng không tháo vỏ bao xi măng, ni lông ở rễ
Ông Nguyễn Đức Hưng - giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết công tác trồng cây đã được UBND TP Hà Nội quy định rõ. Trong đó quy định về kích thước hố, kích thước bầu, độ sâu hố...
Sở Xây dựng Hà Nội nói về việc trồng cây xanh còn nguyên bầu bọc rễ
Về tổng hơn 40.000 cây gãy đổ, ông Hưng nói có 11.756 cây do TP quản lý. Trong đó Hà Nội cứu được là 4.103 cây, gồm 3.513 cây được dựng lại ngay tại chỗ sau khi đổ và 608 cây được mang về vườn ươm để trồng lại.
"7.635 cây gãy, đổ không cứu được đã được cắt thành các khúc gỗ ngắn mang về kho chờ đấu giá. Riêng cây quý hiếm, cây lịch sử và cây cổ thụ có 98 cây bị gãy đổ. Trong đó cây quý hiếm, cây lịch sử là 35 cây bị gãy đổ, cứu được 33 cây" - ông Hưng thông tin.
Về các cây xanh không gỡ bỏ bầu cây khi trồng, theo ông Hưng, năm 2014 Sở Xây dựng từng rà soát, tìm những cây còn nguyên bầu khi trồng. Năm 2024, sau bão số 3 đổ bộ, gió lớn khiến nhiều cây gãy đổ cho thấy thực tế vẫn còn tình trạng cây xanh không gỡ bầu khi trồng.
"Đợt bão số 3 cũng là một đợt thử. Chúng tôi thống kê được có 12 cây có bầu, trong đó có 7 cây có bầu lưới, thuộc diện không tiêu hủy được, 5 cây bọc ni lông và vỏ bao xi măng khi trồng. Những cây bọc như thế này không phát triển được, cho nên rất dễ đổ" - vị lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội thông tin.
Truy tìm chủ đầu tư
Về trách nhiệm của các đơn vị liên quan khi để xảy ra tình trạng trên, vị đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết việc đầu tư trồng cây thì "Sở Xây dựng không làm", sở chỉ duy tu duy trì sau khi cây đã trồng xong.
"Nói ngắn gọn, Sở Xây dựng chỉ cắt cây, tỉa cành, tưới cây. Nhưng đây là việc Sở Xây dựng quản lý chuyên ngành, nên chúng tôi phải chịu trách nhiệm.
Năm 2014 đã rà soát một lần, lần này chúng tôi truy tìm chủ đầu tư, để chủ đầu tư tiếp tục yêu cầu nhà thầu thực hiện trách nhiệm của mình. Sau trận bão lớn như bão số 3 vừa qua thì các cây trồng phi kỹ thuật như thế này gần như đổ hết" - vị này nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận