20/10/2014 14:57 GMT+7

​Phóng viên phương Tây sợ Ebola hơn bom đạn

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Đối với nhiều nhà báo phương Tây đang dấn thân ở Tây Phi để tường thuật về đại dịch Ebola, virút tử thần này đáng sợ hơn nhiều so với bom đạn chiến trường.

Các phóng viên địa phương và nước ngoài phỏng vấn một bác sĩ bên ngoài một trung tâm chữa trị Ebola ở Monrovia, Liberia - Ảnh: SFGate
Các phóng viên địa phương và nước ngoài phỏng vấn một bác sĩ bên ngoài một trung tâm chữa trị Ebola ở Monrovia, Liberia - Ảnh: SFGate

Cùng với chuyên gia y tế và nhân viên cứu trợ, các nhà báo phải có mặt ở hiện trường đại dịch Ebola để tác nghiệp. Nhưng không phải ai cũng đủ can đảm làm điều đó.

“Chúng tôi tìm phóng viên tình nguyện đi Iraq hay CH Trung Phi dễ hơn nhiều so với đi Tây Phi” - AFP dẫn lời nhà báo Claire Hedon thuộc hãng RFI, người vừa trở về từ Guinea.

Guinea, Liberia và Sierra Leone là “tâm chấn” của đại dịch Ebola, với hơn 4.500 người đã thiệt mạng. Ít nhất năm nhà báo địa phương đã qua đời vì Ebola, bao gồm ba người Liberia, hai người Sierra Leone.

Phóng viên Victor Kassim thiệt mạng cùng mẹ, vợ và hai con của ông.

Ba phóng viên cũng có tên trong danh sách nhóm tuyên truyền về Ebola bị dân làng hoảng loạn sát hại ở Guinea tháng trước.

Dẫu vậy, vẫn có hàng chục phóng viên phương Tây đến Tây Phi tường thuật về dịch Ebola. Chỉ có một người nhiễm virút là Ashoka Mukpo, phóng viên tự do Mỹ làm việc cho hãng NBC. Hiện ông đang trong quá trình phục hồi sức khỏe.

Phỏng vấn từ xa

Nhưng với những người đang có mặt ở thực địa, bị kẻ thù nhỏ bé và vô hình rình rập, mỗi một cuộc phỏng vấn cũng là một lần đối mặt với tử thần. “Một số phóng viên chiến trường không dám tình nguyện đi Tây Phi vì lo cho gia đình - nhà báo Sofia Bouderbala, phó tổng biên tập hãng AFP cho biết - Ebola là mối đe dọa vô hình. Còn ở vùng chiến sự bạn có thể nhìn thấy bom rơi”.

Tổng biên tập AP John Daniszewski cũng nhận định đưa tin về Ebola là một công việc cực kỳ căng thẳng đối với các nhà báo, bởi “bạn không thể nhìn thấy kẻ thù”.

Đối với các phóng viên có mặt ở Tây Phi, một trong những biện pháp an toàn hàng đầu là giữ khoảng cách. “Quy định cơ bản là không chạm vào bất cứ thứ gì hay bất cứ ai. Và hai tuần không chạm vào ai khiến bạn cảm thấy kỳ quái” - nhà báo Marc Bastian, người vừa trở về từ Liberia, cho biết.

“Chúng tôi mang theo hàng lít chất tẩy trùng. Hàng ngày chúng tôi tẩy trùng giày dép, rửa tay khoảng 40-50 lần. Phóng viên ảnh dùng ống kính tele để chụp người bệnh và có lần tôi phải hò hét để phỏng vấn một người từ khoảng cách xa 8 m” - ông Bastian kể.

Với các phóng viên truyền thanh, việc lấy thông tin là một nhiệm vụ không dễ dàng. Phó giám đốc RFI Yves Rocle cho biết các phóng viên của hãng phải dùng cần thu thanh để thu âm. “Chúng tôi cố gắng tiếp xúc trực tiếp. Tôi đã phỏng vấn một người bệnh ở khoảng cách 2m” - nhà báo Hedon của RFI kể.

Dù vậy, có những lúc các nhà báo đánh mất khả năng tập trung phòng vệ và mắc sai lầm có thể là chết người. “Bạn không thể giữ mãi sự đề phòng được. Có lúc bạn mất sự tập trung. Ở Tây Phi tôi đã bắt tay vài người” - nhà báo Hedon thừa nhận.

Cô đơn ở nhà

Nhưng những thử thách, khó khăn và mệt nhọc đối với các nhà báo tường thuật dịch Ebola không chấm dứt khi họ rời Tây Phi. Rất nhiều người khi trở về nhà phải đối mặt với sự sợ hãi và xa lánh của các đồng nghiệp và người thân. Họ phải tự sống cách ly một thời gian để biết chắc mình không bị nhiễm virút Ebola.

“Khi về nước bạn phải tự theo dõi nhiệt độ cơ thể trong vòng 21 ngày. Đây là quãng thời gian virút Ebola”  ủ bệnh. Trong thời gian này, bạn cô đơn, sợ hãi và lo thắt ruột với những dấu hiệu bệnh dù là nhỏ nhất” - nhà báo Guillaume Lhotellier, mới đến Liberia làm việc cho công ty sản xuất Elephant.

“Sinh hoạt xã hội của bạn cũng trở nên vô cùng tồi tệ. Có nhiều người không dám gặp hay bắt tay bạn kể cả khi bạn không bị sốt, không có triệu chứng bệnh và không lây nhiễm” - ông Lhotellier than thở. Người ta chỉ có thể nhiễm Ebola khi tiếp xúc với dịch cơ thể hoặc máu của người bệnh khi họ đã phát các triệu chứng bệnh.

Sự sợ hãi dẫn tới những hành động cực đoan. Do vợ quá sợ, phóng viên Johannes Dieterich của báo Thụy Sĩ Tages-Anzeiger phải ngủ trong phòng khách và không chạm vào ai trong suốt ba tuần sau khi về nhà. Nhiều tờ báo và hãng truyền thông đang phân vân với việc cách ly các phóng viên mới trở về từ Tây Phi.

Chỉ có BBC và AFP cho phép các phóng viên quay trở lại làm việc ngay lập tức. “Các phóng viên của chúng tôi tuân thủ các quy định an toàn rất nghiêm ngặt. Họ không phải là mối đe dọa đối với các đồng nghiệp vì không có triệu chứng bệnh. Chúng ta không nên hoảng loạn” - giám đốc  tin tức AFP Michele Leridon khẳng định. ‘

Trong khi đó AP yêu cầu các phóng viên mới về từ Tây Phi phải ở nhà trong ba tuần để “tránh sự mạo hiểm”.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên