30/04/2019 11:45 GMT+7

Phóng viên chiến trường Mỹ: 'Cuộc chiến này là sai lầm bên phía chúng tôi'

NHẬT ĐĂNG thực hiện
NHẬT ĐĂNG thực hiện

TTO - Khi chàng trai người Mỹ 23 tuổi Joseph Lee Galloway thuyết phục thành công UPI để được đến Việt Nam đưa tin về chiến tranh, ông không ngờ đó là khoảnh khắc đã thay đổi mãi mãi cuộc đời mình.

Phóng viên chiến trường Mỹ: Cuộc chiến này là sai lầm bên phía chúng tôi - Ảnh 1.

Joseph Lee Galloway - Ảnh: FREDERICK M. BROWN

Tôi có sự tôn trọng lớn lao đối với những người đã ngã xuống trong cuộc chiến. Họ chiến đấu cho đất nước của mình, họ hi sinh cuộc sống tươi đẹp cho những đồng đội. Tôi mến chào tất cả những con người ấy.

Galloway

Với tư cách phóng viên chiến trường của Hãng tin United Press International (UPI), một ngày đẹp trời tháng 11-1964, Galloway được "bật đèn xanh" chuyển tới Sài Gòn làm nhiệm vụ. Khi ấy ông mới 23 tuổi. 

Đặt chân tới Việt Nam với kinh nghiệm tác nghiệp báo chí chiến tranh là con số 0, Galloway vấp phải thử thách lớn nhất đời mình. Ông là người chứng kiến Sư đoàn 1 Không kỵ Mỹ (1st Cavalry Division) giao tranh với quân giải phóng trong trận Ia Drang, tỉnh Pleiku tháng 11-1965. 

Đây được xem là trận đánh quan trọng và mang tính chất xoay chuyển tình thế lúc bấy giờ, khơi mào cho những chiến tích khác dẫn tới chiến thắng giải phóng miền Nam.

Gần 54 năm qua đi, Galloway ở tuổi 77 đã chia sẻ cùng Tuổi Trẻ.

* Hãy bắt đầu với việc trở thành một phóng viên chiến trường. Không biết liệu ông đã bao giờ hối tiếc vì đã lao vào công việc nguy hiểm, đáng sợ nhưng cũng đầy cảm xúc này không, thưa ông?

- Tôi chưa bao giờ hối tiếc khi tình nguyện thành phóng viên chiến trường. Tất nhiên rất nguy hiểm khi lao vào vòng chiến cùng binh lính, chúng tôi và những binh lính bên cạnh mình đối diện cùng một nguy cơ. 

Tôi vẫn nghĩ rằng đó là một công việc quan trọng. Tôi ghi lại câu chuyện, hình ảnh của những người đàn ông trong chiến trường.

* Chiến tranh Việt Nam ắt là giai đoạn đáng nhớ nhất sự nghiệp của ông, đúng không? Nếu cho ông đúng một câu để mô tả về nó, ông sẽ nói gì?

- Tôi có bốn lần đến Việt Nam, gồm giai đoạn 1965-1966, năm 1971, 1973 và 1975. Tôi đã đưa tin về nhiều cuộc chiến, lần cuối cùng là năm 2006 ở Iraq. 

Nhưng hành trình đầu tiên của tôi ở Việt Nam vẫn sống trong ký ức, như 18 tháng quan trọng nhất sự nghiệp 43 năm đưa tin chiến trường của mình.

* Hơn 50 năm qua đi, ông nghĩ gì về chiến tranh, về chiến tranh Việt Nam?

- Dù đã nửa thế kỷ qua đi kể từ lần đầu đặt chân tới Việt Nam, tôi vẫn tin rằng cuộc chiến này là một sai lầm bên phía đất nước chúng tôi. 

Tôi kết luận như vậy rất rõ ràng khi đưa tin về cuộc chiến. Suy nghĩ của tôi ngày nay cũng y như những gì tôi đã có khi bắt đầu đưa tin về cuộc chiến vào mùa xuân năm 1965.

* Có thể ông đã nói rất nhiều lần về điều này rồi, nhưng đâu là ấn tượng lớn nhất và sâu sắc nhất về chiến tranh Việt Nam vẫn đọng lại nơi ông?

- Tác động lớn nhất đối với tôi từ cuộc chiến này xuất hiện vào tháng 11-1965, khi tôi cùng Sư đoàn Không kỵ số 7 đáp xuống bãi X-Ray ở thung lũng Ia Drang. Tiểu đoàn 400 người lập tức bị bao vây. 

Cuộc chiến diễn ra căng thẳng và gần như giáp lá cà. Hơn 80 lính Mỹ đã chết, 125 người bị thương trong 3 ngày, 2 đêm nơi chân núi Chư Pông, cách biên giới Campuchia 5 dặm. 

Trong tất cả những năm tháng sau đó, trong tất cả những cuộc chiến về sau mà tôi theo đuổi, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng nào tương tự như giai đoạn từ ngày 14 tới 16-11 ở Ia Drang về mức độ chiến đấu và lòng dũng cảm.

Phóng viên chiến trường Mỹ: Cuộc chiến này là sai lầm bên phía chúng tôi - Ảnh 3.

Bộ đội tranh thủ nghỉ đọc thư (ảnh chụp tại dãy Trường Sơn năm 1972) - Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

* Thực lòng mà nói, ngay sau những trải nghiệm đầu tiên như trên về chiến tranh Việt Nam, ông có nghĩ quân đội Mỹ sẽ thua không?

- Đầu năm 1965, tôi đã tin rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc tệ hại cho người Mỹ chúng tôi. Ý tưởng đưa quân tới chỉ trong vòng một năm chiến trận dường như quá nhiều thiếu sót. Trung bình quân đội phải mất cỡ một năm để học cách chiến đấu nơi ấy và đối thủ ấy.

 Vì vậy bạn có gửi quân tới thì cũng phải học lại từ đầu. Trong khi đó, quân của phía bên kia sẵn sàng hi sinh để giành chiến thắng. Đối với họ, đây không phải là cuộc chiến ngắn ngày rồi quay về nhà!

* Ông nghĩ gì về các binh lính Việt Nam? Suy nghĩ ấy của ông có thay đổi hay không, tính tới nay?

- Tôi có sự tôn trọng rất lớn dành cho cả quân đối phương. Điều này chưa bao giờ thay đổi kể cả khi đã qua nửa thế kỷ nhận thức muộn màng. Họ là những đối thủ rất xứng đáng.

* Quan hệ Việt Nam - Mỹ đã cải thiện trong nhiều năm nay, từ thù thành bạn. Ông Barack Obama cũng giúp tháo gỡ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, trong khi ông Donald Trump đã đến Việt Nam hai lần kể từ khi làm tổng thống. Ông nghĩ gì về triển vọng của mối quan hệ này?

- Đồng tác giả với tôi - trung tướng Hal Moore và tôi là những người ủng hộ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam từ rất lâu rồi. Chúng tôi yêu mến những người Việt Nam mà chúng tôi đã gặp trong và sau chiến tranh, và tôi tin rằng hai nước đều gặt hái lợi ích tốt nhất khi tiến vào mối quan hệ bình thường với nhau.

* Tôi biết ông đã trở lại Việt Nam vài lần. Vậy ông nghĩ gì về người Việt Nam? Điều gì ông thích nhất ở người Việt Nam?

- Từ đầu tôi đã biết mình rất tôn trọng những người Việt Nam mà tôi gặp. Họ cần cù, chăm chỉ. Ngay cả trong thời chiến, tôi đã thấy Việt Nam là đất nước xinh đẹp từ rừng núi cho tới biển cả. Tôi thậm chí đã thích ẩm thực Việt Nam.

Gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau những ký ức tại Ia Drang, ông Galloway trở nên thân thiết với trung tá Harold Gregory Moore - thường gọi là Hal Moore, người chỉ huy trận đánh ấy.

Ông Galloway và ông Moore đã từng quay lại Việt Nam và cùng viết cuốn sách We were soldiers once... and young: Ia Drang - The battle that changed the war in Vietnam (Chúng tôi từng là lính... và trẻ trung: Ia Drang - Trận đánh làm thay đổi chiến tranh Việt Nam).

Ông Galloway đã có ba lần gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những dịp ghé Hà Nội.

Ông kể: "Ông ấy (tướng Giáp) nói rằng chúng tôi nên ngồi xuống uống trà, và nên đến thăm Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội... Chúng tôi đã rất kinh ngạc về lịch sử Việt Nam.

Nó cho thấy có nhiều lần Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam, nhưng lần nào cũng vậy, người Việt Nam luôn đứng dậy và đánh bật người hàng xóm của mình.

Nó cho chúng tôi một góc nhìn mới về tính cách của người Việt Nam, những người đã trải qua chiến tranh liên miên nhưng chưa bao giờ bỏ cuộc".

Theo Galloway, một chi tiết khá thú vị là trong lần đầu ông được giới thiệu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng đã mỉm cười và nói: "À đây rồi! Ông là tay phóng viên mang súng trường đây mà!".

NHẬT ĐĂNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên