25/07/2017 21:13 GMT+7

Tỉnh cho nhà máy thép ô nhiễm hoạt động đến 2019, dân không chịu

THANH BA
THANH BA

TTO - Chiều 25-7, UBND thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đã tổ chức buổi đối thoại với người dân khối 7A (phường Điện Nam Đông) với mục đích thông báo kết luận của UBND tỉnh về việc giải quyết di dời Nhà máy thép Việt Pháp tại Cụm công nghiệp Thương Tín 1.

Người dân kiên quyết yêu cầu nhà máy thép Việt Pháp di dời ngay lập tức - Ảnh: Thanh Ba
Người dân kiên quyết yêu cầu Nhà máy thép Việt Pháp di dời ngay lập tức - Ảnh: Thanh Ba

Mở đầu buổi tiếp xúc với hàng trăm bà con khối phố hứng chịu bầu không khí ô nhiễm trầm trọng do Công ty TNHH thép Việt Pháp gây ra, ông Trần Úc (chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn) gửi đến toàn thể người dân nguyên văn thông báo của phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn.

Trong thông báo nêu rõ UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương di dời Nhà máy thép Việt Pháp khỏi Cụm công nghiệp Thương Tín 1.

Tuy nhiên, việc này phải có thời gian, lộ trình và cho phép nhà máy hoạt động đến trước ngày 31-12-2019.

Sau khi tiếp nhận thông tin trên, rất đông người dân đã bày tỏ sự phản đối bằng những cái lắc đầu ngao ngán. Không khí buổi đối thoại thực sự trở nên gay gắt khi các cánh tay của bà con sinh sống gần nhà máy thép liên tục giơ lên xin phát biểu.

Không kiềm chế nỗi bức xúc, ông Lê Tự Hát thẳng thắn tố cáo tình trạng ô nhiễm do nhà máy thép gây ra:

“Bắt đầu năm 2009, đơn vị này đến địa phương xây dựng cơ sở tinh luyện thép. Từ đó, xe vận chuyển phế liệu liên tục ra vào nhà máy phục vụ cho việc đun nấu thép.

Khói đen, mùi hôi thối bốc lên từ lò luyện thép lan tỏa đến khu dân cư khiến người dân chịu trời không thấu. Không ít lần, chúng tôi dựng lều túc trực trước cổng nhà máy để bày tỏ sự phản đối quyết liệt nhưng họ (nhà máy thép - PV) vẫn phớt lờ”.

Sau khi nghe thông báo của UBND tỉnh, người dân tỏ vẻ ngán ngẩm - Ảnh: Thanh Ba
Sau khi nghe thông báo của UBND tỉnh, người dân tỏ vẻ ngán ngẩm - Ảnh: Thanh Ba

Tiếp nối ý kiến của ông Hát, bà Trần Thị A chia sẻ nỗi thống khổ của bà con khối phố trong suốt quá trình chờ nhà máy thép di dời.

Theo bà A, năm 2014, tại buổi tiếp xúc với người dân, lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn từng cam kết sẽ kiên quyết di dời nhà máy thép trước tháng 6-2017.

“Hơn 2 năm qua, chúng tôi đã chờ đợi mòn mỏi ngày nhà máy cuốn gói khỏi địa phương. Nào ngờ tới thời điểm này, phía doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trầm trọng vẫn cứ ngang nhiên hoạt động. Bây giờ, sự chịu đựng của người dân đã vượt quá giới hạn cho phép”, bà A cho biết.

Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hàng chục người dân khối 7A, một đại diện Nhà máy thép Việt Pháp đã đứng ra nêu quan điểm của lãnh đạo nhà máy.

“Chúng tôi hi vọng người dân và chính quyền địa phương tạo điều kiện cho phép nhà máy tiếp tục hoạt động thêm một thời gian ngắn bởi việc di dời cần có sự chuẩn bị và hoàn tất các thủ tục”, người đại diện này nói thêm.

Khi đại diện nhà máy vừa dứt lời, toàn thể người dân tham dự buổi đối thoại đều đồng thanh hô “không” và nhất quyết yêu cầu nhà máy di dời ngay lập tức.

Kết luận buổi đối thoại, chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn ghi nhận phát biểu của người dân và phía doanh nghiệp, đồng thời thị xã sẽ báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện.

Thời gian qua, người dân khối 7A liên tục dựng lều trước cổng nhà máy để bày tỏ sự phản đối - Ảnh: Thanh Ba
Thời gian qua, người dân khối 7A liên tục dựng lều trước cổng nhà máy để bày tỏ sự phản đối - Ảnh: Thanh Ba
Nửa tháng qua, xe vận chuyển phế liệu vào nhà máy bị ách lại bởi sự phản đối quyết liệt của người dân - Ảnh: Thanh Ba
Nửa tháng qua, xe vận chuyển phế liệu vào nhà máy bị ách lại bởi sự phản đối quyết liệt của người dân - Ảnh: Thanh Ba
THANH BA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục