Nhà dài của người Ê Đê tại Bảo tàng Dân tộc học VN- Ảnh: Thái Lộc |
Theo tôi, nên tập trung lại để đầu tư vào một bảo tàng cho ra tấm ra món để trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút du khách, không thể “rải mành mành” mãi được. Nếu như hiện nay, mỗi năm rót cho họ ít tiền để thoi thóp thì quá lãng phí! |
PGS.TS Võ Quang Trọng (giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN) |
Sự thay đổi, vận động, học hỏi để không ngừng đổi mới tại các bảo tàng này xứng đáng là tấm gương cho đa số những bảo tàng hiện nay đang trong cảnh thụ động, nhàm chán.
Vừa lãng phí khoản tiền lớn do ngân sách nhà nước cấp, vừa lãng phí di sản văn hóa không phát huy được...
Làm việc đến mức... con không nhận mẹ
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - giám đốc Bảo tàng Phụ nữ VN - chia sẻ kinh nghiệm thành công bắt đầu từ sự nhàm chán sau thời điểm thành lập năm 1995:
“Hồi đó, tất cả triển lãm mở ra chỉ có khách trong ngày khai mạc, những ngày còn lại vắng vẻ và buồn bã lắm!”.
Sau mấy năm hoạt động “lờ nhờ”, đến năm 2002, bảo tàng xây dựng đề án đổi mới trưng bày, xác định theo hướng: bỏ lối “bảo tàng lờ nhờ” để chuyển hẳn sang “bảo tàng về (nữ) giới”.
Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, nhưng cả bảo tàng lúc đó cùng đồng lòng việc phải đổi mới.
Vừa ra đời muộn, ít lợi thế, đặc biệt gần như không có hiện vật nào giá trị.
Song, theo bà Vân, sự đổi mới bắt đầu từ phương pháp tiếp cận bảo tàng, nhìn dưới góc độ lịch sử xã hội, nhân học xã hội và nhân học đương đại.
Điều đó làm cơ sở cho phương pháp nghiên cứu lẫn sưu tầm hiện vật, khai thác giá trị hiện vật thông qua những câu chuyện rất sâu và hấp dẫn về hiện vật để kể cho du khách...
Để có được diện mạo ngày hôm nay với các gian trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề cùng trưng bày ngắn ngày, tất cả đội ngũ đã cùng nhau lăn xả vào làm việc, làm hết công suất và khả năng của mình.
Mỗi năm bảo tàng này có hàng chục triển lãm chuyên đề, triển lãm này nối tiếp triển lãm kia, và mỗi một chuyên đề đều được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước.
Chính bản thân mình, bà Vân cho biết sau hai lần sinh con, vào năm 2002 và 2008, bà đã phải cuốn mình theo công việc từ sáng sớm cho đến tối mịt. Đến mức cả hai con trai đều không nhận bà là mẹ, mà chỉ biết đến người giúp việc ở nhà mà thôi.
Cho đến hiện nay, dù mọi hoạt động của bảo tàng đã đâu vào đó, nhưng bà Vân vẫn không có ngày nghỉ, và mỗi ngày vẫn làm việc bình quân 12 tiếng:
“Vậy mà tôi vẫn luôn cảm thấy quá ít thời gian để làm việc, vì càng làm thì càng nhiều ý tưởng, mà ý tưởng nào cũng phát triển được thành triển lãm, nên công việc cứ cuốn theo!”.
Với tâm thế làm việc như vậy, chúng tôi hiểu được vì sao bà giám đốc kể vanh vách dãy dài chuyên đề triển lãm sắp tới, có triển lãm diễn ra sau 1-2 tháng nhưng có triển lãm chuẩn bị cho vài ba năm sau...
Rất đông du khách tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM). Ảnh: THÁI LỘC |
Phải luôn luôn mới
“Kịch bản trưng bày phải tốt, mới và hiện đại, có cả trưng bày thường xuyên lẫn trưng bày ngắn ngày để tạo cái mới, đồng thời cần một chính sách công chúng tốt nhất có thể!”.
Đó là bí quyết thành công của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - theo giám đốc Huỳnh Ngọc Vân.
Bà Vân kể ngay sau khi thành lập vào năm 1995 đã ấp ủ việc đổi mới thông qua xây dựng kịch bản trưng bày theo hướng hiện đại.
Trong tám năm xây trụ sở, bảo tàng đã tận dụng mọi khoảnh sân vườn trưng bày, không gián đoạn một ngày nào; tầng nào xây xong là xin vào trưng bày theo kiểu “cuốn chiếu”.
Từ đề cương được duyệt, đội ngũ chuyên môn lao vào nghiên cứu kịch bản, rằng cần phải kể câu chuyện gì, kể như thế nào...
Tất cả đều được học hỏi, tham khảo và bàn bạc để kế thừa một cách hợp lý từ rất nhiều trường phái, mô hình hay trường hợp bảo tàng cụ thể trên thế giới.
Kể về thời gian đầu khi hoàn thành kịch bản trưng bày mới, bà Vân cho biết: “Sau khi trưng bày theo kịch bản mới, chúng tôi theo dõi khách xem trong sự hồi hộp.
Thế rồi nhân viên bất ngờ báo rằng ở chỗ này chỗ kia khách khóc quá trời. Đó đều đúng những cao trào đỉnh điểm của câu chuyện, và khách đã được dẫn dắt theo đúng ý đồ của kịch bản. Chúng tôi vỡ òa!”.
Trong khi đó, PGS.TS Võ Quang Trọng - giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN - cho rằng “phải luôn tạo ra cái mới” là yếu tố tiên quyết níu giữ du khách, nếu không, rất dễ... đóng cửa bảo tàng.
Ông cho biết việc đổi mới trưng bày theo hướng hiện đại phải tuân thủ khắt khe từ kịch bản, phương pháp cho đến thiết kế hạ tầng và phương án kỹ thuật kèm theo.
Ngoài ra, tiêu chí luôn luôn đổi mới còn thông qua trưng bày chuyên đề, phải đảm bảo khách đến lần thứ hai phải xem được cái mới.
Do vậy, đội ngũ bảo tàng luôn vận động, suy nghĩ và ấp ủ những trưng bày chuyên đề mới, những vấn đề nóng, mang tính thời sự, nhiều người quan tâm.
Ông Trọng nói: “Ngay cả những trưng bày, hoạt động thường niên, trong các dịp như lễ 30-4, Tết thiếu nhi, Tết Trung thu, lễ Quốc khánh hay các hoạt động trình diễn văn hóa truyền thống, nhóm thực hiện phải luôn vận động suy nghĩ để thay đổi, làm sao không lặp lại và nhất thiết phải có điểm mới, nếu không mới thì không cho làm!”.
Cũng theo ông Trọng, ngoài sự đau đáu thường trực của bảo tàng, sự đổi mới còn dựa trên kết quả khảo sát người dân và du khách, rằng họ ghét cái gì, thích cái gì ở bảo tàng, mong muốn bảo tàng “nói” điều gì ở các cuộc trưng bày...
“Cái gì cũng có mà không có cái gì” Phần lớn bảo tàng hiện nay được nhận xét đều nằm trong một tư duy rất “truyền thống”, kết cấu trưng bày cứ na ná nhau vì đều thuê một công ty thiết kế trưng bày, phần lớn gồm: thiên nhiên đất nước con người; tiền - sơ sử; phong kiến; thời Pháp thuộc; thời chống Mỹ và thời kỳ đổi mới... Kết quả là “cái gì cũng có mà không có cái gì”. Đó là cách “làm chính trị thô thiển, gây lãng phí cả tiền bạc lẫn tài sản văn hóa của đất nước” - theo nhận xét của một chuyên gia. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN, “đánh tiếng”: “Các bảo tàng cũng phải biết tự trọng trước sự cũ kỹ, vắng vẻ, trơ lì, phải tự thay đổi mình, cả về quan niệm, cách làm...”. Theo TS Trần Đức Anh Sơn, kinh nghiệm cho thấy cứ theo mô hình “bảo tàng tổng hợp” thì sẽ thất bại nhanh chóng: “Đừng có bắt chước một thiết chế mang tính chính trị nữa. Địa phương nào có thế mạnh, tính đặc thù gì thì cứ theo thế mạnh, đặc thù đó mà làm!”. PGS.TS Võ Quang Trọng cho rằng các bảo tàng phải bắt đầu từ quyết tâm đổi mới, trên cơ sở đó tìm lời giải cho hàng loạt câu hỏi: cách đổi mới như thế nào, bắt đầu từ đâu, nhóm chuyên gia nào trong và ngoài nước sẽ hỗ trợ mình, làm gì để có kinh phí và lộ trình thực hiện?... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận