Ông Bùi Đức Long Ảnh: Q.Khải |
Ông BÙI ĐỨC LONG, trưởng phòng dự báo thủy văn khu vực Trung - Nam bộ (thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương), cho biết:
- Không như mọi năm, năm nay đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long lại xuất hiện rất sớm, vào nửa đầu tháng 8.
Đỉnh lũ trên sông Tiền tại Tân Châu xuất hiện ngày 13-8 là 3,95m (dưới báo động 2: 0,05m), trên sông Hậu tại Châu Đốc vào ngày 14-8, đỉnh lũ đạt 3,2m (trên báo động 1: 0,2m). Mực nước lũ trên đều cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,7-0,8m.
Đây là trường hợp hiếm thấy vì tính từ năm 1961 đến nay, đỉnh lũ tại Tân Châu chỉ có hai lần xuất hiện vào tháng 8 là năm 1979 và năm 1981 (vào các ngày 22-8 và 24-8), nhưng tại Châu Đốc thì chưa có năm nào xuất hiện vào tháng 8.
Hiện tượng trên cảnh báo một mùa khô hạn, thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn sẽ nặng nề hơn.
* Đỉnh lũ xuất hiện bất thường như vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- Có thể thấy lũ tại khu vực đầu nguồn sông Cửu Long chịu tác động rất nhiều từ dòng chảy ở thượng lưu (đóng góp đến 90% lượng nước).
Năm nay đỉnh lũ lại rơi vào tháng 8 là do từ nửa cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 trên lưu vực đã có các đợt mưa lớn xảy ra, tập trung từ thượng lưu về trung lưu (vùng trung thượng Lào, phía bắc Campuchia và vùng Tây nguyên) do ảnh hưởng của các cơn bão số 2 và 3.
Đỉnh lũ từ Pakse (Lào) về Kratie (Campuchia) đều vượt mức báo động từ 0,5-0,9m.
* Liệu từ nay đến cuối năm, đồng bằng sông Cửu Long lại xuất hiện lũ, đỉnh lũ cao nhất dự báo đạt mức độ nào?
- Từ nửa cuối tháng 8 đến nay, do lượng mưa trên lưu vực sông Mekong thiếu hụt khá nhiều so với trung bình nhiều năm cùng kỳ (từ 20-50%), ít có đợt mưa lớn diện rộng và kéo dài nên trên lưu vực chỉ xuất hiện 2-3 đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên ở thượng lưu chỉ từ 2-3m.
Vì vậy, ở đầu nguồn sông Cửu Long sau khi lũ đạt đỉnh cao nhất năm vào tháng 8, mực nước xuống dần và chỉ có hai đợt nước lên với biên độ từ 0,2-0,3m (do nước từ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường).
Hiện nay, mực nước thượng nguồn sông Mekong và đầu nguồn sông Cửu Long đang xuống nhanh, tại Tân Châu và Châu Đốc đang thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ gần 1m.
Từ nay đến cuối năm, trên sông Mekong và sông Cửu Long sẽ không xuất hiện đợt lũ nào nữa, mực nước sẽ xuống dần.
Tuy nhiên, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có ba đợt nước lên do ảnh hưởng của triều cường vào những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11, cuối tháng 11 và cuối tháng 12, trong đó đặc biệt chú ý đợt triều cao vào cuối tháng 11 và cuối tháng 12.
* Với những nhận định trên, tình hình khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Nam bộ nói riêng sẽ căng thẳng hơn mọi năm, tình trạng xâm nhập mặn sâu hơn so với các năm. Ông có khuyến cáo gì đến người dân ở khu vực này?
- Trong những tháng cuối năm, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Do đó các địa phương, các ngành liên quan và người dân sống ở đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động lấy nước vào đồng, vào các hồ ao sớm, sử dụng nguồn nước hợp lý để đề phòng tình trạng khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn sâu hơn có khả năng xảy ra sớm hơn khoảng một tháng so với trung bình nhiều năm.
Tình trạng khô hạn năm 2015 có khả năng tương đương hoặc hơn mùa khô năm 2013.
* Riêng dòng chảy, thủy văn khu vực Tây nguyên năm nay ra sao so với trung bình các năm?
- Ở khu vực Tây nguyên, dòng chảy những tháng đầu mùa lũ cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, nhưng không nhiều và phần lớn được tích nước tại các hồ nên vùng hạ lưu lũ rất thấp, chỉ có một vài trận lũ đạt mức báo động 1-2, có một số nơi ở thượng nguồn lũ cao hơn.
Hiện nay, dòng chảy trên phần lớn các sông đều thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-40%. Từ nay đến cuối năm, trên các sông ở Tây nguyên không có khả năng xuất hiện lũ lớn, chỉ còn 1-2 đợt lũ vừa và nhỏ với đỉnh lũ từ báo động 1-2.
Dòng chảy các sông ở bắc Tây nguyên sẽ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 10-35%, ở nam Tây nguyên sẽ thấp hơn từ 18-40%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận