TS Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: Tự Trung |
“Nếu một vị lãnh đạo năng động, tâm huyết nhưng lại cô đơn thì những việc cần làm, muốn làm sẽ gặp ách tắc, cản trở từ nhiều hướng |
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (chuyên gia quản lý đô thị) |
Hàng ngàn “đơn đặt hàng” với những đề nghị, hiến kế, kỳ vọng cụ thể đã được người dân nêu ra.
Không dừng lại ở việc “đặt hàng” mà người dân còn đòi hỏi và sẵn sàng tham gia cùng lãnh đạo TP giải quyết những vấn đề lớn nhỏ của TP như ý kiến của các vị khách mời của Tuổi Trẻ sau đây.
Chờ sự thể hiện của cán bộ các cấp
* Là chuyên gia về quản lý đô thị, cũng là những người luôn đau đáu với sự phát triển của TP.HCM, các ông nhận xét như thế nào và mong đợi gì trước phong cách làm việc mới của các vị lãnh đạo TP.HCM?
- PGS.TS Nguyễn Minh Hòa: Các vị lãnh đạo mới của TP đã có một khởi đầu ấn tượng khi đưa ra thời hạn ba tháng để giảm tội phạm... Bộ máy chính quyền đã có những động thái chuyển động rất nhanh sau những đòi hỏi, thúc giục ấy.
Nguồn cảm hứng tích cực trong dân đang được khơi dậy như là một động lực mới sẽ tan nhanh nếu không được duy trì bằng chiến lược hành động dài hơi. Nếu một vị lãnh đạo năng động, tâm huyết nhưng lại cô đơn thì những việc cần làm, muốn làm sẽ gặp ách tắc, cản trở từ nhiều hướng.
Mọi thay đổi, tiến bộ đều đến từ con người. Vì thế, điều quan trọng nhất mà tôi mong đợi là tinh thần “vì dân hành động” và tác phong “quyết liệt, sâu sát, cụ thể, dứt điểm” phải được lan tỏa, thấm nhuần trở thành giá trị sống của bộ máy phục vụ nhân dân của TP, từ cấp cao đến cấp thấp.
Những ý tưởng của người đứng đầu sẽ được cả bộ máy chia sẻ và cùng hành động. Và tất cả người dân, từ doanh nghiệp, trí thức, công nhân đến người đạp xích lô, bán hàng rong cùng chung tay hành động.
Không huy động được toàn bộ nguồn lực vào cuộc thì không thể phá băng được sự trì trệ, lẩn quẩn.
Ông Đặng Văn Khoa - Ảnh: Thanh Đạm |
“Mỗi người dân không chỉ “đặt hàng”, kỳ vọng mà hãy đồng hành cùng lãnh đạo và tất cả cán bộ, công chức thành phố để đi tới thật mạnh mẽ |
Ông Đặng Văn Khoa (nguyên đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM) |
- Ông Đặng Văn Khoa: Tôi đọc được trong cách chỉ đạo, thực hiện công việc của các lãnh đạo TP.HCM hai thông điệp: với người dân: “Chính quyền vì dân hành động”, với cán bộ: “Phải thay đổi”. Thông điệp “thay đổi và hành động” này đã gặp được những đau đáu, trăn trở, bức xúc, đòi hỏi của hàng triệu người dân TP mà thành một động lực.
Điều mong đợi nhất là hàng vạn cán bộ đang nắm công quyền của TP cũng rung động, đồng cảm với thông điệp ấy, mong đợi ấy mà cùng thay đổi trong thực hiện công việc và trách nhiệm của mình.
- Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc: Chúng tôi cho rằng phong cách mới của các lãnh đạo sẽ tác động trực tiếp đến các thuộc cấp của mình, tác động gián tiếp đến những người dân, làm đòn bẩy cho các giải pháp tiếp theo.
Người dân đã nói rất rõ sự hào hứng, phấn khởi của mình trong mấy ngày vừa rồi và chúng ta còn phải chờ sự thể hiện của các cán bộ quản lý các cấp.
TS Nguyễn Bách Phúc - Ảnh: Tự Trung |
“Người dân đã nói rất rõ sự hào hứng của mình trong mấy ngày vừa rồi và chúng ta còn chờ sự thể hiện của các cán bộ quản lý các cấp |
TS Nguyễn Bách Phúc (chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM) |
Hãy dành thời gian để lắng nghe
* Khẳng định sự tối cần thiết của việc tất cả mọi người cùng chung tay hành động với lãnh đạo TP đồng nghĩa với việc cam kết xăn tay áo của mình. Mọi việc sẽ bắt đầu như thế nào với bản thân các ông?
- Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc: Để có những quyết sách phù hợp, đúng đắn, tìm ra được điểm chốt để kích cho cả bộ máy cùng chạy, cùng thay đổi, việc thu thập và chọn lọc thông tin là tối quan trọng.
Tôi cho rằng các vị lãnh đạo cần chọn được kênh cung cấp thông tin tin cậy, khách quan, khoa học, nhiều phía để từ đó hiểu rõ bản chất vấn đề, tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Lắng nghe, trao đổi, thảo luận với giới trí thức, những người gắn bó với TP, luôn trăn trở với những vấn nạn của TP và thao thức với những bài toán khó của nó sẽ là lựa chọn chính xác nhất, rút ngắn chặng đường giải quyết vấn đề, tìm điểm đột phá phát triển cho lãnh đạo TP.
- PGS.TS Nguyễn Minh Hòa: Để khơi tiềm năng vô cùng lớn của TP này thành sức mạnh bùng nổ thì yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là phải nắm được thông tin đầy đủ, trung thực về thực trạng phát triển hiện nay, điểm mạnh, điểm yếu, những thiếu sót...
Do vậy lãnh đạo cần lắng nghe, cầu thị những ý kiến đa dạng, cả những ý kiến trái chiều, những phản biện gai góc, kể cả của những người được cho là “có vấn đề”.
Sau nữa, phải sử dụng các chuyên gia giỏi để phát hiện vấn đề, tìm ra hướng “đột phá ưu tiên”, điểm tác động then chốt sẽ làm thay đổi toàn bộ tình hình; đặt hàng cho các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu tìm ra các giải pháp hợp lý nhất...
TS Nguyễn Hữu Nguyên |
“Văn hóa giao thông phải bắt đầu từ người điều hành, thực thi pháp luật. Khi người ta còn dùng tiền mua lại được sai phạm thì không thể có văn hóa giao thông được |
TS Nguyễn Hữu Nguyên (Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM) |
Những việc ưu tiên làm ngay
* Nếu đề xuất những bài toán cụ thể để cùng lãnh đạo TP tìm giải pháp theo thứ tự ưu tiên thì các ông sẽ đề xuất điều gì?
- Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên: Tôi chọn điểm số 1 là vấn đề nằm trong chức trách của bí thư Thành ủy: giảm thất thoát theo kiểu đội vốn trong các công trình công ích của TP. Hiện trạng công trình kéo dài thời gian, đội vốn gấp mấy lần gây lãng phí nguồn lực, tạo điều kiện tham nhũng... Làm được điều này sẽ là một thúc đẩy lớn vào nội lực của TP trên đường phát triển.
Hai là thay đổi cơ chế làm việc của bộ máy, sắp xếp lại mối quan hệ quyền lực trong chính quyền, giảm bớt kiêm nhiệm khiến công việc giẫm chân lên nhau, khó giám sát lẫn nhau. Bộ máy công quyền phải được thiết kế lại để có cơ chế giám sát tự động, bên cạnh xây dựng cơ chế giám sát của dân.
Ba là xây dựng niềm tin trong dân bằng tác phong và trách nhiệm trong công việc của công chức nhà nước. Việc này lãnh đạo TP đã làm gương, làm mẫu trong mấy ngày qua, tôi tin là đã có chuyển động. Đây cũng là một điểm chốt vì văn hóa thực thi pháp luật sẽ kéo theo văn hóa chấp hành.
Tiêu biểu nhất là lĩnh vực giao thông, bên cạnh những vấn đề nóng như kẹt xe, tai nạn thì những vấn đề ngầm như tiêu cực cũng rất nhức nhối. Văn hóa giao thông phải bắt đầu từ người điều hành, thực thi pháp luật. Khi người ta còn dùng tiền mua lại được sai phạm thì không thể có văn hóa giao thông được.
- PGS.TS Nguyễn Minh Hòa: Tôi chọn điểm nút đầu tiên là tác động vào con người của bộ máy công quyền - xương sống hay bộ khung của thể chế. Đó là thổi vào họ động lực mới, nâng cao chuyên môn, tái đào tạo đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, giảm định biên ở các cấp phường xã, cải cách bộ máy công chức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả.
TP.HCM muốn đứng ngang tầm với các TP trong khu vực như Bangkok, Singapore, Jakarta, Seoul cần thu hút và trọng dụng nhân tài, bất kể họ từ đâu tới. Làm sao để những người trong bộ máy công quyền phải là những người giỏi nhất, có tâm huyết, có tinh thần phục vụ nhân dân.
Song hành theo đó là các chương trình hành động ngắn hạn và trung hạn. Trong thời gian trước mắt, bộ máy lãnh đạo TP phải tập trung giải quyết bốn vấn đề được coi là nan giải nhất của TP: đầu tiên là dứt điểm ngay tội phạm và thực phẩm bẩn; hai là giảm tối đa ngập nước và ách tắc giao thông.
Sau đó là hoạch định chiến lược tổng thể, thiết lập lộ trình phát triển dài hơi, bền vững: chuyển cơ cấu kinh tế sang xã hội dịch vụ, nâng cao chất lượng sống, tiến hành liên kết vùng, xây dựng xã hội văn minh... Và đây mới chính là nhiệm vụ quan trọng nhất mà ông bí thư phải đảm nhiệm trước 10 triệu dân.
- Ông Đặng Văn Khoa: Tôi mong lãnh đạo TP bằng chính công việc hằng ngày của mình sẽ khơi dậy được trí tuệ và nghĩa khí hào sảng của người dân TP. Muốn vậy, việc phản biện xã hội phải được đánh giá đúng để trở thành một hoạt động bình thường, tạo sự cọ xát cho mọi vấn đề để tìm ra sự thật, chân lý.
Cội rễ và giải pháp của mọi vấn đề là con người. Có sự đồng lòng của cán bộ và nhân dân, việc khó sẽ trở thành dễ và chúng ta sẽ có một TP.HCM phát triển, văn minh, nghĩa tình, xanh, sạch hơn...
Mỗi người dân không chỉ “đặt hàng”, kỳ vọng mà hãy đồng hành cùng lãnh đạo và tất cả cán bộ, công chức TP để đi tới thật mạnh mẽ.
Kể từ nay, báo Tuổi Trẻ sẽ mở mục “” để tiếp nhận tất cả kiến nghị, đề xuất, ý tưởng của bạn đọc nhằm góp phần giải quyết những vấn đề nóng bỏng, bức xúc của TP.HCM. Chúng tôi sẽ tổng hợp nhanh ý kiến của bạn đọc để chuyển đến lãnh đạo TP.HCM. Những ý kiến hay sẽ được chọn đăng trên Tuổi Trẻ. Ý kiến đặt hàng xin gửi đến hộp thư điện tử: [email protected] hoặc địa chỉ 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận