Xe máy chen chúc nhích từng bước trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Nhiều người lo quy định này khó triển khai, nhưng người ủng hộ cũng có lý do.
* Ông Nguyễn Văn Cẩn (xã Phú Hòa Đông, H.Củ Chi, TP.HCM):
Không khả thi
Tôi có ôtô chở khách mà mỗi lần đi kiểm định rất mệt mỏi nói gì đến chuyện kiểm định xe máy. Khoảng một năm trước đây khi bắt đầu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ tại các trạm đăng kiểm, thời điểm đó mỗi khi đi đăng kiểm tôi phải đăng ký trước nửa tháng.
Khi đến trạm đăng kiểm mà thấy hàng loạt xe xếp hàng chờ là... thôi rồi, có khi cả ngày mới tới lượt mình, dù trạm đăng kiểm phải làm việc từ 4g-20g.
Thời gian gần đây, tuy việc đăng kiểm ôtô đã nhanh hơn nhưng ít nhất cũng phải mất gần ba giờ mới đăng kiểm xong một xe. Vì vậy tôi cho rằng đăng kiểm đối với xe máy là không khả thi, bởi hiện nay số lượng xe máy ở TP lớn gấp nhiều lần ôtô.
Việc quy định niên hạn đối với xe máy càng bất hợp lý, bởi có nhiều người đi xe kỹ, bảo hành bảo dưỡng tốt xe có thể chạy tới vài chục năm. Nhưng có xe chạy quá nhiều, thiếu bảo hành bảo dưỡng, chở nặng... thì có khi chạy mấy năm đã hư hỏng rồi.
Nếu những xe còn chạy tốt mà hết niên hạn chẳng lẽ phải bỏ, không được chạy nữa? Chưa kể đối với nhiều người đó là cả một tài sản lớn, là phương tiện kiếm sống cho cả gia đình.
* Ông Nguyễn Văn Hùng (giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 50-06V TP.HCM):
Đã từng bàn nhưng thấy khó thực hiện
Nhiều năm trước, Chính phủ đã có chủ trương về kiểm soát khí thải xe máy nhằm bảo vệ môi trường. Thế nhưng một vị lãnh đạo của Bộ GTVT cảm thấy triển khai việc này khó khả thi, vì để kiểm định khí thải hàng chục triệu xe máy cần phải huy động nhiều lực lượng tham gia.
Thế nhưng, nếu giao các công ty tư nhân thực hiện thì họ có vì việc chung hay vì mục đích lợi nhuận và liệu các cơ quan quản lý có kiểm soát được các đơn vị kiểm tra khí thải đúng quy định?
Điều đáng lo hơn là sẽ có những người lợi dụng làm tem, giấy tờ kiểm định khí thải giả để buôn bán. Vì những lý do trên, các cơ quan chức năng vẫn đang cân nhắc thời điểm triển khai kiểm tra khí thải xe máy.
Về mặt kỹ thuật, việc kiểm tra khí thải xe máy rất đơn giản và mất vài phút còn không thực hiện được. Trong khi lại yêu cầu kiểm tra các kỹ thuật khác ở xe máy để hạn chế xe cá nhân sẽ càng khó khả thi.
Tôi cho rằng việc phát triển vận tải hành khách công cộng nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại sẽ tốt hơn. Khi đó người dân sẽ tự động từ bỏ xe máy để đi phương tiện công cộng.
* Ông Nguyễn Đình Quân (giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 50-05V TP.HCM):
Có khi phản tác dụng và gây bức xúc
Các trung tâm đăng kiểm sẽ không đủ sức kiểm định mấy triệu chiếc xe máy. Việc kiểm tra kỹ thuật để bảo đảm an toàn là không cần thiết vì xe máy có động cơ đơn giản. Trong khi đó, nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức chấp hành luật giao thông.
Nếu lấy lý do này để hạn chế xe cá nhân có khi phản tác dụng và gây bức xúc cho người dân.
Với số lượng xe máy khổng lồ ở TP.HCM, TP đã phải giao xuống tận xã, phường, tổ dân phố thu phí bảo trì đường bộ.
Vì vậy, ngay cả việc kiểm định khí thải xe máy cũng nên giao cho các hãng xe máy có sẵn các cửa hàng bảo dưỡng. Hoặc giao kiểm định khí thải cho công ty, xí nghiệp tư nhân thực hiện, miễn là họ bảo đảm các tiêu chí của cơ quan quản lý.
* Đại tá Lê Anh Tuấn (trưởng Công an Q.Thủ Đức, TP.HCM):
Cần thiết, nhưng nên có lộ trình
Trên thế giới, đa số các quốc gia có trình độ phát triển tương đối đều có quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại phương tiện giao thông nói chung và xe máy nói riêng, các quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật đối với các phương tiện này rất chặt chẽ.
Đối với VN, phương tiện giao thông cũng được xác định là loại phương tiện có nguy cơ cao, là nguồn nguy hiểm nên đã có các quy định liên quan tới việc kiểm tra an toàn kỹ thuật định kỳ. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định dành cho môtô, xe máy.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, xu thế quy định thời gian kiểm định và niên hạn sử dụng của môtô, xe máy là không thể tránh khỏi.
Còn chuyện các loại xe cũ được nhiều người dân nghèo sử dụng làm phương tiện mưu sinh thì TP.HCM đã có kinh nghiệm xử lý các loại xe lam, xe ba gác máy trước đây. Chính quyền các cấp nên xây dựng một lộ trình hỗ trợ người dân chuyển đổi từ việc sử dụng các loại xe cũ nát, không đảm bảo an toàn sang các loại phương tiện phù hợp hơn.
Khi áp dụng quy định kiểm định môtô, xe máy và quy định niên hạn sử dụng cũng sẽ áp dụng theo lộ trình cụ thể chứ không áp dụng cứng nhắc, làm đột ngột để tránh những ảnh hưởng, hệ lụy không đáng có.
Chúng ta hãy nhìn vào thực tế giao thông hiện nay. Nhiều xe máy cũ nát, không còn số khung, số sườn, không mang biển số, không có đủ thiết bị an toàn như thắng trước, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng, đèn hậu, máy được cải tạo gây tiếng ồn... được sử dụng làm xe chở nước đá, chở vật liệu xây dựng chạy ầm ầm ngoài đường.
Loại phương tiện này không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn gây nguy hiểm cho chính người điều khiển. Như vậy sẽ thấy các đề xuất trên rất phù hợp.
* PGS.TS Lê Văn Khoa (giảng viên khoa môi trường và tài nguyên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Giúp kiểm soát ô nhiễm
Ở góc độ lợi ích và bảo vệ môi trường về lâu dài, theo tôi, cần thiết thực hiện quy trình kiểm định xe máy, đặc biệt là kiểm soát khí thải của loại xe này. Do số lượng xe máy hiện nay quá lớn, nên lượng khí thải mang theo các chất ô nhiễm không khí cũng rất lớn, cần được kiểm soát thông qua quy trình đăng kiểm nhằm góp phần giảm ô nhiễm không khí.
Thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu khoa học để lượng định và đưa ra những khuyến cáo cho vấn đề này. Những việc gì cần làm, có lợi cho lâu dài thì nên làm, không nên vì e ngại phiền hà, khó khăn hay gây khó dễ cho người dân, kể cả tăng thêm chi phí mà không làm.
Vấn đề ở chỗ cần có biện pháp quản lý, kiểm soát sự đúng đắn, không để gây phiền hà, khó dễ cho người dân khi đi kiểm định xe máy.
Với số lượng xe máy quá lớn như hiện nay, cần xã hội hóa trong kiểm định xe máy để có thể cấp phép, hình thành mạng lưới các cơ sở kiểm định loại xe này của tư nhân với trang thiết bị, quy trình quản lý... đạt yêu cầu.
Khi đó các cơ quan nhà nước cần giám sát chặt chẽ hệ thống này nhằm đảm bảo tính đúng đắn, chất lượng đăng kiểm, loại trừ được tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu, khó dễ người dân... Đồng thời, tăng cường phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức để nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng.
Tôi cho rằng khi đã làm được như vậy, việc kiểm định xe máy, đặc biệt là gắn với việc kiểm soát khí thải, hạn chế ô nhiễm, sẽ khả thi và thành công.
Riêng đề nghị quy định niên hạn xe máy sẽ rất khó thực hiện, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, mặt bằng đời sống của người dân... Một chiếc xe máy nếu đảm bảo các điều kiện cơ bản về an toàn, đạt yêu cầu bảo vệ môi trường về khí thải thì chẳng có lý do gì để “khai tử” nó.
Đặc biệt, hiện xe máy gắn liền với nhu cầu đi lại của đông đảo người dân và người dân nước ta hiện nay không giàu có gì để có thể dễ dàng bỏ một chiếc xe máy đã qua sử dụng (vì hết tuổi), mua một chiếc xe máy mới thay thế.
* Ông Nguyễn Hữu Trí (phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN):
Về lâu dài là việc phải làm Hiện nay, Luật giao thông đường bộ chỉ quy định niên hạn đối với ôtô khách, xe tải. Còn ôtô con và xe máy chưa có quy định niên hạn. Bộ GTVT cũng chưa có văn bản nào quy định việc nghiên cứu niên hạn với môtô, xe máy. Các nước hầu hết không quy định tuổi xe máy. Thực tế, có những dòng xe máy cổ như Vespa vẫn được sử dụng rất lâu. Còn một số nước không quy định niên hạn nhưng thực hiện cấm xe máy ở một số TP vì các lý do chống ùn tắc giao thông. Thực tế ở VN cũng từng có những ý kiến đặt ra việc quy định tuổi với môtô, xe máy. Tuy nhiên cũng còn nhiều cân nhắc vì người đi xe máy cũ đa số là người nghèo, nhất là vùng sâu vùng xa có nhiều người sử dụng xe cũ từ TP chuyển về. Trong khi hạ tầng giao thông công cộng chưa đáp ứng được thì với nhiều người dân việc sử dụng xe máy vẫn cần thiết. Nếu quy định niên hạn xe máy thì phải sửa luật nhưng đây là vấn đề xã hội nên phải cân nhắc. Còn việc xây dựng tiêu chuẩn đăng kiểm với xe máy về lâu dài là việc phải làm. Hiện Cục Đăng kiểm đang trình Bộ GTVT về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn kiểm soát khí thải với môtô, xe máy theo quyết định của Thủ tướng. Bước đầu đề xuất thực hiện ở năm TP trực thuộc trung ương rồi mới tính tới các tỉnh. Việc áp dụng quy định này cần có lộ trình nằm trong tương quan của sự phát triển giao thông công cộng, nhất là khi mạng lưới tàu điện ở các TP kết nối được với nhau. Vì vậy, Cục Đăng kiểm báo cáo lên ban điều hành thực hiện đề án (thuộc Bộ GTVT) xin ý kiến về lộ trình thực hiện kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành, dự kiến thực hiện từ năm 2017 ở Đà Nẵng, từ năm 2018 ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ để đảm bảo khả thi. Có thể khi kiểm soát khí thải xe máy đi vào nề nếp sẽ yêu cầu thêm kiểm soát về kỹ thuật với loại phương tiện này. Nhưng đây cũng là vấn đề xã hội cần cân nhắc, tính toán kỹ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận