16/04/2014 09:56 GMT+7

Phong tướng đâu phải để hưởng chính sách

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng - an ninh và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật công an nhân dân (sửa đổi) “chưa quán triệt triệt để chỉ đạo của Bộ Chính trị”.

CGUeXYbq.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định phong hàm thượng tướng cho Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam - Ảnh: Nguyễn Khang

Với đề xuất Bộ Công an có hai đại tướng, các tổng cục có hai trung tướng, hầu như tất cả các chức vụ cục trưởng đều có cấp bậc hàm tướng... dự án Luật công an nhân dân (sửa đổi) trình ngày 15-4 được cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng - an ninh và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng “chưa quán triệt triệt để chỉ đạo của Bộ Chính trị”.

So với quy định hiện hành, dự thảo luật quy định thêm một vị trí có trần cấp hàm đại tướng ngoài bộ trưởng Bộ Công an, là thứ trưởng thường trực.

Quá nhiều tướng

Tương tự, cấp bậc hàm trung tướng sẽ được trao cho những người giữ vị trí tương đương trong quân đội như tổng cục trưởng, tư lệnh, chính ủy bộ tư lệnh và phó tổng cục trưởng thứ nhất phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị tư tưởng và xây dựng lực lượng của tổng cục.

Cấp hàm cao nhất của giám đốc công an cấp tỉnh là đại tá (trừ Hà Nội, TP.HCM là trung tướng và các tỉnh - TP Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai là thiếu tướng).

Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Quốc phòng - an ninh cho rằng dự thảo luật đã nâng trần và mở rộng diện một số chức vụ có trần cấp hàm tướng so với quy định hiện hành, hầu như tất cả các chức vụ cục trưởng đều có trần cấp hàm thiếu tướng, một số là trung tướng và nhiều chức danh tương đương cục trưởng cũng có trần cấp hàm thiếu tướng, trung tướng; chưa bảo đảm yêu cầu quy định hàm cấp trưởng phải cao hơn cấp phó một bậc...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu vấn đề bằng hàng loạt câu hỏi: “Có phải chúng ta lo có quá nhiều tướng trong lực lượng công an không? Tôi cho rằng không phải, mà quan trọng là cần rà soát lại xem vị trí, nhiệm vụ như thế thì những chức vụ nào xứng đáng được đeo quân hàm cấp tướng. Ví dụ tổng biên tập báo thì có xứng đáng cấp tướng không, và tại sao lại là trung tướng, thiếu tướng? Rồi chuyện biệt phái, phải quy định rõ thế nào là biệt phái, biệt phái có cần thiết phải phong tướng không bởi phong tướng đâu phải là vì (để hưởng) chế độ chính sách?”.

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam “hết sức xúc động và cảm ơn các ý kiến góp ý, chúng tôi sẽ về báo cáo với các đồng chí trong ban soạn thảo, báo cáo bộ trưởng và Chính phủ để tiếp thu ý kiến của các đồng chí”. Dự luật này sẽ được trình để Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 5 tới đây.

Dân sẽ được vào xem Quốc hội họp

Dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng cùng ngày có khá nhiều nội dung mới đáng chú ý.

Điều 33 của dự luật quy định: “Công dân có thể được tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội”. Đồng tình với quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần nói rõ ràng là tham dự để làm gì: theo dõi, quan sát hay giám sát?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển: “Tôi đi các nước thấy người dân đến nghị viện để dự khán, quan sát và người ta thường theo dõi qua cửa kính hoặc ngồi ở khu vực riêng, để giữ sự yên tĩnh cho Quốc hội làm việc”.

Dự luật xác định tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người (như hiện nay); quy định tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đó có thể phấn đấu tăng lên 50% trong một số nhiệm kỳ tới...

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên