10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn
Các lỗi người tiêu dùng hay mắc phải trong chế biến, bảo quản thực phẩm thường là: mua phải nguyên liệu không tươi sống, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ…
Đặc biệt, thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa… dù đã chế biến nhưng nếu không bảo quản tốt thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm sẽ rất cao.
Bên cạnh đó, thức ăn đường phố và thói quen sử dụng thức ăn đường phố của một bộ phận người tiêu dùng, hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh cũng là những nguyên nhân dễ dẫn đến ngộ độc thức ăn.
Nhằm khuyến cáo người dân, Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế đã đưa ra 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn:
1. Chọn thực phẩm an toàn.
2. Nấu kỹ thức ăn.
3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.
4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.
5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.
6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín.
7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.
8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.
9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật
khác.
10. Sử dụng nguồn nước sạch.
Thực hiện đủ 10 nguyên tắc được khuyến cáo này là cách đơn giản, hiệu quả giúp mọi người, mọi nhà giảm thiểu lo ngại bị ngộ độc thực phẩm.
Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
Người bị ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện các triệu chứng sau: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi có kèm theo các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở...
Do đó, khi thấy người thân xuất hiện các triệu chứng trên cần nghĩ đến ngộ độc thực phẩm để tiến hành các bước sơ cứu kịp thời. Đầu tiên cần kích thích để người bị ngộ độc nôn thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Pha một cốc nước muối loãng cho người bệnh uống, dùng tay đặt vào lưỡi, ép cơ thể nôn được càng nhiều càng tốt. Việc nôn thức ăn ra có tác dụng hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể.
Sau đó hòa 1 lít nước với một gói orezol hoặc có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước cho người bệnh uống để bù và chống mất nước, giúp trung hòa chất độc trong cơ thể, hạn chế tối đa những tác hại mà độc tố sẽ mang lại.
Nếu trường hợp trẻ em bị ngộ đốc thức ăn hoặc người bị ngộ độc rơi vào trạng thái hôn mê, tuyệt đối không tiến hành gây nôn vì có thể gây sặc, tắc đường thở.
Sau khi sơ cứu tạm thời, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ rửa ruột và tiến hành các điều trị cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận