Để hóa chất độc hại tránh xa tầm tay trẻ em - Ảnh: fairview.org
Đặc biệt, lễ tết là dịp trẻ em có nhiều thời gian ở nhà, có cơ hội tiếp xúc với đồ vật và hóa chất nguy hiểm. Do đó, các bậc phụ huynh cần quản lý con chặt chẽ và thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh ngộ độc hóa chất cho trẻ.
Ngộ độc hóa chất thường xảy ra ở trẻ nhỏ nhiều hơn trẻ lớn. Trẻ nhỏ luôn tò mò về mọi thứ xung quanh, đôi khi chỉ cần cha mẹ không để ý một chút là con trẻ đã cho vật thể lạ vào miệng. Điều này dẫn đến những sự cố không mong muốn và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Các loại hóa chất có mặt trong gia đình rất nhiều, đó có thể là các sản phẩm tẩy rửa, các loại thuốc nhuộm, các mỹ phẩm, thuốc... Nếu trẻ ăn, uống, nuốt hoặc hít phải những chất này sẽ gây ngộ độc và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Khi trẻ bị ngộ độc hóa chất bố mẹ có thể phát hiện thông qua một số dấu hiệu như sau: Trẻ bị đau họng, buồn nôn, phần môi và lưỡi đỏ, phòng rộp, cũng có thể là phần thượng vị bị đau và lan khắp bụng, cơ thể.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể nhận thấy dấu hiệu trẻ ngộ độc hóa chất nếu thấy trẻ khó thở, thở gấp, tím tái, cánh mũi phập phồng khi thở, có những biểu hiện suy hô hấp. Bên cạnh đó, trẻ bị xanh xao da, các gân nổi và tím xanh, mất ý thức, khóc nhiều thậm chí là hôn mê và bất tỉnh.
Khi phát hiện trẻ có một trong những biểu hiện nêu trên, đừng tự ý cho trẻ uống thuốc mà nhanh chóng thực hiện một số bước sơ cứu đơn giản. Đầu tiên, hãy cho trẻ uống nước hoặc sữa để pha loãng chất độc, giảm kích thích niêm mạc và giúp hạn chế tác hại. Nên cho bé uống từ từ, không uống nhanh có thể gây sặc hoặc khiến trẻ bị nôn làm hóa chất trào ngược lên dạ dày, thực quản và gây hại nhiều hơn.
Trường hợp trẻ ăn, uống phải hóa chất nhưng vẫn còn tỉnh táo chúng ta có thể gây nôn cho trẻ bằng cách pha muối vào nước cho bé uống, móc họng để bé nôn.
Trường hợp bị ngộ độc hóa chất là xăng, acid hoặc bazơ không nên gây nôn, chỉ cần cho trẻ uống nhiều nước và nhanh chóng đưa đi cấp cứu ngay lập tức.
Nếu như trẻ bị ngộ độc nặng bởi các kim loại chì, thủy ngân nên sử dụng lòng trắng trứng hay sữa hoặc muối natri sunfat khoảng 4 - l0g cho trẻ ăn, như vậy sẽ giúp tạo phản ứng kết tủa để tránh hóa chất thấm sâu vào các cơ quan bên trong cơ thể.
Nếu trẻ bị ngộ độc do tiếp xúc với độc chất qua da, cần cởi bỏ quần áo trẻ, sau đó rửa da bằng xà bông và nhiều nước, tránh chà xát mạnh vì sẽ làm chất độc thấm qua da nhanh hơn.
Nếu trẻ hít phải khí độc, lập tức đưa trẻ ra chỗ thoáng khí, mở rộng cửa.
Cần trấn an trẻ và hỏi về loại hóa chất mà trẻ đã tiếp xúc, ăn, uống hoặc hít phải. Sau khi sơ cứu nên đưa trẻ đến bệnh viện kèm theo loại hóa chất trẻ bị ngộ độc để các bác sĩ có phương pháp điều trị kịp thời.
Phần lớn các trường hợp ngộ độc ở trẻ xảy ra tại nhà. Do vậy, biện pháp phòng ngừa chủ yếu là quản lý trẻ chặt chẽ và tạo sự an toàn cho trẻ ở gia đình. Trước hết, cha mẹ hãy phân loại các loại hóa chất trong gia đình như chất tẩy rửa, mỹ phẩm, son phấn, thuốc, thuốc trừ sâu, nước sơn, tinh dầu, nước hoa,... để sắp xếp chúng lại cho hợp lý, dán nhãn mác trên chai lọ đựng hóa chất và bỏ đi những thứ không còn sử dụng. Để các hóa chất xa tầm với của trẻ và cấm trẻ không được đi đến những khu vực có chứa hóa chất.
Hãy nhớ, tuyệt đối không đựng hóa chất vào các vỏ chai lọ có nhãn hiệu nước uống hay đồ ăn để đề phòng trẻ nhầm lẫn, không đựng các đồ uống vào các chai lọ trước đây đã đựng hóa chất để tránh độc hại.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên dỗ trẻ uống thuốc bằng cách giả vờ rằng loại thuốc đó là sôcôla hoặc kẹo, cố gắng không uống thuốc trước mặt trẻ đề phòng trẻ bắt chước bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận