05/10/2017 17:19 GMT+7

Phòng tránh khuyết tật bẩm sinh ở trẻ

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Không phải tất cả các khuyết tật bẩm sinh đều có thể phòng ngừa được, tuy nhiên vẫn có những việc làm quan trọng và hiệu quả có thể giảm bớt nguy cơ bị mắc khuyết tật bẩm sinh cho trẻ.

Phòng tránh khuyết tật bẩm sinh ở trẻ - Ảnh 1.

Sử dụng axit folic khi mang thai

Axit folic là vitamin đặc biệt cần thiết cho phụ nữ mang thai để phòng tránh dị tật ống thần kinh. Việc bổ sung vitamin này cần được tiến hành trước khi chuẩn bị có thai 1 tháng và trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ, liều được khuyến cáo hiện nay là 0,4mg/ngày.

Nếu người phụ nữ có tiền căn nứt đốt sống hoặc đã có sinh con mắc khuyết tật ống thần kinh, phải dùng axit folic liều cao theo sự chỉ định của thầy thuốc (có thể cao gấp 10 lần so với người bình thường).

Không hút thuốc lá, sử dụng đồ uống có cồn trong khi mang thai

Khi mẹ uống quá nhiều đồ uống có cồn, thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng ngộ độc rượu với các biểu hiện của chậm phát triển trí tuệ, khuyết tật tim, khuyết tật lồng ngực và khớp. Hiện nay chưa xác định được ngưỡng an toàn của lượng đồ uống có cồn cho thai nhi, nên tốt nhất sản phụ hoàn toàn không nên sử dụng đồ uống có cồn trong lúc mang thai.

Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai và khám thai định kỳ

Khi chuẩn bị mang thai, cả vợ và chồng đều nên kiểm tra sức khỏe để phát hiện và điều trị nếu có bệnh. Với những bà mẹ sống trong gia đình có người mắc bệnh huyết áp cao, đái tháo đường, động kinh hay chậm phát triển trí tuệ... cần thông báo cho bác sĩ để được tư vấn. Với những bà mẹ đang mắc bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị khác nhau, để bảo đảm tình trạng bệnh có thể kiểm soát được khi mang thai và cho biết thời điểm nào bạn có thể mang thai.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có khả năng cao gây ra khuyết tật thai nhi. Ví dụ, nhiễm khuẩn Giang mai hay Herpes có thể gây mù hoặc điếc cho trẻ. Trong lần khám thai đầu, người phụ nữ cần được làm các xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Trong những lần khám thai định kỳ sau này, có thể giúp phát hiện các bệnh lý phát sinh khi mang thai, ví dụ như các bệnh nhiễm khuẩn khi thai nghén, bệnh cao huyết áp hay đái tháo đường...

Kiểm soát chặt chẽ các loại thuốc sử dụng trước khi mang thai

Nhiều loại thuốc sử dụng khi mang thai hoặc ngay trước khi có thai có thể có các tác dụng phụ nguy hại đến thai nhi. Ví dụ một số loại kháng sinh có thể gây điếc hay liệt cơ của thai nhi, một số thuốc điều trị mụn trứng cá, sốt rét hay động kinh có thể gây sẩy thai hoặc dị tật bẩm sinh hay chậm phát triển trí tuệ.

Đặc biệt khi sử dụng các thuốc điều trị mà không có chỉ định của bác sĩ (tình trạng này khá phổ biến ở Việt Nam) nguy cơ còn cao hơn nhiều. Ngay cả những thuốc đông y thảo dược cũng mang những nguy cơ nhất định. Thuốc đa vitamin, khi chứa hàm lượng vitamin A quá cao có thể gây ra dị tật ống thần kinh. Nếu dùng bất kỳ loại thuốc gì ngay trước và trong khi mang thai, hãy thông báo cho bác sĩ chuyên khoa biết.

Cẩn thận khi các bà mẹ nhiều tuổi

Phụ nữ dưới 30 tuổi, nguy cơ thai nhi mắc khuyết tật bẩm sinh thấp hơn so với trên 30 tuổi. Ví dụ nguy cơ thai nhi mắc khuyết tật nhiễm sắc thể bẩm sinh ở người phụ nữ 20 tuổi là 1,9/1000 thai nhi; ở người phụ nữ 35 tuổi là 5,2 và ở người 40 tuổi là 15,2/1000 thai nhi. Trong hầu hết các trường hợp, những phụ nữ trên 35 tuổi khi mang thai nên được xét nghiệm các rối loạn gen và sàng lọc dị tật bẩm sinh.

Tránh tiếp xúc với các tác nhân nguy hiểm

Ngoại trừ các bệnh lý và bất thường thai nghén được phát hiện, thai phụ vẫn được khuyến khích làm việc khi mang thai. Tránh tiếp xúc với các hóa chất như chì, thủy ngân, các dung môi hóa học, thuốc trừ sâu, hay nguồn phóng xạ. Nếu công việc đang làm liên quan đến những chất này, cần phải thay đổi công việc hoặc trang bị bảo hộ cẩn thận. Nhiều loại cá biển chứa hàm lượng thủy ngân khá cao như cá ngừ, cá kiếm, cá mập... khi mang thai, nên hạn chế những thức ăn này.

Các lưu ý khác

Nên có một cân nặng vừa phải và hợp lý trước khi mang thai. Chế độ dinh dưỡng sẽ tùy theo từng người nhưng phải bảo đảm năng lượng đầy đủ cho bà mẹ và nhu cầu phát triển của thai. Nếu tăng cân quá nhiều sẽ có nguy cơ huyết áp cao, đái tháo đường và tăng sức nặng làm việc cho tim. Nếu tăng cân quá ít, thai nhi sẽ có nguy cơ kém phát triển trong tử cung hay nhẹ cân khi sinh.

Phát hiện khuyết tật bẩm sinh như thế nào?

Việc phát hiện khuyết tật bẩm sinh sớm được thực hiện thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Đây là việc dùng các biện pháp như siêu âm, xét nghiệm máu mẹ, sinh thiết gai rau, xét nghiệm nước ối, lấy máu gót chân trẻ để giúp phát hiện sớm các bệnh lý do rối loạn chuyển hóa hoặc di truyền ngay từ trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, từ đó có các biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời.

Để hạn chế thấp nhất những hậu quả do các dị tật bẩm sinh, các bà mẹ cần thực hiện lối sống lành mạnh, hạn chế những thực phẩm không lành mạnh hoặc tránh xa các tác nhân nguy hiểm. Ngoài ra, cũng nên thực hiện khám thai định kỳ để phát hiện sớm những khuyết tật bẩm sinh nếu có hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng.


Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên