Chị M.D. đang bơm sữa cho con là bé N.H.K.Đ. (5 tuổi) sau khi bé uống phải nước tẩy bể cá làm bé bị phỏng - Ảnh: H. Thuận |
Dù sự việc xảy ra hơn hai tháng nay nhưng mỗi lần nhớ lại chị H.T.M.D. (34 tuổi, ngụ ở Q.12, TP.HCM) vẫn đau thắt ruột trước sự cố đã xảy ra với con gái mình.
Uống nhầm nước tẩy bể cá
Buổi sáng hôm ấy, khi đang ngồi chăm bé thứ hai trong phòng, chị D. bỗng nghe thấy tiếng khóc ré lên của bé N.H.K.Đ., 5 tuổi, con gái đầu của chị. Chị chạy ra thì thấy con ói, miệng và môi đều bị phỏng. Nhìn thấy chai nước tẩy bể cá ở ngay cạnh con, chị hiểu ngay con gái chị cùng một bé khác ngồi chơi đồ hàng và rót chai nước tẩy bể cá ra làm đồ uống. Gia đình vội đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM cấp cứu.
Bác sĩ Trần Thanh Trí, trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, nhận xét đây là trường hợp phỏng thực quản do hóa chất nặng nhất từ trước đến nay khoa này từng điều trị. Kết quả nội soi tiêu hóa, chụp phim thực quản cản quang cho thấy bé Đ. bị phỏng thực quản, gây xơ hết thực quản. Các bác sĩ phải mở đường bụng để đặt thông vào dạ dày nhằm đưa thức ăn vào dạ dày cho bé Đ..
Sau 3-6 tháng, các bác sĩ sẽ khám, đánh giá lại tổn thương của thực quản, từ đó quyết định thay thế thực quản bằng dạ dày, trực tràng hay đại tràng cho bé Đ.. Đây là trường hợp phức tạp nên bệnh viện mời các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này để hội chẩn, tìm phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Bác sĩ Bùi Hải Trung, khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, đánh giá nhiều khả năng bé Đ. được phẫu thuật thay thế thực quản bằng dạ dày. Các bác sĩ đưa toàn bộ dạ dày lên nối với cổ bệnh nhi để một phần dạ dày thay thế thực quản. Nếu như vậy, bệnh nhi không ăn uống nhiều được vì ăn nhiều dạ dày bị trướng lên, chèn ép các cơ quan trong lồng ngực như phổi, khí quản, phế quản, tim... Bệnh nhi phải chia nhỏ bữa ăn.
Để hóa chất xa tầm tay của trẻ
Theo bác sĩ Bùi Hải Trung, Bệnh viện Nhi Đồng 2 vẫn tiếp nhận những trường hợp bị phỏng, hẹp thực quản do uống nhầm nước sôi, nước tro tàu và các loại hóa chất.
Hiện tháng nào em N.B.Đ. 11 tuổi, ở Bình Thạnh, TP.HCM cũng được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 để nong thực quản.
Hơn một năm trước, đang đêm cháu Đ. thức dậy vì khát nước. Cháu không bật đèn mà đến ngay chỗ bình nước có cả vòi nước nóng và lạnh để lấy nước. Trong đêm tối, trẻ rót nhầm vòi nước nóng uống nên gây bỏng thực quản. Người nhà phát hiện đã cho em Đ. uống ngay nước lạnh để bớt phỏng thực quản và đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị.
Khi em Đ. được chụp phim thực quản cản quang để kiểm tra thực quản thì thấy hẹp thực quản, gần như bít thực quản, nhưng do chỗ bị hẹp thực quản ngắn nên các bác sĩ đã cắt đoạn hẹp đó và nối lại.
Dù đoạn bị cắt đi ngắn nhưng khi nối lại thực quản chỗ nối vẫn bị căng, gây hẹp thực quản sau khi được nối, do đó hằng tháng em Đ. vẫn vào bệnh viện để nong thực quản cho đến khi hết bị hẹp mới thôi.
Ngoài ra, còn có trẻ bị phỏng thực quản do uống phải nước tro tàu (nước gói bánh ú), các loại hóa chất khác... Tai nạn xảy ra bất ngờ do nhiều gia đình đã để những loại nước hóa chất này ngay tầm tay của trẻ.
Có gia đình còn đựng những loại nước, hóa chất này vào những chai nước suối càng dễ gây nhầm lẫn cho trẻ. Chỉ đến khi chứng kiến những hậu quả của việc trẻ uống nhầm nước, hóa chất gia đình mới nhận ra sự chủ quan của mình và rất hối hận.
Bác sĩ Hải Trung khuyên gia đình có trẻ nhỏ không nên sử dụng bình nước có cả vòi nóng, lạnh, nếu dùng thì không nên để trong tầm với của trẻ. Những hóa chất khi sử dụng xong phải cất giữ xa tầm tay trẻ, thậm chí cho vào tủ khóa lại để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trẻ uống nhầm nước sôi, nước tro tàu, các loại hóa chất với một lượng ít bị phỏng thực quản nhẹ nên các bác sĩ sẽ nong thực quản cho trẻ. Còn những trường hợp uống nhiều, nặng hơn, bệnh nhi sẽ bị cắt đoạn thực quản và nối lại thực quản. Trường hợp phỏng nặng toàn bộ thực quản như bé N.H.K.Đ., 5 tuổi, các bác sĩ sẽ có những phương pháp để tái tạo lại thực quản như dùng dạ dày, ruột non hoặc đại tràng. Tuy nhiên các phương pháp này đều có thể gây biến chứng cho trẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận