18/06/2017 15:24 GMT+7

Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử: Chết giữa ban ngày

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Theo Ủy ban Bảo vệ nhà báo (Mỹ), năm 2016 có 48 nhà báo thiệt mạng trong khi tác nghiệp và từ đầu năm 2017 đến nay có thêm 15 nhà báo. 

Tưởng nhớ nhà báo nữ Miroslava Breach bị bọn buôn ma túy bắn chết ngày 23-3 - Ảnh: Noroeste
Tưởng nhớ nhà báo nữ Miroslava Breach bị bọn buôn ma túy bắn chết ngày 23-3 - Ảnh: Noroeste

Đó là những người chấp nhận đương đầu với cái chết để đưa tin về ma túy và tham nhũng ở Mexico hay tác nghiệp trong các khu vực nguy hiểm ở Iraq, Syria, Afghanistan...

Từ đầu năm đến nay đã có sáu nhà báo bị các băng nhóm ma túy ở Mexico sát hại. Trường hợp tiêu biểu gần đây là nhà báo nổi tiếng Javier Valdez Cárdenas, 50 tuổi.

“Làm nhà báo ở Mexico gần giống như có tên trong danh sách đen. Chúng sẽ quyết định ngày chúng giết bạn dù bạn có mặc áo giáp hay có vệ sĩ

Javier Valdez viết trong cuốn sách cuối cùng có tựa đề Phóng viên viết ma túy, báo chí giữa tội ác và tố cáo

Sống với linh cảm

Ngày 15-5, nhà báo - nhà văn Javier Valdez vừa rời tòa soạn tuần báo Ríodoce ở Culiacán (thủ phủ bang Sinaloa ở miền bắc Mexico) được vài mét, một số kẻ trùm mặt xuất hiện đột ngột. Chúng ra lệnh cho ông xuống xe rồi lạnh lùng nã hàng chục phát đạn.

Javier Valdez là đặc phái viên của nhật báo La Jornada và cộng tác viên cho Hãng tin AFP từ hơn 10 năm nay tại bang Sinaloa, địa bàn cát cứ của trùm ma túy Joaquín “El Chapo” Guzman (đang ngồi tù ở Mỹ). Ông nổi tiếng với các bài báo và sách viết về buôn lậu ma túy cùng với nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền.

Cách đây 14 năm, ông cùng hai đồng nghiệp thành lập tuần báo Ríodoce chuyên đăng bài điều tra về các băng nhóm ma túy. T

rong lễ nhận giải thưởng quốc tế về tự do báo chí do Ủy ban Bảo vệ nhà báo (Mỹ) trao tặng hồi tháng 10-2011, ông phát biểu: “Ở Culiacán, sống sót và làm báo là điều nguy hiểm. Đó là đi trên sợi dây vô hình do bọn xấu vạch ra. Chúng nằm trong đường dây buôn ma túy và trong chính quyền”.

Javier Valdez đã xác định nhà báo là nghề cực kỳ nguy hiểm trong cuộc chiến tiêu diệt các băng đảng ma túy. Nhà báo bị tấn công là chủ đề chủ đạo trong các bài viết của ông.

Trong bài viết ngày 27-3 với tựa đề “Chúng sắp giết bạn”, ông đã kể lại câu chuyện một nhà báo bị đe dọa lấy mạng vì đã tố cáo cảnh sát làm việc cho mafia.

Ba tháng trước ngày bị sát hại, ông đã nhận được nhiều tin đe dọa.

Một ngày nọ, phiên bản báo El País ở Mexico muốn gặp ông để đề nghị ông phân tích băng Sinaloa tổ chức lại thế nào sau khi trùm Dámaso López bị bắt vào đầu tháng 5-2017, ông viết thư hồi đáp: “Vì lý do an toàn, tôi không thể trả lời, tình hình đang trở nên khủng khiếp”.

Nửa tháng sau ông bị bắn chết giữa đường.

Sau khi Javier Valdez bị sát hại, nhiều cuộc biểu tình được tổ chức trên cả nước để yêu cầu chính quyền trừng trị bọn buôn ma túy.

Ngày 21-5, lần đầu tiên ở Mexico, 186 nhà báo nước ngoài làm việc tại Mexico đại diện cho 69 cơ quan truyền thông quốc tế cùng công bố thư ngỏ lên án vụ sát hại Javier Valdez.

Thư ngỏ nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả pháp luật là vấn đề cốt lõi để ngăn chặn các vụ tấn công và bảo đảm cho các nhà báo hành nghề an toàn và tự do.

Mục tiêu ám sát

Không lâu trước ngày Javier Valdez bị sát hại, hôm 23-3, nhà báo nữ Miroslava Breach, 54 tuổi, phóng viên báo La Jornada và báo Norte de Juarez, đã bị bắn chết thảm thương tại Chihuahua.

7 giờ sáng hôm đó, bà lên ôtô để đưa cậu con trai 14 tuổi đi học. Bà đang cằn nhằn vì con trai còn lề mề ở trong nhà thì một gã đàn ông mặc áo trùm đầu xuất hiện bắn ba phát đạn vào đầu bà.

Hung thủ táo tợn ghi lại dòng chữ “Tại lưỡi mày dài quá” và ký tên “EI 80”. Đây là biệt danh của Arturo Quintana, trùm băng La Linea là chân rết của băng ma túy Juarez, một trong những băng đảng mạnh ở Mexico. Dấu hiệu này cho thấy rõ ràng bà là mục tiêu ám sát.

Thống đốc bang Chihuahua khẳng định tội ác đã được lên kế hoạch sẵn.

Bà Miroslava Breach chuyên viết bài điều tra về buôn lậu ma túy. Trong một năm trước đó, bà đã viết nhiều bài cảnh báo bọn tội phạm có tổ chức xâm nhập vào bộ máy chính quyền địa phương. Bà tiết lộ tên các đại biểu dân cử và các ứng cử viên hội đồng thị chính thân cận với bọn buôn ma túy.

Trong một bài viết trước khi bị bắn, bà mô tả cảnh “huynh đệ tương tàn” bắn giết lẫn nhau giữa hai đại ca băng Juarez.

Trong tháng 3 cũng từng xảy ra hai vụ sát hại nhà báo. Hồi đầu tháng 3, ông Cecilio Pineda Brito (phụ trách báo La Voz de la Tierra Caliente) đã bị bắn chết tại trạm rửa xe ở Altamirano (bang Guerrero).

Hai tuần sau đó tại Xalapa (bang Veracruz), đến lượt ông Ricardo Monlui Cabrera (giám đốc nhật báo El Político) ngã gục dưới họng súng khi vừa rời nhà hàng cùng gia đình. Hai tờ báo này đang điều tra về các băng nhóm ma túy và nạn tham nhũng chính trị.

Các nhà báo biểu tình ngày 16-5 đề nghị bắt giữ thủ phạm sát hại Javier Valdez - Ảnh: AFP
Các nhà báo biểu tình ngày 16-5 đề nghị bắt giữ thủ phạm sát hại Javier Valdez - Ảnh: AFP

Hậu chấn thương tâm lý

Hai ngày trước khi nhà báo Javiez Valdez bị bắn chết, ngày 13-5 hàng trăm tên trang bị súng ống thuộc băng ma túy La Familia ở bang Guerrero đã bắt cóc sáu nhà báo và hăm dọa sẽ thiêu sống.

Sau khi được trả tự do, ông Sergio Ocampo, 60 tuổi, bị liệt nửa mặt bên phải. Bác sĩ chẩn đoán ông bị hội chứng hậu chấn thương tâm lý. Jorge Martinez, 44 tuổi, được tự do song đã thất kinh hồn vía đến mức không dám ra ngoài suốt nửa tháng vì cứ nghĩ ai đó luôn theo dõi ông.

Tại Mexico, nhiều nhà báo đã mắc hội chứng hậu chấn thương tâm lý như hai nhà báo nêu trên. Hội chứng này như vết sẹo vô hình ám ảnh họ suốt đời.

Một công trình nghiên cứu đối với 246 nhà báo làm việc tại Mexico được thực hiện hồi năm ngoái cho thấy 41% đã bộc lộ các triệu chứng hậu chấn thương tâm lý, 77% luôn có cảm giác lo lắng và 42% bị suy nhược tinh thần.

Ezequiel Flores, 40 tuổi, đặc phái viên của tuần báo Proceso tại vùng Iguala, không dám đi tác nghiệp nữa sau khi bị bọn buôn ma túy hăm dọa lấy mạng.

Ông giải thích: “Hằng ngày bạn phản ảnh từ bi kịch này đến bi kịch khác và rồi bạn không biết cách nào để thoát khỏi những chuyện như thế”.

Con số kinh khủng

Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Articulo 19, từ năm 2000 đến nay đã có 105 nhà báo bị giết và 23 nhà báo mất tích ở Mexico.

Theo điều tra của Đại học Iberoamericana (Mexico), năm 2016 là năm có số nhà báo bị sát hại nhiều nhất ở Mexico trong 17 năm qua với 11 nhà báo bị giết và 426 nhà báo bị tấn công. 40% nhà báo chuyên nghiệp là nạn nhân bị hăm dọa.

_____________

Kỳ tới: Đào thoát khỏi quê nhà

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên