08/08/2022 10:57 GMT+7

Phóng sự điều tra: Tàu 'giã điện' tàn sát trên biển

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Hàng chục con tàu không số, không đăng ký, không đăng kiểm, dùng máy phát điện ba pha công suất "khủng" đang hằng đêm hoành hành tận diệt hải sản ở vùng biển Hà Tĩnh.

Phóng sự điều tra: Tàu giã điện tàn sát trên biển - Ảnh 1.

3 dây truyền điện trực tiếp xuống biển tận diệt hải sản - Ảnh: VŨ TUẤN

Ngư dân gọi chúng là tàu "tàu ma" hay "giã điện" vì chúng vừa có lưới kéo giã cào lại có thêm máy phát điện ba pha, hủy diệt bất cứ sinh vật nào bị quét qua. Phóng viên Tuổi Trẻ đã đi biển nhiều ngày cùng ngư dân, tận mắt chứng kiến sức hủy diệt của những con tàu này.

Từ 16h hôm trước đến 4h sáng ngày hôm sau, gần 20 chiếc tàu kéo theo lưới điện càn quét khu vực biển Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ngày hôm sau, những gì còn lại dưới đáy biển là những con sò, con ghẹ chết lập lờ lẫn trong cát biển.

Đêm sập nhanh bóng tối xuống biển. Hàng trăm chiếc ghe câu mực thắp đèn hắt ánh sáng lấp lánh lên đầu con sóng. Lão ngư Trần Long (đã đổi tên) thả neo cách bờ chừng non một hải lý. Vùng này nước sâu khoảng sáu sải tay, đáy cát có rất nhiều sò và mực "nhảy" - thứ mực tươi, còn sống có giá rất đắt ở Vũng Áng.

Tôi đảm bảo có khoảng hơn hai chục chiếc tàu giã điện. Ngày nào chúng tôi cũng gặp, nhớ cả mặt lái tàu. Thỉnh thoảng cũng có tàu lạ nơi khác đến, nhưng đánh giã điện ngoài xa.

Ông Nguyễn Vĩnh

Phóng sự điều tra: Tàu giã điện tàn sát trên biển - Ảnh 3.

Bộ phận phát điện mạnh bên trong khoang máy của tàu “giã điện” - Ảnh: VŨ TUẤN

Theo dấu "tàu ma"

Bất ngờ, ông Long ngừng kéo chiếc cần nhử mực, chau mày nghe ngóng: "Hắn đến đấy! Tàu giã điện đấy! Đêm nào hắn cũng triệt tôm triệt cá mực ở ni. Rồi chẳng có con nào mà câu nữa mô!".

Sau cơn dông trên biển, bầu trời đen đặc không một ánh sao, chỉ nghe tiếng máy nổ gầm gừ vọng lại, chúng tôi không kinh nghiệm nên căng mắt không thấy con tàu nào. Chừng một phút sau, phía mạn phải có một chiếc ghe lớn lừng lững tiến về. Lão ngư vơ chiếc đèn pin công suất lớn soi về hướng con tàu, nháy đèn ra hiệu cho tàu "giã điện" tránh xa ghe câu mực.

Nhưng con tàu kia chẳng thèm đổi hướng, cứ tiến thẳng sát vào dây neo tàu của ông Long. Sóng từ mạn tàu đó đánh sang như muốn hất chiếc ghe câu mực lật úp xuống biển.

Tàu "ma" hiện nguyên hình. Đó là con tàu gỗ không lớn lắm nhưng nghe tiếng máy rất "lực" như kinh nghiệm của lão ngư Long. Tàu không có số hiệu, không treo cờ, cũng không treo đèn báo chạy trong đêm thoắt ẩn, thoắt hiện như những bóng ma. Đuôi tàu có một trụ treo tời, hai chiếc càng giữ lưới dài hơn bốn sải tay.

Chiếc lưới kéo buộc ở hai đầu càng, từ mép lưới dòng xuống là ba dây điện to như ngón tay màu vàng. Bên hông tàu treo hai túi lưới căng phồng. Bên trong là cá, mực, ghẹ lẫn lộn. Con tàu đi qua một quãng xa, nước, cát biển lẫn bùn quẩn lên đục ngầu.

Chỗ nước đục là đuôi lưới chì cào xuống cát. Ông Long ước chừng cái lưới và dây điện dài cỡ 400m. 400m là lưới và dây điện để tàu giã điện tàn sát cá tôm.

"Kích điện lạc hậu rồi, bây giờ bọn hắn lắp cả máy phát điện ba pha. Nỏ con nào sống được mô!" - ông Long buồn bã rồi kéo neo. Ghe câu mực nổ máy tìm chỗ câu mới. Chỗ câu này đã bị tàu giã điện đó "quét diệt", không thể câu được nữa.

Người ngư dân này phàn nàn nhiều năm nay những người câu mực như ông khốn khổ vì các con tàu "giã điện". Trước đây, khi loại tàu hủy diệt này chưa xuất hiện, mỗi đêm ông Lượng câu được cả yến mực. Thả một lượt lưới quây cũng có thêm dăm bảy cân cá.

Chục năm trước, tôm hùm to như cổ chân, cá mú nặng cả yến, còn sò lụa sò mai không biết đâu mà kể. Đến giờ thức trắng đêm cũng chỉ câu nổi hai ký mực. Có hôm hai người ngồi vài tiếng đồng hồ không con nào cắn câu. Nhiều người miền biển ở Kỳ Hà dạt đi tận Phú Yên, Vũng Tàu, vào cả Phú Quốc hay sang nước bạn làm nghề lặn thuê, số khác phải bỏ nghề đi biển.

"Ngày nào chúng cũng quần đảo. Cả chục chiếc cứ rà điện từ cảng Vũng Áng, từ bờ biển Kỳ Lợi qua Kỳ Hà, Kỳ Thịnh lên Kỳ Ninh... thỉnh thoảng có cả tàu giã điện ở Nghệ An, Thanh Hóa cũng vô. Chúng cứ giã điện suốt như thế, cá tôm biển cả chết hết!" - ông Long gằn giọng nói.

Phóng sự điều tra: Tàu giã điện tàn sát trên biển - Ảnh 4.

Tàu “giã điện” càn quét ở vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh)- Ảnh: VŨ TUẤN

Bầy tàu "giã điện"

Chúng tôi lên tàu từ 15h, neo ngoài vịnh để theo tàu "giã điện". Tàu vừa ra khỏi cửa lạch, trước cửa trạm kiểm soát của Đồn biên phòng Kỳ Khang (Hà Tĩnh), lão ngư Nguyễn Vĩnh (đã đổi tên) nhấn ga đạp sóng ra khơi: "Bọn hắn ra khơi rồi kìa! Bốn chiếc!".

Vịnh Vũng Áng lác đác vài chiếc tàu thợ lặn với dăm ba chiếc thuyền đánh lưới bát quái. Ngoài xa, bóng bốn con tàu nhỏ như chiếc lá trên mặt sóng. "Tôi dân biển mà, nhìn cái là biết. Tàu "giã điện" có càng chữ A đằng sau. Tàu loại này chạy liên tục, không dừng một chỗ như tàu lặn hay thả lưới" - ông Vĩnh khẳng định.

Hơn 15 phút sau, chúng tôi mới ra tới nơi. Tàu giã điện chạy chậm để "rà" cá. Dây lưới và dây điện ba pha buộc chung với nhau thòng xuống biển. Hai túi lưới đựng cá bên hông tàu đã đầy lưng túi.

Trên khoang sau, hai người đàn ông đang lúi húi múc nước biển rửa cá. Mấy túi cá mới kéo lên đã gần đầy hai chiếc giành nhựa lớn. Chúng tôi áp sát tàu vờ hỏi mua mực. Người đàn ông trên tàu ngưng múc nước xua tay: "Chưa có mô! Mới đánh được vài con cá!".

Tàu chúng tôi tiếp tục chạy quanh vùng biển Vũng Áng, tàu câu mực chưa ra, cứ đếm chục chiếc tàu trên biển thì một nửa là tàu giã điện. Ông Vĩnh lái tàu vòng một lượt đếm được mười sáu chiếc tàu giã điện.

Phóng sự điều tra: Tàu giã điện tàn sát trên biển - Ảnh 5.

Lưới và dây điện "giật" cá của các tàu "giã điện" Ảnh VŨ TUẤN

"Tôi đảm bảo có khoảng hơn hai chục chiếc tàu giã điện. Ngày nào chúng tôi cũng gặp, nhớ cả mặt lái tàu. Thỉnh thoảng cũng có tàu lạ nơi khác đến, nhưng đánh giã điện ngoài xa" - ông Nguyễn Vĩnh chia sẻ.

Lão ngư cho hay mỗi ngày đi biển, tàu giã điện đánh được số lượng gấp nhiều lần các loại tàu khác. Mỗi lần cập bến họ bán vài tạ cá, mực, cua, ghẹ... nhưng giá rất rẻ vì hải sản đông lạnh không được giá như hải sản tươi sống. Ấy thế nhưng mỗi tàu giã điện thu nhập gấp nhiều lần tàu đánh mực, đánh lưới thông thường.

"Họ bắt được một con thì làm chết chục con. Chúng tôi lặn xuống biển, con nào đủ lớn và được giá mới bắt, nhưng tàu giã điện thì khác. Hôm trước hắn (tàu giã điện) đi qua, hôm sau lặn xuống thì những con sò bé xíu đã chết há mồm dưới cát".

Đêm xuống, tàu giã điện quần đảo gần bờ hơn. Những khu vực nước sâu chừng bốn sải tay, lưới kéo kèm xung điện từ máy phát điện ba pha tàn sát từ đáy cát lên mặt sóng.

Ngay khi chúng tôi theo tàu lặn của ngư dân Kỳ Anh thì ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lực lượng chức năng đã bắt giữ bốn chiếc thuyền dùng kích điện để khai thác hải sản. Tuy nhiên, bốn chiếc thuyền với bốn bộ kích điện ấy không thể so sánh với một tàu với một máy phát điện ba pha, công suất cả chục kw. Đằng này cả chục chiếc tàu, chục chiếc máy phát điện ba pha ngày đêm hủy diệt sinh vật biển.

Ngư dân vùng biển Kỳ Anh phản ảnh mỗi năm có rất nhiều đợt tuần tra, kiểm tra của các lực lượng liên ngành. Thế nhưng trước khi đoàn kiểm tra đến, những người đi lặn bắt sò, đi câu mực lại không thấy tàu giã điện hoạt động. Sau khi đoàn kiểm tra đi, các tàu giã điện lại nổ máy, thòng dây điện ba pha xuống biển...

Ông Vĩnh cho hay nếu mức phạt vài triệu đồng mỗi thuyền thì họ đánh một đêm đã đủ tiền phạt. Còn nếu phạt vài chục triệu thì họ sẵn sàng bỏ tàu, đóng mới. Thu nhập của tàu giã điện rất cao, có khi chỉ cần vài tháng là đủ vốn đóng một chiếc tàu nhỏ, sắm đầu nổ, máy phát điện mới ra biển tàn sát cá tôm.

(Còn tiếp)

'Tàu ma' bí ẩn trên vịnh Thái Lan là tàu Trung Quốc?

TTO - Con "tàu ma" dài 80m được tìm thấy ở vịnh Thái Lan có dòng chữ tiếng Trung Quốc "Jin Shui Yuan 2". Tuy nhiên, con tàu này không chở người, hàng hóa hay giấy tờ chứng minh nguồn gốc của tàu.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên