Người dân phóng sinh trong dịp lễ Vu lan tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nhà văn PHẠM LƯU VŨ - người có nhiều năm "học Phật", nghiên cứu Phật giáo - chia sẻ với Tuổi Trẻ về cách làm không đúng này.
Ý nghĩa của phóng sinh chính là hộ sinh bảo vệ mạng sống cho động vật được phóng sinh, là một việc làm tốt. Nhưng cách phóng sinh của nhiều người hiện nay không hộ sinh mà thậm chí còn tạo nghiệp cho những người bắt động vật để phục vụ nhu cầu phóng sinh. Vì vậy, nếu không thể phóng sinh đúng cách, đúng ý nghĩa hộ sinh thì không phóng sinh sẽ tốt hơn.
Thượng tọa Thích Minh Quang (phó chánh văn phòng trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình)
Không phải là một "nghi lễ" bắt buộc
* Thưa ông, nhiều nhà nghiên cứu nói rằng đạo Phật gốc không hề có việc phóng sinh như một nghi lễ. Vậy ý nghĩa của phóng sinh trong đạo Phật thực ra như thế nào?
- Đúng vậy. Phóng sinh như một nghi lễ vốn chỉ có ở tín ngưỡng và ngoại đạo... Ngày nay, người ta mới nhân danh đạo Phật để hợp thức hóa nó như một trong những "phật sự"... Đây là một dạng "tầm gửi", biến tướng phản pháp vì ngược với Bát Nhã, phản tiến hóa vì những tệ hại do cái gọi là những "nghi lễ" ấy gây ra.
Giới luật của nhà Phật cấm sát sinh, nhưng ý nghĩa thực sự của việc phóng sinh không nằm trong nội dung này mà nằm trong hạnh bố thí, chính xác là vô úy thí (giúp cho sự sống không bị đe dọa). Phật khuyên phóng sinh, nhưng đó là một "hạnh" thường trực, cần có và tự nhiên của người tu hành, chứ quyết không phải là một "nghi lễ" bắt buộc.
Nếu là một "nghi lễ" thì nó ngược với Bát Nhã. Bởi vì trí tuệ Bát Nhã cần phải đạt được "đẳng tam luân không tịch" (ba điều tịnh không) đối với mọi hạnh bố thí. Một: Bố thí mà không thấy mình là người thí. Hai: Không thấy cái bố thí. Ba: Không thấy cả đối tượng nhận thí. Việc phóng sinh phải đạt được cả ba yếu tố ấy, thì mới có ý nghĩa thực sự, mới có công đức. Vậy mà phóng sinh phải thực hiện "nghi lễ", phải tụng kinh, gõ mõ, phải rùm beng ầm ĩ... để người phóng sinh chứng tỏ mình là người thí, để tỏ rõ cái việc phóng sinh (việc thí), để những con vật kia biết (đối tượng nhận thí)... thì còn tí công đức nào nữa.
Việc tổ chức thành "nghi lễ" phóng sinh vào mùa Vu lan, còn sinh ra những tệ hại thấy rõ. Mùa phóng sinh cũng là mùa săn bắt, buôn bán... những loài vật "phóng sinh", đó là hại sinh, sát sinh chứ đâu phải phóng sinh?
Nhà văn PHẠM LƯU VŨ
* Gần đây phong trào phóng sinh rầm rộ, theo đó là đội quân săn bắt và bán động vật phục vụ phóng sinh. Nhiều loài vật bị hành hạ trong cái vòng bắt thả, thả bắt...
- Mùa phóng sinh đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với mọi sinh vật, đã làm tăng thêm cả "tam độc" (Tham, Sân, Si) đối với con người, thì đó là phá Pháp, là đi ngược lại với cả Nhân, Thiên... không chỉ ngược lại với tôn chỉ và mục đích của đạo Phật mà thôi đâu.
Phóng sinh mà không hiểu, không đúng cách, không chỉ đơn giản là sai mà còn là sát sinh. Làm như thế, không những tạo nghiệp nặng, lâu dài cho luân hồi, còn tạo nghiệp ngay trong đời này. Ồ ạt săn bắt, hành hạ các loài muông thú... làm mất cân bằng sinh thái, thì hậu quả về môi trường đã phải gánh chịu ngay rồi.
Nên có quy định về phóng sinh
* Có ý kiến đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên có hành động mạnh mẽ, thậm chí loại bỏ nghi lễ này. Ông nghĩ sao?
- Rất nên đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có những hành động mạnh mẽ, hướng dẫn người dân phóng sinh theo đúng chánh đạo, tức là bố thí sự sống, chứ không phải nghi lễ... Nghĩa là loại bỏ hẳn cái gọi là "nghi lễ phóng sinh" ra khỏi mọi hoạt động phật sự.
Chính phủ, thậm chí Quốc hội nên soạn "Luật phóng sinh", để bảo vệ các loài động vật hoang dã, tức là bảo vệ môi trường sống của chính con người.
Không chỉ đối với con người, việc phóng sinh đúng cách mới quan trọng như thế, mà đối với cả quỷ thần, việc ấy còn quan trọng gấp nhiều lần, bởi vì loạn phóng sinh là kinh động cả tam thiên, là loạn cả tam giới, không chỉ riêng dục giới... thôi đâu.
* Người dân nên phóng sinh thế nào cho đúng?
- Phóng sinh đúng cách tức là phóng sinh đúng, phóng sinh đúng mới là bố thí vô úy. Muốn có công đức, thì phải đạt tới "đẳng tam luân không tịch", như vừa nói ở trên.
Ông Trần Đình Sơn (phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, nguyên phó Ban văn hóa Giáo hội):
Đặt hàng mua trước để phóng sinh là tạo nghiệp
Phóng sinh chỉ có ý nghĩa thực sự nếu là giải cứu một con vật sắp bị giết hại. Những con vật chuẩn bị giết hại mà mình tìm cách mua lại, phóng sinh để chúng có đời sống tiếp tục, đó mới phù hợp giáo lý nhà Phật.
Thế nhưng gần đây, nhiều phật tử, người dân đã làm sai cách. Thậm chí nhu cầu phóng sinh rất lớn, đặc biệt vào tháng 7 âm lịch, mùa Vu lan báo hiếu khiến sinh ra những người chuyên đi bắt lại những con chim, con cá vừa được phóng sinh vì những con vật này sau khi bị bắt, nhốt đã trở nên yếu, rất dễ bắt.
Nếu có lòng, mỗi người lặng lẽ, tình cờ ra chợ mua những con vật sắp bị làm thịt rồi đi phóng sinh. Đừng tập trung đặt hàng mua trước để phóng sinh bởi như thế là tạo nghiệp cho người đi bắt các con vật đó. Phóng sinh chỉ là việc làm phước nếu được làm đúng giáo lý nhà Phật, hiểu biết về động vật trong môi trường tự nhiên của chúng.
Việc đề nghị Giáo hội nên có hành động mạnh mẽ loại trừ việc phóng sinh này theo tôi cũng không nên. Phóng sinh giữ gìn mạng sống của loài động vật là tốt, chỉ là phương cách không đúng hiện nay vô tình gây ra hậu quả không tốt. Giáo hội, các chùa, các tu sĩ nên hướng dẫn cho phật tử thực hiện đúng cách. Không giáo dục, hướng dẫn mà cấm cản sẽ không đem lại kết quả tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận