28/01/2019 08:32 GMT+7

Phóng sinh đừng... gây hậu quả

CẨM PHÔ
CẨM PHÔ

TTO - Như mọi năm, từ ngày 21 âm lịch, người ta đã rập rình chuẩn bị tiễn ông Táo về trời trước giờ ngọ ngày 23 tháng chạp. Và năm nào, chuyện phóng sinh cá chép cũng... sục sôi.

Phóng sinh  đừng... gây hậu quả - Ảnh 1.

Người dân thả cá chép tiễn ông Táo về trời Tết năm 2018 - Ảnh: DOÃN HÒA

Tết Nguyên đán 2019 đã đến thật gần trong cái rét ngọt của miền Bắc, khí trời se lạnh của miền Trung và nắng to ở miền Nam. 

Như mọi năm, từ ngày 21 âm lịch, người ta đã rập rình chuẩn bị tiễn ông Táo về trời trước giờ ngọ ngày 23 tháng chạp. Và năm nào, chuyện phóng sinh cá chép cũng... sục sôi.

Trong một cuộc trao đổi, TS Trần Hữu Sơn - phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, kiêm viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam - khẳng định: "Trong khi tục lệ cúng cá chép sống diễn ra rộng khắp tại miền Bắc thì ở miền Nam, người dân mời ông Táo cưỡi cá chép giấy, mà tại miền Trung người ta lại thường đặt lên bàn thờ một con ngựa giấy với yên cương đầy đủ". 

Điều này có thể giúp lý giải sự ra đời và tồn tại bao đời nay của những làng nghề chuyên nuôi cá chép đỏ như làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Chỉ riêng khu vực phía Bắc, 40 tấn cá chép đỏ (mỗi con khoảng 2-3 ngón tay) sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phóng sinh của người dân chỉ trong 2 ngày. Ấy là chưa kể những ngôi làng khác ở miền Trung, miền Nam cũng góp thêm hàng chục tấn được mua chỉ để... thả vào dịp này. 

Vì sao cung ngày càng nhiều? Bởi vài năm gần đây, có không ít người mua một số lượng lớn cá chép với mong muốn càng phóng sinh nhiều, gia đình sẽ càng hưởng lộc và sung túc hơn.

Tuy nhiên, phóng sinh trong đạo lý Phật giáo là hành vi giải thoát khi nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống bị giam cầm, sắp sửa bị giết hại chứ không phải sắp đặt hành vi phóng thích mà ngày nay chúng ta lạm dụng. 

Thật không may, đi cùng với nghi thức này, rất nhiều năm trở lại đây, ngoài cá, dọc các bờ sông, hồ còn được kèm theo vô vàn các chiếc túi nilông nhiều màu sắc nữa. 

Nhiều người không hiểu vì lý do gì mà lại vội vàng ném cả túi nilông đựng cá xuống hồ thay vì dùng hai tay đưa cá sát mặt nước rồi từ từ để cá bơi về với vùng nước rộng lớn hơn. Liên tục nhiều năm, những tổ chức môi trường, các mạng lưới hành động vì môi trường cũng ngày đêm kêu gọi thành viên nâng cao nhận thức. 

Đặc biệt, những gương mặt nổi bật có thể kể tên như MC Phan Anh, hoa hậu Ngọc Hân, hay các công dân quốc tế đến Việt Nam làm việc và định cư cũng xuống đường, đến cầu Long Biên, bờ hồ Hoàn Kiếm trong giá rét cầm biển "Thả cá đừng thả túi nilông" để nhắc nhở người dân thay đổi hành động gây ô nhiễm môi trường này.

Tuy thả cá chép là một tục lệ lâu đời nhưng việc thả cá xuống hồ ồ ạt trong một thời điểm có thể gây ra nhiều vấn đề về hệ sinh thái ở sông, hồ. Vậy nên, từ nhiều năm nay đã có các ý kiến cho rằng còn nhiều cách khác để thực hiện ngày lễ truyền thống này văn minh hơn, "ít rác" hơn. 

Chẳng hạn, bên cạnh các món ăn truyền thống khác trong mâm cơm cúng, một số gia đình thường chuẩn bị một đĩa xôi gấc hình cá chép. Hay sáng kiến làm bánh cá koi với nguyên liệu chính từ đậu xanh thật đẹp mắt cũng được nhiều người tại các thành phố lớn lựa chọn. 

Giá cả có thể đắt đỏ hơn đôi chút nhưng lại khiến những chiều cuối năm của công nhân vệ sinh đỡ vất vả hơn, sông, hồ cũng giảm được những vệt màu xanh đỏ do túi nilông gây ra.

Mùa rằm tháng giêng, phóng sinh đừng...

TTO - Mùa rằm tháng giêng người ta hay phóng sinh. Nhưng, liệu có phúc không khi người phóng sinh chim tiếp tay với những người tâm ác bức hại giam hãm chim trời vô tội, rồi mua bán chúng trước cổng những nơi tôn nghiêm?

CẨM PHÔ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên